Ngữ văn 6 chương trình mới bỏ qua lý thuyết, thực hành ngay, khó cho thầy và trò

05/11/2021 06:42
HƯƠNG MAI
GDVN- Một khi phân môn Tiếng Việt không được giảng dạy kĩ lưỡng, thấu đáo thì làm sao các em có vốn từ tốt để “rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe”?

Năm học 2020-2021 này, ngành giáo dục triển khai thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 với 3 bộ sách, đó là: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Người viết trao đổi với các đồng nghiệp đang giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở, nhiều người cho rằng sách Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được trình bày khá khoa học theo từng bài, từng chủ đề với cấu trúc rõ ràng, hợp lý. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy ở nhà trường, nhiều thầy cô giáo cho biết phân môn Tiếng Việt ở lớp 6 đối với 3 bộ sách là khá nặng.

Nếu như trước đây, sách giáo khoa trình bày mỗi đơn vị kiến thức Tiếng Việt thì phải trải qua phần ví dụ minh họa, sau đó mới hình thành khái niệm cho học trò rồi mới đến phần thực hành (luyện tập) thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bỏ đi hẳn phần lí thuyết để đi vào thực hành ngay.

Vì thế, nó không chỉ khó cho học sinh mà ngay cả đội ngũ nhà giáo cũng thực hiện không hề dễ dàng đối với các đơn vị kiến thức Tiếng Việt.

Phân môn Tiếng Việt lớp 6 không có phần hình thành kiến thức mà đi vào thực hành ngay (Ảnh chụp sách Ngữ văn 6 (Cánh Diều) từ màn hình

Phân môn Tiếng Việt lớp 6 không có phần hình thành kiến thức mà đi vào thực hành ngay

(Ảnh chụp sách Ngữ văn 6 (Cánh Diều) từ màn hình

Kiến thức các phân môn Ngữ văn ở lớp 6 đều khá nặng

Trước khi giảng dạy chương trình Ngữ văn lớp 6 ở năm học này, giáo viên chúng tôi được tập huấn 1 ngày với nhà xuất bản và đơn vị này gửi cho một số file PDF, một số clip mẫu rồi bắt tay vào thực hiện công việc giảng dạy.

Phải nói rằng với thời gian, kiến thức tập huấn mà giáo viên lĩnh hội được chưa nhiều để thực hiện một nhiệm vụ mới.

Hơn nữa, năm học này gặp phải khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên giáo viên ở các tỉnh phía Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi, học hỏi, rút kinh nghiệm với đồng nghiệp trong trường vì từ đầu năm đến nay họ phải dạy trực tuyến hoàn toàn.

Tuy nhiên, năm học mới bắt đầu cũng đồng nghĩa là giáo viên phải thực hiện giảng dạy những bài học theo phân phối chương trình mà từng đơn vị xây dựng nên khó hay không khó thì cũng đều phải dạy cho học trò.

Nhìn chung, kiến thức các phân môn Ngữ văn ở lớp 6 năm nay đều nặng hơn so với chương trình sách giáo khoa trước đây. Phần đọc hiểu văn bản có nhiều tác phẩm mới, một số tác phẩm đang ở chương trình lớp 8, lớp 9 của chương trình 2006 được đưa xuống.

Đó là văn bản Cô bé bán diêm của nhà văn Hans Christian Andersen (Đan Mạch) ở lớp 8 và bài thơ Mây và Sóng của R.Tagore (Ấn Độ) ở lớp 9- chương trình 2006.

Thực ra, với những giáo viên đứng lớp như chúng tôi có lẽ ai cũng nhìn thấy đây là những tác phẩm văn học tiêu biểu được khẳng định qua thời gian nhưng với những tác phẩm này mà đưa xuống lớp 6 thì học sinh rất khó cảm thụ hết cái hay, cái đẹp của văn bản.

Chẳng hạn như bài Mây và Sóng của R.Tagore đang được bố trí dạy ở giữa học kỳ II của lớp 9 nhưng sách Ngữ văn 6- Kết nối tri thức với cuộc sống được bố trí ở ngay những bài đầu tiên của học kỳ I- khi mà học sinh mới bước vào cấp Trung học cơ sở.

Cho dù đây là một bài thơ ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng nhưng lại là tác phẩm có nhiều tầng nghĩa khác nhau. Nhất là thể “thơ văn xuôi” nên hiện nay học sinh lớp 9 học cũng đang còn thấy khó tiếp cận thì đưa xuống lớp 6 liệu các em có thể học nổi không?

