Có nên xếp hạng, yêu cầu minh chứng đạo đức nhà giáo?

19/10/2021 06:42
Tùng Dương
GDVN- Trong tư duy logic, và trong thực tế không bao giờ được phép nói người khác rằng hãy chứng minh anh có đạo đức tốt, bởi đó là điều không thể chứng minh được.

Trong quy định mới nhất về chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định có 3 hạng chức danh, và giáo viên thứ hạng cao có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cao hơn thứ hạng thấp. Mặc dù đạo đức nhà giáo là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá giáo viên, song việc định từng tiêu chí đạo đức cho từng phân hạng giáo viên đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như thông tư mới là không phù hợp và không cần thiết. Điều này có thể gây ra những tổn thương không đáng có đối với nhà giáo bởi theo Luật Giáo dục thì đạo đức nghề nghiệp giáo viên là quy định chung bắt buộc tất cả phải thực hiện, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.

Theo nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Nếu bây giờ yêu cầu thầy cô giáo chứng minh, đưa giấy xác nhận nọ kia rằng tôi tốt, thì đó là cách nói không hiểu biết, đó là người quản lí kém, một người có tư tưởng ban phát ơn huệ cho người khác". Ảnh: Tùng Dương.

Theo nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc: "Nếu bây giờ yêu cầu thầy cô giáo chứng minh, đưa giấy xác nhận nọ kia rằng tôi tốt, thì đó là cách nói không hiểu biết, đó là người quản lí kém, một người có tư tưởng ban phát ơn huệ cho người khác". Ảnh: Tùng Dương.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Cựu giáo chức tại Hà Nội về vấn đề này. Thầy Ngọc cho biết: “Nhà giáo là một nghề đặc biệt, đã là người đứng trên bục giảng thì chắc chắn phải có sự mẫu mực, có tư cách và phẩm chất đạo đức, điều này rất quan trọng và thiêng liêng.

Hàng năm, các thầy cô cần phải tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, đồng thời về mặt quản lí cũng cần phải có chính sách để nâng bậc lương, nâng chức vụ…vì vậy cũng rất cần có sự đánh giá.

Tuy nhiên, việc đánh giá thầy cô giáo chỉ cần có 2 mức thôi, đó là tốt và chưa tốt, còn nếu nói thầy cô kém và chưa đạt thì làm sao có thể lên lớp dạy được học trò? Còn theo tôi việc “đại trà” của các thầy cô giáo thì không cần phải chứng minh mình tốt, giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị tổng thể cho tất cả mọi người, vì vậy không nên tách ra và xếp hạng.

Tôi thấy đặt ra quy định để thầy cô giáo phải chứng minh bản thân mình là tốt, và nếu nhìn quy định ở góc độ kiến thức khoa học thì quá kém bởi thực tế xã hội không ai có thể chứng minh được sự tốt của bản thân mình, và cũng có rất nhiều thứ không thể chứng minh được. Ví dụ: Luật pháp đã quy định mọi người được phép làm những gì mà luật pháp không cấm. Còn nếu chúng ta kể những việc người dân được phép làm thì có kể cả đời không hết, và cũng không thể kết hết được.

Trong tư duy logic, và trong thực tế không bao giờ được phép hỏi người khác rằng hãy chứng minh anh tốt đi, bởi đó là điều không thể chứng minh được, nó không phải là vật chất, và càng chứng minh sẽ lại càng sai.

Nếu bây giờ yêu cầu thầy cô giáo chứng minh, đưa giấy xác nhận nọ kia rằng tôi tốt, thì đó là cách nói không hiểu biết, đó là người quản lí kém, một người có tư tưởng ban phát ơn huệ cho người khác, hành người khác chứ không phải người có tư duy khoa học bởi không có ai cấp các loại giấy tờ để có thể minh chứng cụ thể về đạo đức của nhà giáo”.

Về khái niệm “hỗ trợ rèn luyện đạo đức nhà giáo”, thầy Ngọc nêu quan điểm: “Khái niệm này là suy đoán dập khuôn một cách máy móc. Nếu về chuyên môn, người đi sau có thể học hỏi ở người đi trước, người giỏi hơn có thể giúp đỡ hướng dẫn người mới vào nghề và đó là giúp nhau nâng cao nghiệp vụ giảng dạy.

Nhưng không thể mang cái “khái niệm” chuyên môn đó áp dụng vào khái niệm đạo đức, bởi khái niệm đạo đức rất trừu tượng, không thể có ai giúp đỡ người khác được về vấn đề này, và nếu có giúp đỡ người ta thì anh đã mặc định người ta là kém rồi, điều này có thể gây ra những tổn thương không đáng có đối với nhà giáo. Vậy theo tôi đặt ra quy định đó là sai.

Đạo đức của mỗi con người ta, không ai dám khẳng định rằng mình tốt hơn những người khác. Cuộc đời của mỗi người mỗi lần “vấp ngã” là một lần nhìn lại mình, tự rút kinh nghiệm và không ngừng phấn đấu, rèn luyện cả đời và cũng chưa chắc đã đạt được như mong muốn. Không ai được vỗ ngực nói rằng tốt rất tốt rồi nên không cần phấn đấu nữa, làm gì có chuyện đó.

