Nghị quyết 128/NQ-CP chuyển hướng chiến lược xóa "cát cứ" để thích ứng an toàn

17/10/2021 06:51
Thùy Linh
GDVN- Phó Trưởng Ban Dân nguyện nhấn mạnh, các quy định trong Nghị quyết 128 có sự chuyển hướng về mặt chiến lược để thích ứng an toàn với COVID-19.

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Trong đó, đánh giá mức độ dịch theo 4 cấp, các tiêu chí gồm số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ tiêm vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Việc xác định cấp độ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, có thể dưới cấp xã.

Đặc biệt, khi áp dụng hướng dẫn này, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng quy định của các Chỉ thị 15 (năm 2020), 16 (năm 2020), 19 (năm 2020) của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, cao hơn hướng dẫn thì phải báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị quyết số 128/NQ-CP là phù hợp và đáp ứng với tình hình phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Nghị quyết sẽ phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua, tâm lý người dân ổn định, yên tâm hơn để bước vào giai đoạn mới.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, Nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng. Nghị quyết đã thống nhất việc chỉ đạo của Chính phủ và có hướng dẫn trực tiếp về nội dung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội . Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội . Ảnh: Tùng Dương

“Trong thời gian qua nhiều địa phương làm công tác chống dịch nhưng có tự ý làm theo cách của mình, tự ý đặt ra những điều kiện cao hơn thông thường, tự ý đặt cho mình sự an toàn nhưng lại đặt người dân vào khó khăn.

Nhất là ở một số nơi xảy ra tình trạng gây khó khăn khi địa phương lân cận có hàng hóa lưu thông qua địa phương mình đã tạo ra tình trạng hỗn loạn”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu thực trạng.

Do vậy, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Nghị quyết 128/NQ-CP giúp tránh tình trạng cát cứ như thời gian qua để quyền lực đất nước thống nhất, mệnh lệnh của trung ương phải được thực thi, pháp luật của nhà nước phải được tuân thủ nghiêm túc.

Nghị quyết này như thổi hơi ấm vào toàn xã hội, khiến tâm lý người dân ổn định hơn, yên tâm hơn đồng thời mở ra cánh cửa để tạo ra luồng sinh khí mới cho toàn bộ xã hội bước vào giai đoạn mới linh hoạt hơn để phòng chống dịch, sẵn sàng thích ứng từ mỗi cá nhân, tập thể đến cộng đồng.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh, các quy định trong Nghị quyết mang tính tạm thời có sự chuyển hướng về mặt chiến lược để thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm kiểm soát hiệu quả dịch.

Nếu trước đây nhiều nơi thực hiện “zero F0” thì giờ đây sẵn sàng thích nghi với dịch và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội trong tình trạng mới. Nghị quyết 128 nhằm mục đích đưa đất nước đi vào trạng thái bình thường mới, cụm từ “thích ứng an toàn, linh hoạt” rất quan trọng, thể hiện từ sự mềm dẻo nhưng vẫn phải bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, chứ không phải buông lỏng phòng chống dịch, buông lỏng quản lý.

Hai mục tiêu quan trọng vẫn luôn được Chính phủ nhấn mạnh và kiên trì thực hiện, đó là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, trong 4 cấp độ dịch, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đưa ra 9 biện pháp lớn áp dụng theo các cấp độ đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan.

Ví dụ, đối với cá nhân, ở tất cả các cấp độ dịch đều phải tuân thủ 5K, việc đi lại sẽ khác nhau, nếu đi từ các địa bàn có các cấp độ dịch 1, 2 thì không hạn chế, đối với cấp độ 3, 4 thì phải bảo đảm các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm. Đối với khu vực công sở, nếu ở trên địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 thì được hoạt động bình thường, ở cấp độ 3, 4 thì phải giảm số người làm việc trực tiếp, tăng cường làm việc trực tuyến…

Vấn đề này ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá Nghị quyết chỉ ra rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng và các biện pháp đều có quy định, điều kiện đi kèm nên rất thuận lợi đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp… khi thực hiện.

Cuối cùng, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Nghị quyết 128 nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bộ, ngành, địa phương khi tổ chức, hướng dẫn, thực hiện các giải pháp, có những biện pháp chung, có những biện pháp riêng biệt cho từng bộ, ngành, địa phương, tránh sự chồng chéo.

Vì Nghị quyết đã phân loại 4 cấp độ dịch từ tuyến xã đến phân vùng thông qua hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây chính là cơ sở để các địa phương ban hành các quy định bảo đảm phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, tránh tình trạng thiếu tiêu chí nên không có sự thống nhất trong thực hiện cũng như trong xử lý các tình huống khi xảy ra dịch bệnh và ổn định sản xuất, an sinh xã hội.

“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các quy định của Nghị quyết đã như là mức trần cao về mặt nghĩa vụ và “đáy” về quyền lợi tối thiểu của người dân do đó địa phương khi ban hành các quy định không được đưa ra mức yêu cầu cao hơn làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục có nhiều đối tượng khác nhau từ các cháu nhỏ đến đội ngũ giáo viên, giảng viên, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế được ghi trong Nghị quyết 128 với đề mục rất rõ ràng từ đó địa phương tổ chức thực hiện để đảm bảo điều kiện an sinh xã hội, tạo thuận lợi tốt nhất cho học sinh sinh viên.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Thùy Linh