Giáo viên Hải Phòng dạy minh họa Ngữ văn 6, có Tổng Chủ biên 2 bộ sách cùng dự

14/10/2021 06:48
PHẠM LINH
GDVN- Ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Chuyên đề “Dạy học môn Ngữ văn lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”

Tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới bảo đảm sự phát triển về năng lực phẩm chất của người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại và hài hòa đức, trí, thể, mĩ.

Chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề trong đời sống và học tập.

Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc định hướng chung về yêu cầu cần đạt và phẩm chất năng chất năng lực của học sinh.

Nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục không quy định quá chi tiết để tạo điều kiện cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo chương trình.

Cũng chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018, các thầy, cô giáo gặp phải rất nhiều băn khoăn, vướng mắc.

Với mục đích góp phần làm sáng tỏ những băn khoăn ấy, sáng ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chuyên đề “Dạy học môn Ngữ văn lớp 6 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” với hai tiết dạy minh họa hai nội dung đọc hiểu văn bản, nói và nghe.

Chuyên đề có sự tham dự trực tuyến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Cánh diều, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống và ông Văn Công Hùng, tác giả tác phẩm Đồng Tháp Mười mùa nước nổi.

Điểm cầu trung tâm của chuyên đề được đặt tại trường Trung học cơ sở Hồng Bàng có sự tham dự của ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào Tạo, đại diện Quận ủy Hồng Bàng, Phòng Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận.

Tại các 38 điểm cầu của thành phố có sự tham dự của Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và đại diện các trường trung học cơ sở trong toàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Đỗ Văn Lợi phát biểu khai mạc chuyên đề (Ảnh: Phương Linh)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Đỗ Văn Lợi phát biểu khai mạc chuyên đề (Ảnh: Phương Linh)

Ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu khai mạc chuyên đề: “Công tác chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các lãnh đạo Sở và Ủy ban nhân dân thành phố đã có chỉ đạo sát sao.

Theo đó, từ những năm trước thành phố đã triển khai đối với khối 1 và có nhiều kinh nghiệm để triển khai cho khối 2 và khối 6 năm nay.

Để chuẩn bị cho việc này, phía thành phố đã chuẩn bị kỹ từ việc lựa chọn, sắp xếp các thầy, cô dạy khối 6 của năm nay và việc tập huấn giáo viên.

Thành phố đã chỉ đạo rất tốt việc lựa chọn sách để chọn ra các quyển sách phù hợp với Hải Phòng.

Đã có nhiều chương trình kết nối thầy cô với các tác giả cũng như tổng chủ biên, chủ biên được tổ chức để giúp cho việc triển khai chương trình.

Đây là chuyên đề đầu tiên cho cấp trung học cơ sở, tôi ghi nhận sự cố gắng của Phòng giáo dục quận Hồng Bàng và các thầy, cô giáo ở hai trường Trung học cơ sở Bạch Đằng, Trung học cơ sở Hùng Vương đã sẵn sàng để chuẩn bị cho hai tiết dạy trong chuyên đề.

Ngành giáo dục thành phố cũng đã chuẩn bị các vấn đề, nội dung mà các thầy, cô giáo đang quan tâm gửi tới các tổng chủ biên, chủ biên để trao đổi.

Với tinh thần, sau hơn một tháng giảng dạy, các thầy cô tập trung trao đổi để làm rõ và triển khai tốt hơn trong các giờ học tiếp theo”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm tặng hoa cho hai giáo viên thực hiện tiết dạy minh họa môn Ngữ văn lớp 6 (Ảnh: Phương Linh)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm tặng hoa cho hai giáo viên thực hiện tiết dạy minh họa môn Ngữ văn lớp 6 (Ảnh: Phương Linh)

Chuyên đề bắt đầu với tiết học Ngữ văn của cô giáo Lê Thị Thúy và học sinh trường Trung học cơ sở Bạch Đằng.

Mở đầu tiết học, học sinh được trải nghiệm hành trình văn hóa về một miền quê thông qua video ngắn.

Từ đó, giáo viên khơi gợi sự hứng thú của học sinh về vùng đất lạ nơi có màu sắc, nền văn hóa khác biệt với Hải Phòng đó là Đồng Tháp Mười – địa danh xuất hiện trong tác phẩm mà các em sẽ tìm hiểu.

Cô giáo Thủy giới thiệu về đặc trưng vùng miền, nét đẹp văn hóa của Đồng Tháp Mười (Ảnh: Phương Linh)

Cô giáo Thủy giới thiệu về đặc trưng vùng miền, nét đẹp văn hóa của Đồng Tháp Mười (Ảnh: Phương Linh)

Trước đó, cô giáo Thủy cũng đã giao phiếu bài tập để học sinh chuẩn bị, tìm hiểu về tác phẩm thông qua mạng internet hay sách, báo.

