VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021, theo đó ngân hàng này tiếp tục kiểm soát tốt chi phí vốn, chi phí quản lý; tăng thu thuần dịch vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền, thẻ… Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản tại 30/9/2021 là 1.447.809 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm.
Kiểm soát tốt chi phí vốn
Phát huy vai trò là một ngân hàng thương mại chủ lực, VietinBank tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ thiết thực, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng từ việc giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của ngân hàng Nhà nước, đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ giúp khách hàng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động và phục hồi, phát triển qua giai đoạn đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, với chủ trương luôn nhận diện rủi ro và chuyển nhóm nợ phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng, VietinBank thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước để chủ động trong các phương án xử lý nợ.
Điều này ảnh hưởng đến quy mô lợi nhuận của Ngân hàng, tuy nhiên do kiểm soát tốt chi phí vốn, chi phí quản lý; tăng thu thuần dịch vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền, thẻ… nên lợi nhuận trước thuế quý 3 là 3.060 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 9.872 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập hoạt động (lũy kế tại 30/9/2021 chiếm 80%) và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước nhờ ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chi phí vốn.
Cụ thể, VietinBank đã thực hiện đa dạng các biện pháp kiểm soát, tiết giảm chi phí vốn như phát triển dịch vụ ngân hàng thanh toán, đẩy mạnh chiến dịch về eFAST, eKYC để thu hút mở rộng cơ sở khách hàng, tăng trưởng tiền gửi thanh toán và đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong và ngoài nước với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, với việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm lãi, phí nhằm đồng hành và hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng tiệu cực của dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo tại Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, Công văn 248/NHNN-PLVN và 5902/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng quy mô tín dụng (12% so cùng kỳ).
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan, riêng quý 3 đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ tăng 17% so với cùng kỳ năm trước nhờ việc triển khai thúc đẩy bán sản phẩm có thế mạnh như tài trợ thương mại, chuyển tiền, dịch vụ thẻ… đồng thời kiểm soát các khoản chi dịch vụ để tối ưu hóa hiệu quả quản trị chi phí.
9 tháng đầu năm 2021, VietinBank tiếp tục kiểm soát tốt chi phí vốn, chi phí quản lý; tăng thu thuần dịch vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền, thẻ… |
Chủ động tăng trích lập dự phòng
Thời điểm quý 3/2021, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động rất lớn của đợt dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 đã khiến nhiều tỉnh/thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng và gia tăng tại nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vận tải, xây dựng, nông nghiệp… Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị giảm sút, tiềm ẩn rủi ro không trả được nợ cho ngân hàng.
Để dự phòng rủi ro, VietinBank đã chủ động dành nguồn lực tài chính trích lập dự phòng bổ sung theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, chủ động nâng cao năng lực tài chính, khả năng chống chịu trước các rủi ro có thể có từ nền kinh tế.
Theo đó, tại 30/9/2021 dự phòng rủi ro cho vay khách hàng là 21,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 71%) so với đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay trích lập trong 9 tháng năm 2021 là 14 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5 nghìn tỷ (tương đương tăng 22%) so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý 3/2021, ngân hàng trích lập 5,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến ngày 30/9/2021 là 119%.
Đại diện VietinBank cho biết, Ngân hàng tiếp tục kiên trì với chính sách tăng trưởng bền vững, không nới lỏng các tiêu chí tín dụng để kiểm soát chặt chẽ rủi ro song song với tăng trưởng hiệu quả.
VietinBank đã cơ cấu danh mục tín dụng, đa dạng hóa và ưu tiên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến từng ngành, lĩnh vực kinh tế.
Đồng thời, tỷ trọng dư nợ giữa các phân khúc khách hàng được cân đối lại bám sát định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1.084 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với đầu năm.