Xếp hạng đại học là một trợ lực cho công tác tuyển sinh, thu hút nhân tài

09/11/2021 06:15
Thùy Linh (thực hiện)
GDVN- Theo Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung: "Phải khẳng định là xếp hạng đại học đóng một số vai trò trong chiến lược phát triển của các trường đại học".

Trong những năm qua, Trường Đại học Cần Thơ đã có tên trong bảng xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS AUR). Trước đó, Trường Đại học Cần Thơ đã có mặt ở một số bảng xếp hạng khác.

Để hiểu hơn về câu chuyện xếp hạng đại học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ.

Phóng viên: Trước tiên xin chúc mừng Trường Đại học Cần Thơ đã liên tục có mặt trong nhiều bảng xếp hạng. Phó giáo sư có thể cho biết vai trò của xếp hạng đối với xu thế tiếp cận chiến lược phát triển của các trường đại học trên thế giới hiện nay?

Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung: Phải khẳng định là xếp hạng đại học đóng một số vai trò trong chiến lược phát triển của các trường đại học.

Thứ nhất, kết quả xếp hạng được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông quốc gia và quốc tế giúp tiếp thị, lan tỏa học hiệu và hình ảnh về nhà trường đến với số đông bên liên quan. Rất có thể đó chính là cơ sở ban đầu cho việc xây dựng các quan hệ đối tác học thuật, là một trợ lực cho công tác tuyển sinh, thu hút nhân tài.

Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ (ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, nếu xem các tiêu chí xếp hạng là chuẩn, nhà trường có thể xem xét, nghiên cứu kết quả cụ thể đối với từng tiêu chí, lĩnh vực xếp hạng, qua đó hoạch định, xây dựng chính sách, lồng ghép các hoạt động và có các đầu tư thỏa đáng giúp cải thiện hiệu quả hoạt động.

Một số lợi ích mà tôi vừa kể ra có lẽ đã giải thích vì sao ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học đồng ý tham gia vào hoạt động xếp hạng quốc tế. Trong năm nay, có thêm 38 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng QS AUR, nâng tổng số các cơ sở giáo dục đại học thuộc châu Á tham gia bảng xếp hạng này lên 675.

Với giáo dục đại học ở Việt Nam chúng ta, chỉ số xếp hạng đã được quan tâm ở mức độ nào, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung: Các chuyên gia và lãnh đạo quản lý giáo dục của Việt Nam cũng đã thừa nhận việc cần có một công cụ làm thước đo hiệu quả quản trị và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, giúp đối sánh (benchmark) các chỉ số về đảm bảo chất lượng giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước và với nước ngoài.

Ý tưởng về một bộ chỉ số xếp hạng quốc gia như vậy đã được hiện thực hóa thành hệ thống xếp hạng đối sánh có tên “University Performance Metrics” (UPM) do các chuyên gia Việt Nam phát triển và hoàn thành trong năm 2020.

UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1.000 điểm. UPM nhận được sự ủng hộ của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) và hiện được hơn 40 cơ sở giáo dục đại học trong nước và khu vực tham gia.

Điều đó cho thấy sự quan tâm cao của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học có bề dày phát triển đối với công tác xếp hạng.

Đối với Trường Đại học Cần Thơ, chúng tôi vẫn quan tâm theo dõi và có các giải pháp giúp duy trì và cải thiện kết quả xếp hạng của QS, Webometrics, URAP (University Ranking by Academic Performance), RUR (Round University Ranking), và sắp tới đây là UI GreenMetric (do Indonesia khởi xướng).

Thưa Phó giáo sư, các trường đại học Việt Nam muốn được quốc tế thừa nhận thì cần phải làm gì?

Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung: Các trường đại học Việt Nam muốn được quốc tế công nhận cần đạt được các yếu tố sau:

Một là, đạt được các chuẩn mực quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học; đặc biệt là tính quốc tế hoá trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Hai là, phát triển năng lực đội ngũ của trường đại học sẽ giúp đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu từ các doanh nghiệp và thị trường lao động trong và ngoài nước, qua đó góp phần tạo nên danh tiếng tuyển dụng của nhà trường. Đội ngũ nghiên cứu có năng lực sẽ giúp có các nghiên cứu có chất lượng làm tiền đề cho công bố quốc tế, thu hút được các nhà nghiên cứu tham gia, hợp tác trong nghiên cứu và giúp mở rộng mạng lưới nghiên cứu và danh tiếng học thuật.

