Bộ trưởng Y tế: Bộ khuyến cáo địa phương nên mạnh dạn cho trẻ đi học trực tiếp

10/11/2021 14:46
Thùy Linh
GDVN- Với trẻ từ 5 tuổi, 6 tuổi cho đến 11 tuổi không thể đợi chờ vaccine hơn nữa, thực tế cho thấy những rủi ro ở những lứa tuổi này không cao như những tuổi lớn.

Trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 10/11, Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) đặt vấn đề, hiện nay nhiều người dân trên 18 tuổi ở một số địa phương chưa được tiếp cận với mũi 1 của vaccine, trong khi đó thì nhiều địa phương đã tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho cả trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và thậm chí triển khai mũi 3. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết là nguyên tắc phân bổ vaccine như thế nào.

Đối với câu hỏi của đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về nguyên tắc phân bổ vaccine dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và có đối tượng ưu tiên.

Theo đó, Bộ Y tế tập trung phân bổ cho những tỉnh, thành phố có tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp và những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, khu công nghiệp đông, đầu tàu kinh tế, đầu mối giao thông, mật độ dân cư đông.

“Đối tượng người cao tuổi, người trên 50 tuổi và người trên 65 tuổi theo Nghị quyết 128, trong đó đã quy định rất rõ đối với các địa phương trong tháng 10 phải phủ cho được đối tượng trên 65 tuổi và đến tháng 11 phải phủ được đối tượng trên 50 tuổi, vì đây là đối tượng có nhiều rủi ro nhất.

Một số địa phương đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và trong 2 tuần đầu tháng 11 chúng tôi triển khai ở một số địa bàn trọng điểm và trong tháng 11 sẽ triển khai trên địa bàn toàn quốc, theo nguyên tắc tuổi cao tiêm trước và tuổi thấp tiêm sau”, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (ảnh: Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (ảnh: Nhật Bắc)

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay Bộ Y tế mới lập kế hoạch tiêm mũi 3 và chưa triển khai, dự kiến tiêm vào cuối tháng 12. Bởi quan điểm nhất lớn nhất của là làm sao phải phủ rất nhanh mũi 1 cho tất cả các địa phương và trong 2 tuần đầu của tháng 11 sẽ cố gắng phủ hết tất cả mũi 1 cho các địa phương, sau đó trả mũi 2, lúc đó chúng ta bắt đầu tiêm mũi 3. Mũi 3 sẽ tiêm cho đối tượng ưu tiên khác là những người cao tuổi, những người có bệnh lý nền.

Đặt câu hỏi cùng vấn đề, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu quan điểm khi người lớn đã làm việc bình thường nhưng trẻ em thì không: "Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng ý kiến thế nào?".

Liên quan việc trẻ em không được đi học, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, về vấn đề này Bộ Y tế đã có trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những hướng dẫn đối với các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Y tế ngày 8/11 vừa rồi đã tổ chức hội nghị triển khai đối với tất cả các địa phương.

“Vấn đề về trẻ em đi học, chúng tôi đề nghị đối với các địa phương không vì lo lắng quá đối với dịch bệnh mà chúng ta hạn chế việc học tập trực tiếp của trẻ em trực tiếp, nhất là những trẻ em đầu cấp, như lớp 1 hay bậc tiểu học.

Bộ Y tế đã có các hướng dẫn đối với các địa phương triển khai những biện pháp phòng, chống dịch đối với các trường học để vừa học được, vừa đảm bảo được các biện pháp về phòng, chống dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chúng ta không nên đợi chờ vào vaccine, bởi vì vaccine hiện nay chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Với trẻ từ 5 tuổi, 6 tuổi cho đến 11 tuổi không thể đợi chờ vaccine hơn nữa, thực tế cho thấy những rủi ro ở những lứa tuổi này không cao như những tuổi lớn.

Vì vậy, Bộ Y tế cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo đối với các địa phương mạnh dạn đưa các cháu đi học và nhất là những vùng, những xã, những huyện, những tỉnh ở cấp độ 1 và cấp độ 2 bởi Nghị quyết 128 nêu rất rõ cấp độ 1 là đi học bình thường.

Nhưng đến thời điểm hiện nay chỉ có 22 địa phương có kế hoạch đi học trực tiếp, cấp độ 2 cũng tương tự như vậy và cấp độ 3 thì mới hạn chế một số những vấn đề liên quan đến việc kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp. Tất cả những điều này trong Nghị quyết 128 cũng đã có rất rõ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất rõ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo vấn đề này.

Cũng liên quan đến thông tin tiêm vắc xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đến sự phát triển bình thường của trẻ, Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này và cơ sở khoa học để Bộ triển khai tiêm vắc xin đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi để cử tri yên tâm.

Bộ trưởng Y tế cho biết, việc tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA) cho phép tiêm vắc xin mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Hiện loại vắc xin này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia.

"Cách làm của các nước cũng như chúng ta là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng", Bộ trưởng Long cho hay.

Khu vực kiểm tra phiếu đăng ký thông tin tại điểm tiêm trường Lương Thế Vinh (ảnh: P.L)Khu vực kiểm tra phiếu đăng ký thông tin tại điểm tiêm trường Lương Thế Vinh (ảnh: P.L)

Vắc xin duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer-BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vắc xin này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào.

Theo Bộ trưởng Long, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vắc xin vào ADN của người, cho nên những ý kiến nói rằng nó có thể gây đột biến, ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ đến thời điểm hiện nay đã được FDA, CDC Mỹ khẳng định không có; và Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, tất cả vắc xin cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã được tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em.

Thùy Linh