Giỏi chuyên môn mà dở quản lý, đừng nên làm "sếp"

23/10/2021 07:55
Lại Cường
GDVN- Từ trường hợp của các nhà khoa học, nhà giáo làm quản lý bị khởi tố cho thấy thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận và suy nghĩ.

Cần nhìn nhận từ thực tiễn

Thời gian qua, việc dư luận đặc biệt quan tâm khi một loạt các cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực Y tế, Giáo dục bị khởi tố, đặch biệt đây là những người có chuyên môn rất cao trong ngành y tế, giáo dục, những người đứng đầu bệnh viện lớn tại Việt Nam, giám đốc sở giáo dục và đào tạo là câu chuyện hết sức đau lòng cho cả ngành Y tế và ngành Giáo dục, mất mát chất xám, nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao trong 2 ngành này.

Từng nội dung vụ việc cụ thể sẽ có những tính chất mức độ khác nhau nhưng điểm chung của các vụ việc này đều liên quan đến đấu thầu các thiết bị giáo dục, y tế.

Từ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên đến Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc bệnh viện Tim… đều có những sai phạm liên quan đến đấu thầu các thiết bị.

Từ thực tiễn cho thấy, dư luận đặt câu hỏi về sự tha hóa của một bộ phận cán bộ hay do trình độ quản lý của những nhà giáo nhà khoa học này yếu kém do bị đặt sai vị trí và không phù hợp với chuyên môn, hay tại cả hai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng đây là một vấn đề đáng lưu ý từ thực tiễn.

Đặc biệt trong bối cảnh Trung ương đã có Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong đó có nội dung quan trọng Công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung..

Đây có thể coi là một trong những bước mạnh dạn đổi mới, trong việc bảo vệ cán bộ và loại bỏ những người lợi dụng, nhân danh đột phá, sáng tạo nhưng vì động cơ vị kỷ, lợi ích nhóm.

Từ trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn hay ông Nguyễn Quốc Anh cho thấy thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận và suy nghĩ.

Bởi, trước khi bị khởi tố những người này là những người có uy tín, chuyên môn tốt. Ông Nguyễn Quang Tuấn cũng đã từng được dư luân nhìn nhận tích cực còn ông Nguyễn Quốc Anh cũng đã từng là Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Tất nhiên là khi Trung ương xử lý thì công tội rõ ràng. Khi xét về những sai phạm, họ đã phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Nếu xét về động cơ, mục đích, để kết luận vấn đề, tôi cho rằng Trung ương sẽ làm rõ từng động cơ, mục đích của việc những việc làm sai.

Nếu những cán bộ này vì động cơ, mục đích cá nhân, gây phương hại đến lợi ích tập thể thì cần kiên quyết loại bỏ và có những cơ chế để đảm bảo những hành động đó không lặp lại.

Đặc biệt là siết chặt kỷ cương, các quy định của pháp luật trong việc thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý một điều quan trọng rằng nếu những cán bộ này là người tốt, giỏi chuyên môn nhưng đặt vào những bối cảnh cụ thể họ không giỏi về mặt chuyên môn về lĩnh vực cụ thể nên bị cấp dưới qua mặt.

Ông Nguyễn Quang Tuấn và ông Nguyễn Quốc Anh - Trước khi bị khởi tố đều là những bác sĩ giỏi chuyên môn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Ông Nguyễn Quang Tuấn và ông Nguyễn Quốc Anh - Trước khi bị khởi tố đều là những bác sĩ giỏi chuyên môn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Ví dụ như cấp dưới trình ký, lý giải không đúng mà anh cũng không nắm được chuyên môn nhưng những cán bộ này vẫn ký vào để rồi dẫn đến sai phạm.

Về nguyên tắc thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, thế nhưng, thực tế anh chỉ là nhà chuyên môn giỏi và hiểu chưa cặn kẽ về vấn đề mình đang làm nên rất dễ xảy ra sai phạm.

Như vậy dẫn đến sự quan liêu thiếu sót, sai phạm và sẽ mất cán bộ tốt, mất người có chuyên môn giỏi.

Do vậy cần phải làm rõ từng sư việc cụ thể để có sự tổng kết về thực tiễn để nếu cần thiết cần phải thay đổi cung cách quản lý của chúng ta. Nếu phần nào chưa hợp lý mạnh dạn thay đổi đề phù hợp với thực tiễn.

Để giải quyết được vấn đề thực tiễn đang đặt ra cần có những đề án nghiên cứu, giải pháp, đề xuất cụ thể. Rất nhiều vấn đề chúng ta cũng đã có nghiên cứu nhưng khi triển khai trong thực tế vẫn có những vướng mắc.

“Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần lưu tâm và tìm câu trả lời”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết.

Giỏi chuyên môn chưa chắc giỏi quản lý

Nêu quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Tiến sĩ – Luật sư Đặng Văn Cường: cho rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai là thông tin bất ngờ với nhiều người.

Tuy nhiên với những người theo dõi vụ án xảy ra tại bệnh viện tim Hà Nội thì sự việc này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi thời điểm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện tim Hà Nội, khi đó ông Nguyễn Quang Tuấn đang giữ chức giám đốc bệnh viện.

