Kết nối thư viện số dùng chung: nhiều trường đại học còn "e ngại"

05/11/2021 08:55
Cao Kim Anh
GDVN- Kết nối thư viện số dùng chung là cơ sở hạ tầng vô cùng quan trọng. Muốn dạy tốt, học tốt thì thư viện là một cơ sở hạ tầng không thể thiếu trong các nhà trường.

Tạo dựng kho học liệu khổng lồ

Ngày 4/11, tại Hà Nội, tọa đàm trực tuyến “Kết nối thư viện số dùng chung các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng” được tổ chức dưới sự chủ trì của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham gia của gần 200 đại học, cao đẳng với gần 300 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Trong chuyển đổi số có rất nhiều phạm vi như về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, học sinh, giáo viên thực hiện trong công tác giảng dạy. Nhà nước cũng có những thể chế để tạo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi số đạt kết quả tốt.

Tọa đàm được tổ chức dưới sự chủ trì của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh C.K.A)

Tọa đàm được tổ chức dưới sự chủ trì của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh C.K.A)

Kết nối thư viện số dùng chung là một trong những cơ sở hạ tầng vô cùng quan trọng. Muốn dạy tốt, học tốt thì thư viện là một cơ sở hạ tầng không thể thiếu trong các nhà trường.

Hiện nay các trường có thư viện xây dựng bằng kho dữ liệu nhỏ lẻ. Vì thế, nếu chúng ta có thể kết nối số, xây dựng thư viện số dùng chung giữa các trường với nhau thì vừa có kho học liệu khổng lồ, vừa tiết kiệm chi phí”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, trong thời gian vừa qua, có một số trường đã sẵn sàng kết nối với nhau để cùng nhau có kho học liệu chung. Tuy nhiên, cũng có những trường không kết nối vì nhiều lý do. Do đó, tọa đàm này là cơ hội để các chuyên gia, đại diện các trường có thể chia sẻ, trao đổi những thuận lợi, khó khăn, thắc mắc để đi đến phương án tốt nhất cho việc xây dựng thư viện chung trong thời gian tới.

Tọa đàm có sự tham gia của gần 200 đại học, cao đẳng với gần 300 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc. (Ảnh C.K.A)

Tọa đàm có sự tham gia của gần 200 đại học, cao đẳng với gần 300 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc. (Ảnh C.K.A)

Liên quan đến kết nối chung tài nguyên thông tin, về vấn đề bản quyền số hóa và chia sẻ tài nguyên thông tin, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện Đại học Khu vực Phía Bắc (NALA) cho biết: “NALA hiện nay có hơn 80 thành viên chủ yếu là các trường đại học và một số trường cao đẳng. Hàng năm có tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn cho các thư viện thành viên, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, vận hành. Trong đó chúng tôi đặc biệt chú ý đến các giải pháp công nghệ, quy trình, yếu tố pháp lý cho thư viện nói chung và xây dựng thư viện số nói riêng.

Hiện nay nhiều thành viên của NALA đã xây dựng và phát triển kho học liệu số nội sinh để truy cập. Nhờ vậy mà trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, nhiều trường đại học vẫn duy trì học tập, dạy học trực tuyến, cung cấp các tư liệu, học liệu cho sinh viên và giảng viên.

Có thể nói đến nay, các thư viện thành viên của NALA đã sẵn sàng về chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở hạ tầng cũng như tâm thế cho việc xây dựng thư viện dùng chung”.

Về vấn đề bản quyền, Tiến sĩ Nguyễn Huy Chương cho hay, đối với việc xây dựng thư viện số, sẽ diễn ra trong hai giai đoạn. Giai đoạn một chỉ chia sẻ thông tin về các thư mục tài liệu chứ không liên quan đến nội dung. Điều đó có nghĩa không ảnh hưởng đến quyền lợi của bất kỳ ai. Vì vậy, các thư viện chỉ cần tổng hợp làm sao có thể dùng thanh công cụ để người học có thể tìm kiếm, tiếp cận và khai thác.

Giai đoạn hai, khi tất cả giải pháp công nghệ được xây dựng và cho phép thì lúc đó mới đề cập đến vấn đề bản quyền. Cả hai giai đoạn xây dựng thư viện số đều đảm bảo đúng các điều luật mà nhà nước quy định.

