Nhiều trường còn được rót ngân sách, Hiệu trưởng chỉ cần khéo chi tiêu

14/10/2021 06:44
Cao Kim Anh
GDVN- Khi những điều tiên phong đổi mới được chứng minh là đúng đắn thì phải được công nhận, được ủng hộ và có những chính sách bảo vệ người tài

Đổi mới phải gắn với lợi ích chung

Những ngày này dư luận xã hội rất quan tâm tới việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Trong kết luận này, Bộ Chính trị đã đề cập đến việc khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ và giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Đây được xem là giải pháp chính sách để bảo vệ cho những người dám đổi mới. Bởi trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, ranh giới giữa việc tiên phong đổi mới với việc "vi phạm" vì làm không đúng các quy định, quy chế hiện hành rất mong manh và không phải cá nhân, tổ chức nào cũng dám làm, dám thay đổi.

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết:

“Quản lý giáo dục được xem là một nghề chứ không phải chuyển người thầy tài sang làm quản lý giáo dục. Một cơ sở giáo dục trong thời kinh tế thị trường như hiện nay thì được xem là một doanh nghiệp đặc biệt. Người quản lý ở lĩnh vực này, ngoài sáng tạo đổi mới thì vẫn phải dùng ‘đức trị’, tức là tâm của một người làm thầy.

Trước đây, còn có những eo hẹp trong chính sách cho đổi mới sáng tạo nhưng sau Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, đã mở cửa cho những người tiên phong đổi mới. Đó được xem là bước đột phá cho những nhà quản lý tài ba trổ tài”.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Thực tế hiện nay, theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng có ba hướng đi tại các cơ sở giáo dục đại học công về đổi mới.

Một là, cổ hủ, không cải cách, không đổi mới và muốn sử dụng ngân sách nhà nước.

Hai là, lập lờ, muốn thay đổi nhưng không thoát ra khỏi sự an toàn, cơ chế.

Cuối cùng là đổi mới, sáng tạo tương đối mạnh tay từ những nhà quản lý. Tuy nhiên với con đường này, họ phải thật sự tỉnh táo vì dễ sa vào “bẫy lợi nhuận”.

Với tư duy đổi mới ấy, nhà quản lý giáo dục không chỉ quản lý chuyên môn là dạy tốt, nghiên cứu tốt mà phải tích lũy tốt cho ngân sách nhà nước.

Theo thầy Trương Tiến Tùng, nói tiên phong đổi mới sáng tạo thì phải đi kèm với lợi ích được tăng lên. Sau một nhiệm kỳ, kết quả phải được đánh giá thông qua những tiêu chí được hoạch định trước đó.

“Xác định chuẩn đầu ra, thế hệ sinh viên ra trường các năm đó có đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động không? Thước đo chính xác nhất là sinh viên có việc làm đúng ngành, đúng nghề được. Chất lượng của cơ sở giáo dục có tăng không? Thước đo đó chính là chuẩn đầu vào.

Nếu sinh viên đào tạo đầu ra nhiều nhưng thất nghiệp, hạ chuẩn đầu vào nhiều thì đó không thể nói là một người tài và có đổi mới sáng tạo tốt được. Đổi mới là lợi ích phải phục vụ tiêu chí chung, chứ nếu đổi mới để đánh bóng tên tuổi, để thu lợi phục vụ cá nhân thì đó không phải tiên phong đổi mới”, Tiến sĩ Tùng nhận định.

Trên thực tế, không thiếu các cơ sở giáo dục đại học được nhà nước rót nhiều ngân sách đầu tư và người quản lý chỉ việc sắp xếp, quản lý công việc chi tiêu của nhà trường. Theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, điều đó không được đánh giá cao bằng việc các trường công lập phải chắt chiu, tiết kiệm, cân đối thu chi để tiết kiệm ngân sách.