Phân môn tập làm văn cũng nặng vì nếu như chương trình 2006 thì lớp 6 chỉ học 3 phương thức biểu đạt chính là tự sự, miêu tả, hành chính công vụ thì chương trình 2018 có mặt thêm biểu cảm, nghị luận, thuyết minh.

Song, có lẽ khó nhất, nặng nhất là phân môn Tiếng Việt ở lớp 6 được thiết kế chưa thực sự hợp lý, đánh đố cả thầy và trò.

Bởi thông thường, khi dạy Tiếng Việt thì việc đầu tiên là giáo viên phải hình thành kiến thức mới cho học trò, sau đó mới đến hoạt động luyện tập (thực hành). Thế nhưng, đối với những bài học về Tiếng Việt ở lớp 6 thì đã không thực hiện như vậy.

Phân môn Tiếng Việt đi vào thực hành ngay và bỏ qua bước hình thành kiến thức.

Dạy cho học sinh hiểu về phân môn Tiếng Việt ở chương trình 2018 đang gặp khó

Trong những buổi sinh hoạt của tổ chuyên môn, một số giáo viên đang dạy Ngữ văn 6 vẫn thường nêu lên những khó khăn về những đơn vị kiến thức ở phân môn Tiếng Việt.

Chính vì thế, cho dù sách giáo khoa của các nhà xuất bản không thiết kế phần hình thành kiến thức đối với phân môn Tiếng Việt nhưng giáo viên đều phải thiết kế và dạy thêm phần này thì mới có thể cho học sinh thực hành.

Nếu như giáo viên không dạy lý thuyết để hình thành kiến thức cho học trò thì học sinh gần như không thể bắt tay vào thực hành ngay được vì nó quá khó.

Việc không được học lý thuyết khiến cho cả thầy và trò đều gặp khó ở phân môn Tiếng Việt (Ảnh chụp sách Ngữ văn 6 (Cánh Diều) từ màn hình

Việc không được học lý thuyết khiến cho cả thầy và trò đều gặp khó ở phân môn Tiếng Việt

(Ảnh chụp sách Ngữ văn 6 (Cánh Diều) từ màn hình

Chúng ta đều biết, các em lớp 6 vừa học xong cấp Tiểu học, bước vào cấp Trung học cơ sở với biết bao điều bỡ ngỡ nên việc lĩnh hội những đơn vị kiến thức Tiếng Việt không hề dễ dàng nhưng sách thiết kế lại không có phần lý thuyết mà yêu cầu học sinh thực hành ngay thì làm sao các em hoàn thành được nhiệm vụ thầy cô giao cho.

Trong khi, phương pháp, cách thức dạy chương trình mới thì Bộ đang định hướng là chuyển giao nhiệm vụ học tập cho học trò, học trò phải tự chuẩn bị, sau đó trình bày và giáo viên là người cuối cùng “chốt” lại vấn đề.

Vậy nhưng, khi học sinh không được hình thành kiến thức thì làm sao giáo viên có thể triển khai phần thực hành?

Nếu làm được thì mỗi lớp cũng chỉ có thể có một số em khá giỏi thực hiện được. Còn lại, đa phần học sinh sẽ gặp khó khăn bởi mỗi lớp học có rất nhiều học trò và không phải em nào cũng có thể giỏi môn Ngữ văn.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng những tác giả sách giáo khoa cần chú ý khi biên soạn các bộ sách tiếp theo thì cần chú ý thêm đối với phân môn Tiếng Việt.

Học sinh phổ thông, trình độ, cách tiếp cận rất khác nhau nên không thể bỏ qua bước hình thành kiến thức (lý thuyết) bởi các em không phải là những sinh viên chuyên ngành Ngữ văn ở các trường đại học.

Mục tiêu môn chung của môn Ngữ văn mà Bộ đã ban hành định hướng rất rõ chỗ này, đó là: “môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe;

Có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hoá; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống”.

Thế nhưng, với cách thiết kế phân môn Tiếng Việt như ở lớp 6 thì rất khó để các em lĩnh hội một cách thấu đáo phân môn Tiếng Việt. Một khi phân môn Tiếng Việt không được giảng dạy kĩ lưỡng, thấu đáo thì làm sao các em có vốn từ tốt để “rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe”?.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI