Cần phải sớm sửa Luật bảo hiểm xã hội để "hút" người lao động tham gia

23/10/2021 09:34
Thanh Thủy
GDVN- Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Chiều 22/10/2021, theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, việc lần này đưa ra Quốc hội thảo luận Tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Ảnh: T.V

Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Ảnh: T.V

Theo Chủ tịch Quốc hội, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Chúng ta đã có Nghị quyết 28/NQ-TW từ năm 2018 về cải cách Bảo hiểm xã hội với nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật, do đó phải khẩn trương hơn.

"Chúng ta đã có Nghị quyết 28/NQ-TW từ năm 2018 về cải cách bảo hiểm xã hội với nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật, do đó phải khẩn trương hơn", Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, hiện Luật bảo hiểm xã hội quy định, người lao động có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng chế độ hưu trí nhưng điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần lại rất dễ. Nghị quyết 28 có nêu vấn đề rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Điều này giúp người lao động dễ dàng lựa chọn theo đuổi hơn để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

“Việc rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của người lao động. Nhưng khi hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động chỉ được hưởng phần của người lao động đóng là chính. Trong khi bảo hiểm xã hội có cả phần người lao động đóng và phần của người sử dụng lao động đóng. Nhưng nếu người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bình quân hàng năm số người rút khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội khoảng 5%, theo nhận định của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Riêng năm 2020 có đến gần 861.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 53.000 người so với năm 2019, tương ứng với 6,65%. Đây là một trong những lý do cho thấy cần phải sửa sớm Luật bảo hiểm xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai). Ảnh: T.V

Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai). Ảnh: T.V

Cũng liên quan tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Đại biểu Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) nhấn mạnh cần phải nhìn nhận rằng bảo hiểm xã hội và BHYT là những trụ cột lớn về an sinh, bảo đảm đời sống lâu dài khi người lao động về già. Đối tượng càng được mở rộng thì việc đạt được các mục tiêu an sinh càng cao.

Đại biểu đoàn Gia Lai cũng cho biết, trong các chế độ bảo hiểm xã hội có 2 nhóm. Nhóm dài hạn và nhóm có tính chất ngắn hạn đó là bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau, thai sản… Riêng nhóm Bảo hiểm thất nghiệp có nhóm kết dư khá lớn.

Chính vì vậy vừa qua, Quốc hội đã thông qua cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ kết dư với tổng số tiền lên tới 38.000 tỉ đồng. Mức hỗ trợ người lao động từ 1,8 triệu đồng tới 3,3 triệu đồng. Tất cả những người nào tham gia bảo hiểm thất nghiệp là được hưởng.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Đại biểu Ngô Văn Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, hiện nay, chế tài xử phạt đối với đơn vị trốn bảo hiểm xã hội chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng nợ đọng, trốn bảo hiểm xã hội kéo dài và chưa có giải pháp triệt để.

Đại biểu Ngô Văn Tuấn phân tích, việc nợ đọng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động. Hiện nay, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần có cơ chế phối hợp giữa các ngành hữu quan, đặc biệt là ngành Thuế trong thực hiện các quy định về chính sách bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, đại biểu Ngô Văn Tuấn quan tâm đến việc xây dựng quỹ bảo hiểm xã hội đã đến lúc tính đến phương án để đảm bảo sự an toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội một cách lâu dài, bền vững. Đồng thời cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh BHYT…

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tỉnh Hòa Bình phát biểu, theo báo cáo đánh giá, năm 2020, tỷ lệ bảo hiểm xã hội khối doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội là 6,4%, doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 8,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 57,2% và ngay trong khu vực khối hành chính, Đảng, đoàn thể vẫn xảy ra tình trạng chậm, nợ bảo hiểm xã hội, vậy báo cáo cần phân tích, đánh giá nguyên nhân, xác định rõ đối tượng để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là đối tượng trong khu vực hành chính.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị, hàng năm cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội, BHYT và công khai các doanh nghiệp, số lượng chậm nộp, trốn nộp bảo hiểm xã hội.

Thanh Thủy