Trên nền tảng đó, xuyên suốt tiết học, cô giáo Thủy đóng vai trò người dẫn dắt, hướng dẫn còn học sinh trong lớp chủ động tiếp cận kiến thức chung và chi tiết về tác giả, tác phẩm (xuất xứ, thể loại, phương thức diễn đạt, ngôi kể, bố cục).

Học sinh chủ động chuẩn bị, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm trước từ ở nhà rồi đưa ra thảo luận trên lớp (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh chủ động chuẩn bị, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm trước từ ở nhà rồi đưa ra thảo luận trên lớp (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh còn được mở rộng kiến thức về nét đặc trưng của thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười.

Trong tiết học, cô giáo Thủy còn lồng ghép tình yêu quê hương đất nước khi học sinh chia sẻ về đặc trưng của thành phố Hải Phòng.

Học sinh hào hứng trong tiết học của cô giáo Thủy (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh hào hứng trong tiết học của cô giáo Thủy (Ảnh: Phương Linh)

Từ việc chủ động chuẩn bị bài tập và hướng dẫn của cô giáo Thủy, học sinh được củng cố, khắc sâu kiến thức về tác phẩm.

Học sinh được củng cố, khắc sâu kiến thức dưới sự hướng dẫn của cô giáo (Ảnh:Phương Linh)

Học sinh được củng cố, khắc sâu kiến thức dưới sự hướng dẫn của cô giáo (Ảnh:Phương Linh)

Kết thúc tiết học, cô và trò trường Trung học cơ sở Bạch Đằng cùng nhau hát vang ca khúc “Tôi yêu Việt Nam” trong không khí vui tươi, hào hứng.

Còn trong tiết học của cô giáo Đỗ Thị Ngọc, trường Trung học cơ sở Hùng Vương, không khí trở nên sôi động hơn khi học sinh được tái hiện một cuộc thi, được tự làm giám khảo và chấm điểm cho các thí sinh.

Để học sinh thể hiện tốt việc nói và nghe, cô giáo Ngọc đã đưa ra ví dụ về một sinh viên tham gia chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”.

Do không chuẩn bị tốt và yếu tố tâm lý, sinh viên này đã không hoàn thành tốt phần thuyết trình và bị loại.

Cô giáo Ngọc truyền tải những yêu cầu đối với người nói và người nghe để trình bày vấn đề tốt nhất (Ảnh: Phương Linh)

Cô giáo Ngọc truyền tải những yêu cầu đối với người nói và người nghe để trình bày vấn đề tốt nhất (Ảnh: Phương Linh)

Từ ví dụ trên, cô giáo Ngọc truyền tải kiến thức khi trình bày một vấn đề, câu chuyện, người nói phải chuẩn bị những gì, thể hiện như thế nào và biết lắng nghe những phản hồi của người nghe.

Còn người nghe cần: “Chú ý lắng nghe, quan sát, nhận xét phần trình bày bài nói và tương tác với người nghe bằng ánh mắt, nét mặt”.

Học sinh tổ chức thi kể chuyện và cô giáo trở thành khách mời (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh tổ chức thi kể chuyện và cô giáo trở thành khách mời (Ảnh: Phương Linh)

Đến phần thi “kể chuyện về trải nghiệm của em”, học sinh được thực hành những kiến thức được cô giáo đưa ra ở phần đầu tiết học.

Ba thí sinh đã chia sẻ câu chuyện về việc bản thân chăm sóc một chú cún con, giúp đỡ bạn học mới hòa đồng ở lớp và bữa cơm đầu tiên tự nấu.

Những câu chuyện dung dị, gần gũi được các em kể lại rất tự nhiên, dí dỏm mang lại tiếng cười, không khí sôi nổi xuyên suốt tiết học.

Học sinh tập trung lắng nghe câu chuyện trải nghiệm của bạn học (Ảnh: Phương Linh)

Học sinh tập trung lắng nghe câu chuyện trải nghiệm của bạn học (Ảnh: Phương Linh)

Phần trình bày được chính các bạn trong lớp nhận xét, góp ý và chấm điểm (Ảnh: Phương Linh)

Phần trình bày được chính các bạn trong lớp nhận xét, góp ý và chấm điểm (Ảnh: Phương Linh)

Sau khi kết thúc hai tiết học minh họa của cô giáo Lê Thị Thu và cô giáo Đỗ Thị Ngọc, đại diện các phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tại các điểm cầu đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét.

Trong đó, nhiều đại diện bày tỏ tiết học minh họa cho thấy, học sinh sử dụng ngôn ngữ tốt, tự tin và thể hiện được kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình. Từ đó, phát huy được phẩm chất và năng lực của học sinh.

Tiết học cho thấy sự công phu trong việc thiết kế bài giảng và mang lại nhiều cách truyền tải kiến thức hay để giáo viên các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố tham khảo, áp dụng và triển khai tốt hơn chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

PHẠM LINH