“Chính vì thế chúng ta cần phải đánh giá, giám sát cả việc tiên phong đổi mới sáng tạo. Có những đơn vị, họ lầm lũi làm những thay đổi không nhìn thấy ngay được. Những thay đổi từ từ nhưng bền vững sẽ tốt hơn thay đổi chớp nhoáng.

Trong giáo dục cũng khác hơn so với kinh tế. Sản phẩm của anh được đánh giá bằng cả quá trình giáo dục. Đổi mới nhưng phải đi kèm với việc bền vững. Nó không phải gieo hạt tháng này, tháng sau nảy mầm được. Độ trễ trong giáo dục chậm hơn so với doanh nghiệp kinh tế.

Khi nhìn nhận sáng tạo thì chúng ta phải nhìn nhận cả một quá trình. Vậy khi đánh giá sự bứt phá thì không nên vội và tôi cho rằng khoa học giáo dục thì có những chỉ số đưa ra cho rõ ràng hơn để xác định cả quá trình”, thầy Tùng nêu quan điểm.

Thu hút phải đi kèm bảo vệ người tài

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng cho rằng: “Cơ chế chúng ta chưa hoàn thiện, chính vì vậy, việc đổi mới sáng tạo thường đi liền với những mạo hiểm. Tuy nhiên, người đổi mới, sáng tạo cũng cần phải có những lý lẽ đúng đắn, sắc bén để cơ quan chủ quản, xã hội đồng ý với những điều đổi mới đó.

Khi những điều tiên phong đổi mới được chứng minh là đúng đắn, là ‘xé rào’ nhưng đưa lại nhiều lợi ích chung thì phải được công nhận, được ủng hộ và có những chính sách bảo vệ người tài.

Có một triết lý tôi luôn tâm đắc là nếu mình dạy học trò ngày hôm nay giống ngày hôm qua thì đồng nghĩa với việc mình cướp đi tương lai của người học trò. Hay nói cách khác là người thầy thì phải đổi mới”.

Theo Tiến sĩ Tùng, để chiêu mộ được người tài, người giỏi dám cống hiến, dám đổi mới thì không chỉ có những chính sách thu hút mà còn phải bồi dưỡng và bảo vệ họ.

“Có ba con đường để thu hút và chiêu mộ người tài. Thứ nhất, phát hiện nhân tài ngay trong lòng mình, tức là các sinh viên. Chúng ta phát hiện được sinh viên tốt, sinh viên giỏi thì phải tìm cách bồi dưỡng và giữ chân. Bồi dưỡng cho xã hội, giữ được là cho mình.

Thứ hai là bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng tại chỗ. Tức là đưa ra những cam kết về nâng cao chuyên môn cho những nhân tài. Tạo điều kiện cho họ được học tập, học tập nâng cao rồi thì họ phải có điều kiện để phát triển. Như vậy mới đổi mới, sáng tạo được.

Thứ ba là các chính sách thu hút nhân tài, nói cụ thể hơn là môi trường làm việc phải tốt, lương phải cao... Ở đây quan điểm của tôi rất rõ ràng, người ‘nhảy’ việc nhiều không hề xấu. Người giỏi, người tài mà ‘nhảy’ việc nhiều là biết đánh giá năng lực của mình và biết mặc cả sức lao động để có đồng lương xứng đáng. Và trong việc thu hút nhân tài thì nên có cạnh tranh, cạnh tranh này là để phát triển nền giáo dục, để người tài có đất ‘dụng võ’. Có như vậy thì mới có những người tiên phong, đổi mới, sáng tạo trong giáo dục”, thầy Tùng chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, một số trường đại học tư đưa ra cho nhân tài những quyền lợi và mức lương rất lớn thì việc thu hút nhân tài dễ dàng hơn trường đại học công là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có những người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn có thể vận dụng linh hoạt các quy định để thu hút được nhân tài. Muốn làm tốt điều này trở thành hướng đi lâu dài, nhà nước phải có những chính sách tạo thuận lợi cho các trường công lập, đầu tư nhưng có trọng điểm để có những điều kiện tốt cho người tài quy tụ.

Cao Kim Anh