Sau một thời gian khởi tố, điều tra đối với nhiều bị can là thuộc cấp của ông Nguyễn Quang Tuấn tại bệnh viện tim Hà Nội về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi mua sắm máy móc, thiết bị y tế phải thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, một số trường hợp thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về chỉ định thầu. Tất cả các trình tự, thủ tục, căn cứ phải tuân theo quy định của luật đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu như thông thầu, không công khai minh bạch, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu là các hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát tài sản của nhà nước, làm mất niềm tin của người dân đối với cán bộ, làm suy thoái đạo đức cán bộ và bất bình đẳng trong xã hội.

Đối với các máy móc thiết bị y tế thì việc nhà nước bỏ ra số tiền lớn nhưng lại mua phải máy móc kém chất lượng không những gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, làm giảm sút uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với công tác cán bộ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh, gây bức xúc trong dư luận.

Khi mà những vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gian lận, tiêu cực trong các bệnh viện ngày càng được cơ quan chức năng phát hiện, phanh phui, xử lý càng nhiều thì cho thấy sự việc không còn là đơn lẻ, không còn là cá biệt, không phải là suy thoái đạo đức, lối sống, nhân cách của một vài cán bộ mà nó đã trở thành vấn đề xã hội, cần phải đấu tranh để loại bỏ”.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng: “Thực tiễn hoạt động tố tụng trong thời gian gần đây cho thấy tất cả các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì số tiền thất thoát của nhà nước rất lớn, rất ít vụ án mà số tiền thiệt hại dưới 1 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản có thể hàng chục tỷ đồng phải kéo theo đó rất nhiều cán bộ bị khởi tố, bị bắt giam, uy tín của cán bộ, của cơ quan tổ chức bị giảm sút, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Các cán bộ là Giám đốc Sở bị bắt (Từ trên xuống: Cựu Giám đốc Sở y tế Cần Thơ: Cao Minh Chu; cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa- Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh - Vũ Liên Oanh và cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên - Nguyễn Văn Kiên). Ảnh tổng hợp từ Thông tấn xã, Người Lao động, Dân Việt, Báo Điện Biên)

Các cán bộ là Giám đốc Sở bị bắt (Từ trên xuống: Cựu Giám đốc Sở y tế Cần Thơ:

Cao Minh Chu; cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa- Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh - Vũ Liên Oanh và cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên - Nguyễn Văn Kiên). Ảnh tổng hợp từ Thông tấn xã, Người Lao động, Dân Việt, Báo Điện Biên)

Đối với bệnh viện Bạch Mai liên tục hai giám đốc bệnh viện bị khởi tố là câu chuyện hết sức đau lòng đối với ngành y nói riêng và đối với xã hội nói chung.

Về nguyên tắc thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ các gói thầu mua sắm thiết bị có dấu hiệu sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu thầu.

Các lãnh đạo, cán bộ có tham gia vào hoạt động đấu thầu đó để xảy ra sai phạm và những người có yếu tố tư lợi khi biết rõ hoạt động đấu thầu đó là có sai phạm thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.

Hiện nay mới trong giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng bị can, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ hậu quả và trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm cơ sở để truy tố và xét xử đối với các bị can trước pháp luật”.

“Dù vụ án có diễn biến theo hướng nào chăng nữa thì việc khởi tố một loạt các cán bộ cao cấp trong lĩnh vực y tế, giáo sư, tiến sĩ, những người có chuyên môn rất cao trong ngành y tế, những người đứng đầu bệnh viện lớn tại Việt Nam là câu chuyện hết sức đau lòng cho ngành y tế, thiệt hại nghiêm trọng đến chất xám, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế.

Điều này cho thấy đang có những lỗ hổng trong công tác quản lý tài sản công, thiếu sự kiểm tra giám sát đối với hoạt động đấu thầu dẫn đến vi phạm, thất thoát tài sản nhà nước.

Ngoài ra, đây không phải là vụ án cá biệt, trước đó nhiều cán bộ, lãnh đạo trong ngành y tế bị khởi tố, nhiều cơ sở y tế để xảy ra những vụ án hình sự đã cho thấy đạo đức một bộ phận cán bộ nói chung và cán bộ trong ngành y tế nói riêng có biểu hiện suy thoái, vi phạm đạo đức, lối sống, những cám dỗ vật chất đã đánh gục nhiều cán bộ có tầm cỡ của ngành này.

Qua những vụ án vụ án như thế này thì nhiệm vụ của cơ quan tố tụng không chỉ là xử lý tội phạm, xác định tội danh để áp dụng hình phạt mà còn tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội để hoàn thiện chính sách pháp luật, sửa đổi pháp luật, bịt kín các khe hở trong công tác quản lý kinh tế, tránh các vụ việc tương tự có thể xảy ra”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường nói.

Nói về giải pháp, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng: “Phải thực hiện đồng thời hai việc là: đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao đạo đức, bản lĩnh chính trị của cán bộ (chứ không đơn giản chỉ là đào tạo chuyên môn).

Lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ đúng tiêu chuẩn, không những có chuyên môn giỏi mà còn phải có đạo đức tốt.

Đồng thời cần phải tăng cường công tác quản lý kinh tế, quản lý tài sản công, giám sát hoạt động đấu thầu để tránh những vụ việc đáng tiếc như những vụ án này.

Với những cán bộ có chuyên môn giỏi nhưng không có khả năng lãnh đạo thì tốt nhất chị nên làm công tác chuyên môn để tránh lãng phí, thiệt hại chất xám. Người lãnh đạo phải là người có trình độ quản lý, am hiểu pháp luật và biết tuân thủ pháp luật”.

Lại Cường