Ba là, công tác quản lý thông tin truyền thông đến các bên liên quan. Ngoài việc thông tin đến các bên liên quan thông qua trang thông tin điện tử bằng nhiều ngôn ngữ, các trường đại học cần quan tâm đầu tư và tận dụng tốt công cụ mạng xã hội. Các nội dung truyền thông này cần kịp thời, chắt lọc theo đối tượng, và đặc biệt là dựa trên cơ sở xử lý các dữ liệu liên quan.

Bốn là, chuẩn bị và thực hiện có kế hoạch, bài bản, hợp lý các hoạt động về xếp hạng đại học và kiểm định chất lượng giáo dục có tính quốc tế cũng giúp các trường đại học Việt Nam tiếp cận và có được sự thừa nhận từ cộng đồng quốc tế.

Xin Phó giáo sư chia sẻ kinh nghiệm để có mặt trong các bảng xếp hạng thời gian qua thì Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nào? Mục tiêu trong vòng 5-10 năm tới của Trường Đại học Cần Thơ là gì?

Phó giáo sư Nguyễn Hiếu Trung: Trong thời gian qua, Trường Đại học Cần Thơ đã có những thành tựu đáng tự hào về xếp hạng.

Năm 2016, Trường xếp hạng thứ 39 tại Đông Nam Á trong bảng xếp hạng Webometrics.

Năm 2017, Trường xếp hạng thứ 260 Châu Á trong bảng xếp hạng QS AUR.

Năm 2020, Trường có nhóm ngành Nông Lâm nghiệp xếp hạng 1 tại Việt Nam và xếp trong nhóm hạng 251-300 toàn Thế giới trong bảng xếp hạng QS. Các kết quả này là rất đáng trân trọng và là nguồn động viên đối với tập thể nhà trường.

Lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ xem công tác tham gia xếp hạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nhà trường đã tạo điều kiện cho một số lãnh đạo và cán bộ tham dự các hoạt động tìm hiểu về xếp hạng đại học và các tiêu chuẩn quốc tế.

Trường cũng mời chuyên gia về xếp hạng của THE và QS đến Trường chia sẻ các thông tin và yêu cầu tham gia xếp hạng. Từ các thông tin và kiến thức đó, Trường đã triển khai kế hoạch về cải thiện vị trí của Trường trong các bảng xếp hạng.

Các nội dung chính tập trung vào việc cải thiện tính quốc tế và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ học thuật, năng lực công bố quốc tế, mở rộng mạng lưới nghiên cứu và đối tác quốc tế trong đào tạo, gắn kết hiệu quả với các bên liên quan, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong lưu trữ, cập nhật, quản lý thông tin, dữ liệu, kiện toàn hệ thống và hạ tầng mạng, và công tác truyền thông thông qua các trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

Trong thời gian sắp tới, Trường Đại học Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu và chiến lược phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy hơn nữa các thành quả trong đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Trước mắt là chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ quản trị cấp trường trong việc theo dõi và triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể theo kế hoạch chiến lược phát triển Trường đã đề ra.

Về công tác xếp hạng đại học, Trường Đại học Cần Thơ sẽ nỗ lực duy trì và cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng đã tham gia trong thời gian qua.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư.

Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 54 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1000 điểm.

8 nhóm lĩnh vực lần lượt là:

Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%);

Đào tạo (15 tiêu chí, trọng số 35%);

Nghiên cứu (4 tiêu chí, trọng số 20%);

Đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 11%);

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (4 tiêu chí, trọng số 6%);

Công nghệ thông tin và tài nguyên số (10 tiêu chí, trọng số 10%);

Mức độ quốc tế hóa (9 tiêu chí, trọng số 6%);

Phục vụ cộng đồng (3 tiêu chí, trọng số 6%).

Thùy Linh (thực hiện)