Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh gửi lời cảm ơn Ngân hàng Thế giới về những quan tâm, hỗ trợ phân bổ nguồn vốn viện trợ và vốn vay ưu đãi cho giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thời gian qua.
Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong triển khai chính sách giáo dục dân tộc. Hai bên sẽ duy trì những kết quả đạt được, đồng thời triển khai các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục làm việc tại vùng dân tộc thiêu số, miền núi.
Ngày 4/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì cuộc làm việc với Phái đoàn của Ngân hàng Thế giới về Chính sách giáo dục dân tộc. (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển Con người của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích đội ngũ giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng dạy và học cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, cần có chính sách phù hợp để duy trì hiệu quả của các dự án một cách dài lâu.
Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), những năm qua, giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt được những thành tựu đáng kể. Mạng lưới trường lớp vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú tại các địa phương đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học.
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách nhất định giữa giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đồng bằng. Do đó, tiêp tục phát huy những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các nhóm chính sách đã ban hành đồng thời xây dựng các nhóm chính sách mới phù hợp với yêu cầu phát triển của giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục phát triển quy mô mạng lưới trường lớp nói chung, củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú. Đặc biệt, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu cơ cấu số lượng, chất lượng giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.