Từ đầu năm học cho đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa thể đến trường học trực tiếp được, học sinh của thành phố đã phải thực hiện hình thức học trực tuyến. Việc này đã được ngành giáo dục thành phố xác định có thể kéo dài đến hết học kỳ 1.
Sau một thời gian thực hiện việc này, đến nay, nhiều học sinh và cả giáo viên, nhà quản lý các trường học đều băn khoăn, lo lắng là làm thế nào để chống gian lận khi thực hiện việc làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến?
Kiểm tra bằng cách giao làm dự án
Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Tại trường này, việc kiểm tra giữa học kỳ 1 sẽ được thực hiện từ tuần tháng 10 đến giữa tháng 11. Giáo viên sẽ được chọn thời gian và hình thức để thực hiệc việc kiểm tra.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, có rất nhiều cách để kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách khách quan, đánh giá tính trung thực của học sinh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú đưa ra một ví dụ: Với các môn xã hội, thầy cô có thể giao một dự án cho từng nhóm, có phân chia trách nhiệm công việc cho cả nhóm thực hiện.
Với môn Khoa học Tự nhiên, có thể giao cho nhóm xây dựng đề cương cho bài học, hay tiến hành làm hột vịt muối, dưa chua, củ kiệu, thịt đông, trồng rau, nuôi nấm mèo hay nấm bào ngư…rồi ghi hình, làm bài thu hoạch.
Môn Ngoại ngữ thì thầy cô có thể nêu ra một đồ vật, yêu cầu một nhóm hùng biện, tranh luận nói về tính năng tốt của nó, còn nhóm còn lại thì nói về các hạn chế. Thầy cô cũng có thể cho đề mở, để các em có thể tìm, đọc các kiến thức trên internet, nâng cao khả năng đọc hiểu của cá nhân.
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 cho rằng, cách ra đề như vậy sẽ phát huy tính sáng tạo của học sinh, hình thành các kỹ năng và tinh thần tự giác.
Học sinh học và làm bài trực tuyến qua mạng (ảnh minh họa: CTV) |
Ngoài ra, việc kiểm tra cũng không cần quá gay gắt, áp dụng nhiều các biện pháp kỹ thuật, giúp học sinh có thể thoải mái hơn, mà thầy cô lại có thể gửi thông điệp tin tưởng ở sự trung thực của học sinh.
Phải bật webcam suốt thời gian làm bài
Còn tại trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, thành phố Thủ Đức thì đưa ra giải pháp hạn chế sự gian lận của học sinh là: Học sinh được khuyến khích có hai thiết bị, một thiết bị dùng để nhận đề, scan bài làm, còn một thiết bị khác thì bật camera để cho giáo viên quan sát.
Học sinh và giám thị phải mở camera trong suốt thời gian làm bài, không được nhận cuộc gọi bất kỳ từ bên ngoài, hay không được tự ý rời khỏi vị trí.
Nếu mất hình ảnh trên webcam quá 5 phút, không có lý do chính đáng thì học sinh có thể bị 0 điểm.
Học sinh còn phải viết tay một bản cam kết theo mẫu, rồi chụp và gửi lên phần mềm Ms Teams, nhằm xác nhận các học sinh đã hiểu rõ quy định, lưu làm mẫu chữ viết.
“ Với những học sinh không đầy đủ thiết bị thì sẽ được kiểm tra vào những đợt sau. Chắc chắn là sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh. Nhà trường tổ chức tập huấn đầy đủ cho thầy cô, học sinh” – thầy Nguyễn Đức Chính, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Với học sinh của khối ngoài công lập, thầy Trần Minh – Phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Đào Duy Anh (quận 6) thì nói: Với môn kiểm tra đề tự luận thì thầy cô sẽ ra đề mở, học sinh có quyền đọc tài liệu rồi làm bài..
Còn với những môn yêu cầu đề trắc nghiệm, thầy cô cần làm nhiều mã đề, hệ thống K12 online có thể trộn mã đề. Mỗi học sinh sẽ làm một mã.
K12 online có tính năng kiểm tra được học sinh có thoát ra khỏi màn hình không, khống chế thời gian làm bài của học sinh.
Ngoài ra, thầy cô cũng có thể yêu cầu học sinh làm bài kiểm tra qua hệ thống K12 online, song song với việc bật Zoom để kiểm tra học sinh ngồi làm bài như thế nào, hay có thể phối hợp với phụ huynh để kiểm tra học sinh làm bài, theo tinh thần “học thật, kiểm tra thật”.
Trông chờ vào tính trung thực, tin tưởng vào học sinh
Trong khi đó, thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1 thì lại cho biết, chủ yếu vẫn là tin tưởng vào học sinh.
Trường vẫn làm theo hình thức trực tuyến, dựa trên hệ thống LMS, cả hình thức trắc nghiệm và cả tự luận, không nên quá căng thẳng với học sinh, làm sao cho không khí thoải mái, nhưng học sinh vẫn phải tự tin.
Trường luôn tin tưởng, kêu gọi và giáo dục các em tự giác, trung thực là trên hết.
“Qua bài kiểm tra giữa học kỳ 1 này, thì trường sẽ có tiêu chuẩn cho bài kiểm tra cuối học kỳ” – thầy Cao Đức Khoa nhấn mạnh.
Thầy Phan Thế Hoài - Giáo viên Trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cho rằng, với các môn thuộc khối Khoa học Xã hội thì dễ, giáo viên có thể cho đề mở. Học sinh có thể đọc tài liệu, nghiên cứu thoải mái để làm bài.
Còn với các môn Khoa học Tự nhiên, giáo viên cho đề theo dạng trắc nghiệm, vừa đủ thời gian làm bài. Khi học sinh làm bài thì nên yêu cầu các em bật webcam lên để giáo viên theo dõi được.
Nếu tình huống webcam bị hư là không thể tránh khỏi, lúc đó chỉ trông chờ vào ý thức học tập, tính trung thực của học sinh.