Nhiều trường chưa sẵn sàng chia sẻ kho học liệu

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin – Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội (LIC), Phó Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam chia sẻ: “Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chủ trương, đầu tư rất mạnh mẽ cho thư viện, phát triển kho học liệu, đặc biệt là học liệu số.

Kho học liệu nội sinh không chỉ là phản ánh chất lượng, hàm lượng chất xám của Đại học Quốc gia Hà Nội, khi được số hóa, được đưa lên nền tảng công nghệ, ra phạm vi truy cập không chỉ ở Việt Nam mà còn ra thế giới. Từ đó giúp cho bạn đọc, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đều có thể tiếp cận và xây dựng các nghiên cứu.

Trong quá trình đó tạo ra sự trích dẫn cho chính tác giả của tài nguyên học liệu đó, mang lại thương hiệu cho các trường đại học. Đó cũng là một trong những tiêu chí xếp hạng các trường đại học”.

Các đại biểu đại diện cho các trường tham dự đã thảo luận sôi nổi và các ý kiến đưa ra đã được các chuyên gia giải đáp. (Ảnh C.K.A)

Các đại biểu đại diện cho các trường tham dự đã thảo luận sôi nổi và các ý kiến đưa ra đã được các chuyên gia giải đáp. (Ảnh C.K.A)

Mặc dù có rất nhiều lợi ích khi kho dữ liệu thư viện nhỏ lẻ tại các trường đại học được kết nối và trở thành thư viện dùng chung nhưng khá nhiều trường còn e ngại về các chính sách, luật pháp điều chỉnh, cơ chế hoạt động của thư viện số hiện nay.

Để giải thích cho những khúc mắc này, ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Cổ phần Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, người đã có những kinh nghiệm về triển khai xây dựng thư viện dùng chung cho biết: “Thư viện số dùng chung được xây dựng với mong muốn kết nối tri thức, hệ thống tài liệu, học liệu không chỉ dùng lại tại một trường mà tiến ra xa ra kho học liệu thế giới.

Có rất nhiều trường chưa hiểu rõ hết nội dung khi xây dựng thư viện dùng chung vì thế còn hạn chế trong việc chia sẻ. Một trong số đó là vấn đề bản quyền. Do đó, vai trò của Trung tâm tri thức số là cổng thông tin để kết nối và vận hành và không can thiệp vào cách mà các phương tiện, tổ chức khai thác thông tin tài liệu số. Các trường, các thư viện sẽ được chủ động các phương thức khai thác tư liệu của mình”.

Hoạt động công tác thư viện là yếu tố không thể thiếu được trong hoạt động của hệ thống giáo dục. Thế nhưng, hoạt động thư viện tại các trường hiện nay của chúng ta không đồng đều. Có trường thư viện rất mạnh, rất phong phú, đáp ứng nhu cầu kịp thời cho người học. Nhưng cũng có nhiều trường thư viện rất nghèo nàn, thiếu cập nhật tài liệu, học liệu có thông tin mới.

Sau rất nhiều năm, với nhiều minh chứng cụ thể, thế nhưng hiện nay phần lớn các trường chưa mặn mà về vấn đề này, bởi có nhiều lý do được đưa ra về vấn đề pháp lý, quyền bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ…

Các đại biểu đại diện cho các trường tham dự đã thảo luận sôi nổi và các ý kiến đưa ra đã được các chuyên gia giải đáp.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, một trong những lý do các trường chưa cùng nhau xây dựng là còn tồn tại khuynh hướng muốn độc quyền giảng dạy bằng những tài liệu do trường mình làm ra.

“Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp, tại nhiều trường là phải học giáo trình, tài liệu được chỉ định chứ không được dùng các tài liệu khác và đó mới là vấn đề cần phải tháo gỡ.

Vì vậy, cần phải lập ra một nhóm chủ lực để hình thành nên kế hoạch của đề án, phát hiện ra những nút thắt hiện nay cần tháo gỡ để trình lên các cơ quan thẩm quyền, có chức năng để có những cơ chế, chính sách thuận lợi.

Ngoài ra, cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể tới các trường, để có thể dẫn dắt, thống nhất và kết nối đến các trường. Bản thân các trường cũng phải cố gắng bởi thông qua đó khẳng định được tên tuổi của trường mình trong việc xây dựng kho học liệu số dùng chung”.

Cao Kim Anh