Bộ nên công khai hướng dẫn các địa phương xếp hạng giáo viên, tránh khiếu kiện

03/11/2021 06:46
Đỗ Quyên
GDVN- Không thể mỗi ngày trả lời thắc mắc đơn lẻ của từng giáo viên, liệu rồi khi những đơn thư ngày một nhiều, Bộ Giáo dục có thể trả lời từng người được không?

Ngày 21/10, trả lời việc chuyển xếp hạng cho giáo viên tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã khẳng định:

Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sơ giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Công văn 1099 đã như một luồng gió mát giải tỏa nỗi lòng của nhiều nhà giáo, là “chiếc phao” để nhiều giáo viên cả nước đang ở hạng II cũ có nguy cơ rớt xuống hạng III mới bám vào.

Sau công văn 1099 của Cục Nhà giáo, ngày 02/11 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trả lời ông Nguyễn Tuấn Minh (Hà Giang) là giáo viên tiểu học hạng II cũ, hệ số lương 3,98; đang giữ chức vụ phó hiệu trưởng.

Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do vậy, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng trường tiểu học giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này (nhà trường đó được giao nhiệm vụ đó,

Ví dụ: Tham gia đoàn kiểm tra chuyên môn, dạy đối chứng chuyên đề, tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi ...) và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra tại Khoản 8 Điều 10 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT cũng đã quy định:

"Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học mà trường tiểu học công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường tiểu học công lập báo cáo cơ quan có thẩm quyền trực tiếp quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan". [1]

Rõ ràng, Bộ Giáo dục và Cục Nhà giáo đã có câu trả lời rất giống nhau về chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT là không căn cứ vào nhiệm vụ của giáo viên đang làm ngay thời điểm bổ nhiệm mà những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Tuy thế trong thực tế hiện nay, mỗi địa phương, thậm chí mỗi trường học đang thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên lại có cách làm khác nhau, không thống nhất, dẫn đến nhiều bức xúc trong trường học.

Trăm hoa đua nở trong việc chuyển xếp hạng giáo viên theo các Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở nhiều địa phương trong cả nước đã chia sẻ, có địa phương còn khống chế tỷ lệ % giáo viên được giữ hạng, có nơi còn mang nhiệm vụ quy định ở Điều 4 ra soi từng chi tiết. Nếu giáo viên nào thiếu đi một tiêu chí lập tức bị loại ngay.

Ngay trong địa phương tôi đang công tác, nơi có khoảng 40 trường tiểu học và chục trường trung học cơ sở, thế nhưng chuyện chuyển xếp hạng giáo viên cũng không có sự thống nhất.

Khi chuyển xếp hạng, hiệu trưởng các trường dựa vào quy định Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp để xét chứ hoàn toàn không có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhất từ cấp trên.

Vậy nên, có hiệu trưởng xét toàn bộ giáo viên đang ở hạng II cũ được chuyển qua hạng II mới, có hiệu trưởng chỉ xét cho giáo viên đang làm tổ trưởng, có hiệu trưởng chỉ xét cho chủ tịch công đoàn và phó hiệu trưởng, có hiệu trưởng xét cho tổ trưởng và một số giáo viên đã từng làm tổ trưởng trước đây.

Nghịch lý đã xảy ra, giáo viên được giữ hạng II và chuyển qua hạng II mới ở trong trường đôi khi thua về năng lực chuyên môn, thành tích đạt được so với giáo viên bị chuyển xuống hạng. Không đơn thuần là chuyện xuống hạng mà kéo theo hệ số lương đôi khi cũng bị mất khá nhiều.

Bộ nên trả lời công khai hướng dẫn địa phương xếp hạng một cách thống nhất

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục là đơn vị xây dựng dự thảo thông tư cũng phải là nơi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở. Không thể mỗi ngày lại phải trả lời từng thắc mắc đơn lẻ của từng giáo viên ở nhiều nơi. Liệu rồi khi những đơn thư ngày một nhiều, Bộ Giáo dục, Cục Nhà Giáo có thể trả lời hết từng người được không?

Nếu các địa phương trong cả nước vẫn chưa nhận được hướng dẫn chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT từ Bộ Giáo dục thì sẽ còn nhiều, rất nhiều giáo viên bị xuống hạng bị ảnh hưởng quyền lợi, phát sinh đơn thư khiếu nại.

Chúng tôi cho rằng, thay vì chỉ trả lời đơn lẻ như Cục Nhà giáo trả lời cho Sở Giáo dục Vĩnh Phúc và Bộ Giáo dục trả lời 01 giáo viên tỉnh Hà Giang, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể, công khai đến các địa phương và đưa lên cổng thông tin điện tử để giáo viên, hiệu trưởng đều nắm được tránh việc giáo viên bị thiệt thòi dẫn đến khiếu kiện kéo dài về sau.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/tieu-chuan-bo-nhiem-giao-vien-tieu-hoc-hang-ii/451660.vgp?fbclid=IwAR2KTDg356XLtU5xyU-BJFwHeg1SfrpaKgD7P_XnG1jKIdJ4_Yc4dWPkMiA

Đỗ Quyên