Nhưng nếu anh nói người đó chưa tốt, như vậy là kết luận người ta thế nọ, thế kia…lúc này anh cần phải có minh chứng rõ ràng. Theo tôi đây là hai khái niệm khác nhau, không thể đánh đồng được. Ai cũng phải không ngừng phấn đấu, nhưng nói người ta xấu là “có chuyện”. Vậy nên không thể phân loại đạo đức được, đây lại là phân loại đạo đức của nhà giáo thì càng sai, không thể có chuyện đó”.

Đánh giá đạo đức qua chuyên môn?

Về vấn đề này, theo thầy Ngọc: “Đây là vấn đề tế nhị, tôi nghĩ rằng một người gọi là tốt có nghĩa phải thực hiện tốt công việc của mình, hay là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một giáo viên dạy học, phải hoàn thành nhiệm vụ về chuyên môn, học sinh đạt thành tích cao trong học tập, nhưng nếu lớp đó các em không chăm chỉ học tập, giáo án soạn qua loa, thầy cô thường xuyên đi muộn,…thì làm sao gọi là tốt được. Vậy nên chỗ này rất tế nhị.

Giữa hồng và chuyên cũng đã tranh luận mãi rồi mà vẫn chưa ngã ngũ. Một khía cạnh nữa mà tôi thấy đây là quan điểm cũ ngày xưa, con người là phải phục tùng, bảo gì nghe nấy, đặt đâu ngồi đấy, cấm cãi, ngoan ngoãn thật thà, …thế được cho là tốt. Nhưng quan điểm mới không thể thế được, phải biết đấu tranh với cái xấu, biết hoàn thành tốt công việc của mình, có chuyên môn tốt thì đó mới gọi là tốt.

Theo tôi rất khó để chia đạo đức thành hạng, thành bậc cao hay thấp, nhất là đạo đức cá nhân. Chúng ta chỉ có thể xếp hạng năng lực làm việc của thầy cô qua các tiêu chí có thể định lượng được, chứ không thể xếp hạng đạo đức cá nhân được. Điều quan trọng ở nhà giáo lối sống của chính mình thông qua việc làm gương cho học sinh, không vi phạm đạo đức thuần phong mĩ tục… chính vì vậy đạo đức cá nhân của thầy cô còn quan trọng hơn cả đạo đức nghề nghiệp”.

Nhà giáo Nguyễn Thu:"Có thể xếp hạng năng lực chuyên môn, thành tích, thâm niên công tác, bằng cấp,…nhưng đạo đức của thầy cô thì không nên xếp hạng thành nhiều bậc". Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo Nguyễn Thu:"Có thể xếp hạng năng lực chuyên môn, thành tích, thâm niên công tác, bằng cấp,…nhưng đạo đức của thầy cô thì không nên xếp hạng thành nhiều bậc". Ảnh: Tùng Dương.

Chỉ cần quy định về đạo đức nghề dạy học là đủ

Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo Nguyễn Thu Thu - cựu giáo chức tại Hà Nội. Theo bà Thu: “Tôi thấy Bộ nên tập trung đánh giá tiêu chí khác thiết thực hơn, hơn là việc tìm minh chứng để chứng minh về đạo đức của giáo viên.

Ở đây, tôi không bàn chuyện đúng hay sai, mà tôi nghĩ là chưa phù hợp. Có thể xếp hạng năng lực chuyên môn, thành tích, thâm niên công tác, bằng cấp,…nhưng đạo đức của thầy cô thì không nên xếp hạng thành nhiều bậc. Theo tôi, chỉ cần quy định về đạo đức nghề giáo là đủ.

Hơn nữa, Bộ đã có Quyết định số 16 năm 2008 quy định về đạo đức nhà giáo. Trong đó, Điều 4 quy định về đạo đức nghề nghiệp và các quy định khác (phẩm chất chính trị, tác phong...) là những quy định chung và bắt buộc giáo viên phải thực hiện. Vì vậy, việc đưa những tiêu chuẩn này vào chùm thông tư mới là thừa, là chồng chéo.

Nếu phân hạng đạo đức như vậy, giáo viên đạo đức hạng nào thì sẽ được xếp hạng, xếp lương theo hạng đó, liệu rồi lại xảy ra xảy ra tình trạng "chạy” nâng hạng đạo đức để được thăng hạng, tăng lương hay không?

Tôi thấy đối tượng chịu tác động của các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương chỉ là viên chức nhà nước và được tuyển dụng, không áp dụng cho giáo viên hợp đồng và giáo viên trường ngoài công lập. Vậy giáo viên hợp đồng và giáo viên trường tư thục không cần đạo đức hay sao?

Đạo đức là giá trị chung, bình thường đã khó đánh giá rồi, giờ lại còn từng hạng, từng nhóm tiêu chuẩn, theo tôi đó là làm khó thầy cô. Đạo đức không phải là một tiêu chí có thể cân đong đo đếm được, mà đạo đức là thước đo giá trị về tư cách, nhân phẩm của con người. Có thể hiểu đơn giản là không ai lại đánh giá một học sinh ngoan ít, ngoan bình thường cả”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Thông tư không chỉ khiến thầy cô "xáo động" về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện nâng hạng, tụt hạng mà những văn bản mới này còn gây bất ngờ khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.

Theo Thông tư 01-02-03-04 năm 2021, “tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp” được quy định riêng theo từng hạng giáo viên.

Giáo viên hạng III (thấp nhất): “Chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử...”

Giáo viên hạng II: Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, giáo viên hạng II phải “luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.”

Đối với giáo viên hạng I “phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.”

Tùng Dương