Chỉ nên kéo dài thời gian làm việc với GS, TS có sáng chế, công bố khoa học

28/10/2021 06:40
Thùy Linh
GDVN- Theo nhiều chuyên gia, nên có những điều kiện cứng ràng buộc khi kéo dài và không nhất thiết phải tất cả tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đều được kéo dài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018. Điểm đáng chú ý của dự thảo là đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, giảng viên có trình độ tiến sĩ đã tới tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo nêu rõ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận. Thời gian kéo dài với giảng viên thuộc đối tượng quy định trên do cơ sở giáo dục đại học quyết định căn cứ theo quy định hiện hành.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Đức Viên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng đây là xu hướng tiến bộ.

Giáo sư Trần Đức Viên thông tin, các ngành/ lĩnh vực nặng về lao động trí óc, sản phẩm trình làng là các sản phẩm trí tuệ thì ở các nước phát triển hầu như không có quy định tuổi nghỉ hưu, kể cả làm công tác quản lý. Chỉ khi nào nhà khoa học thấy mệt (suy giảm về sức khỏe, thể lực), thấy chán (hết đam mê) tức là năng suất lao động giảm sút thì xin nghỉ hưu.

Giáo sư Trần Đức Viên (ảnh: Tùng Dương)

Giáo sư Trần Đức Viên (ảnh: Tùng Dương)

Tuy nhiên trong điều kiện Việt Nam thì Giáo sư Trần Đức Viên cho rằng nên có quy định cụ thể.

“Chỉ giữ lại các nhà khoa học có năng suất lao động cao, tránh ở lại/kéo dài thời gian làm việc với tất cả giảng viên “đã tới tuổi nghỉ hưu”. Bởi dù có kinh nghiệm nhưng không ít người khả năng truyền thụ rất kém vì bản thân họ không có nền tảng vững chắc về nghiên cứu khoa học – đây là yêu cầu quan trọng cho giáo dục đại học.

Do đó, tôi cho rằng chỉ nên kéo dài thời gian làm việc với những ai có bằng phát minh, sáng chế, có công bố khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín (ISI, Scopus) ít nhất 25-30 bài và tác giả của sách xuất bản bởi các nhà xuất bản uy tín ở nước ngoài trong đó tối thiểu có 5-10 bài là tác giả chính hoặc người chịu trách nhiệm chính, có ít nhất 5 bài trong 5 năm gần đây, ít nhất 3 năm gần nhất có 1 bài.

Điều đó cho thấy họ vẫn yêu nghề, có lao động sáng tạo, có năng suất lao động chứ nếu ai ai đến tuổi về hưu cũng giữ lại trong khi nhiều người rất yếu/ không biết tiếng Anh thì không thể có khả năng tham khảo tài liệu sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục đại học”, Giáo sư Trần Đức Viên kiến nghị.

Cần có quy định khung cứng về điều kiện, thời gian

Đưa ra quan điểm về dự thảo này, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương - Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, theo Luật Lao động và Nghị định hướng dẫn thì tuổi về hưu của viên chức, người lao động đã có sự điều chỉnh từ 60 lên 65 đối với nam và 55 lên 62 đối với nữ theo lộ trình. Sau quy định về tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị sửa đổi Nghị định 141/2013/NĐ-CP là phù hợp và rất kịp thời để giúp các cơ sở đào tạo đại học căn cứ vào đó chủ động các phương án về ổn định và tăng được đội ngũ có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư trong quá trình tự chủ về phát triển đội ngũ trình độ cao hiện nay.

Tuy nhiên việc sửa đổi theo Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương thì cần xem xét một số vấn đề.

Thầy Chương kiến nghị, nên có trần về khung thời gian được kéo dài, có thể tiến sĩ, phó giáo sư nên tối đa 67 hoặc 68 tuổi, giáo sư tối đa 70 hoặc 72 tuổi.

Cũng nên có những điều kiện cứng ràng buộc khi kéo dài và không nhất thiết phải tất cả tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đều được kéo dài. Nếu kéo dài chỉ để giảng dạy và đứng tên cơ hữu để giữ ngành học, mở ngành thì chưa thật sự cần thiết mà nhà trường có thể có cách khác là mời giảng và rất linh hoạt cho giảng viên đó.

“Việc kéo dài thời gian làm việc nên với ưu tiên cho những giảng viên thật sự còn nhiều cơ hội và năng lực để tham gia hoặc đủ điều kiện chủ trì các nhóm nghiên cứu mạnh, chủ trì và triển khai được các đề tài lớn, giúp các giảng viên trẻ cùng tham gia nghiên cứu để công bố được các bài báo quốc tế, tăng thương hiệu và uy tín của nhà khoa học và cơ sở đào tạo, giữ các quan hệ hợp tác quốc tế,...

Vì tỷ lệ tiến sĩ trong cơ sở đào tạo cũng quan trọng nhưng không phải là quá quyết định vì chỉ chiếm 5% tỷ trọng xếp hạng thương hiệu đại học (theo QS ranking), nhưng số công bố quốc tế, chỉ số trích dẫn của nhà khoa học lại rất quan trọng và chiếm trên 10% tỷ trọng xếp hạng, do vậy số lượng tiến sĩ đồng thời với giá trị học thuật hiện có của tiến sĩ đang được công nhận cả trong nước và chuẩn quốc tế mới là quan trọng”, thầy Chương nêu quan điểm.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng việc để các cơ sở đào tạo đại học tự quyết định các điều kiện và thời gian kéo dài thể hiện được tính tự chủ đại học của cơ sở đào tạo và phụ thuộc vào năng lực tài chính của cơ sở đào tạo đó, nhưng Nghị định cũng cần có những quy định khung cứng để có sự đồng bộ một sàn chung cho cả nước.

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng chủ trương kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, giảng viên có trình độ tiến sĩ đã tới tuổi nghỉ hưu là rất hợp lý bởi ông cha ta đã có câu “thầy già, con hát trẻ”.

Theo thầy Khiêm, giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư sau khi nghỉ hưu vẫn có thể tham gia được các nhiệm vụ của một giảng viên chính trong trường như giảng dạy đại học, sau đại học; chủ biên viết giáo trình và tài liệu tham khảo; hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh; xây dựng chương trình đào tạo; viết bài báo khóa học…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam, do nhu cầu công việc tại mỗi đơn vị là khác nhau nên việc kéo dài thời gian nên để cho các Viện/Khoa (trực thuộc trường) đề xuất lên Nhà trường.

Và hàng năm, các Khoa/Viện cũng nên có đánh giá hiệu quả công tác của các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư diện kéo dài thời gian làm việc này để làm cơ sở có quyết định giữ chân các Thầy tiếp cho năm sau hay không. Làm như vậy vừa tạo động lực cho các Thầy đồng thời các Khoa/Viện cũng đảm bảo thẩm quyền quản lý giảng viên của mình...

Như vậy để thấy theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là phù hợp với xu thế tuy nhiên cũng cần tính toán đến nhiều điều kiện chứ không phải tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nào đến tuổi nghỉ hưu cũng được giữ lại để kéo dài thời gian làm việc.

Thùy Linh