Đào tạo nhân lực Ngành Du lịch thích ứng, sáng tạo để vượt qua đại dịch

12/11/2021 09:07
Cao Kim Anh
GDVN- Du lịch là một trong những ngành đào tạo đang bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid. Bài toán đặt ra với nhà trường là thích ứng với điều kiện mới hay chờ đợi.

Ứng biến linh hoạt

Ngày 11/11, Tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh trong và hậu Covid-19” do Câu lạc bộ khối Đào tạo Du lịch thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Du Lịch – Đại học Huế và Trường Đại học Văn Lang đồng tổ chức, bằng hình thức trực tuyến.

Tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh trong và hậu Covid-19” được diễn ra bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh trong và hậu Covid-19” được diễn ra bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Với tư cách đại diện đơn vị đăng cai thực hiện chương trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Khác với các cuộc khủng khoảng trước đây, khủng khoảng do Covid – 19 gây ra có nguyên nhân từ dịch tễ và tạo ra cú sốc ở cả hai phía cung và cầu đối với nền kinh tế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những phản ứng phi truyền thống, mang tính sáng tạo cao, thậm chí khác biệt với các giải pháp đã từng được áp dụng trong quá khứ.

Tốc độ và mô hình phục hồi của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào khả năng khống chế sự lây lan của dịch bệnh mà còn phụ thuộc vào sự phù hợp, kịp thời của các chính sách, trong đó chính sách về nguồn nhân lực cần phải được chú trọng, đặc biệt nhân lực ngành Du lịch là một trong những nguồn nhân lực dễ bị tổn thương nhất do tình hình hoạt động kinh doanh của ngành đã ngừng trệ trong thời gian khá dài. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này”.

Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tất cả các mặt của đời sống đều phải tiến hành chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong đào tạo ngành Du lịch, ngoài việc học lý thuyết thì thực hành đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, tọa đàm là nơi chia sẻ những kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau của các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Du lịch để cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, từng bước thích ứng với hoàn cảnh mới”.

Tại tọa đàm các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã cùng trao đổi thảo luận, phân tích nhằm đề xuất và lựa chọn các giải pháp và kinh nghiệm phù hợp cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh hiện nay.

Trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Vũ An Dân, Trường Đại học Mở Hà Nội đã chia sẻ cách triển khai công tác thực hành, thực tập cho sinh viên trong bối cảnh ngành du lịch phải tạm dừng do các điều kiện khách quan. Nếu sinh viên không được thực hành, thực tập thì quá trình đào tạo không đảm bảo chất lượng. Như vậy được xem là không đủ điều kiện tốt nghiệp.

Vậy, bài toán đặt ra với nhà trường là thích ứng với điều kiện mới hay chờ đợi? Tuy nhiên, khi phân tích và thực tế cho thấy, đối với hoàn cảnh hiện tại, nếu chỉ chờ đợi mà không thích ứng, thay đổi sẽ mang lại nhiều rủi ro nhất là dịch bệnh đến nay chưa có điểm dừng.

On & Off; thích ứng mới; cùng ngủ đông với doanh nghiệp; tự thân vận động với nguồn lực sẵn sàng; chuyển đổi số trong thực hành, thực tập... là những giải pháp thích ứng và điều chỉnh được Trường Đại học Mở Hà Nội áp dụng và triển khai trong đào tạo ngành du lịch.

Cụ thể đối với giải pháp "On & Off" là phương án thích ứng đối với cả hai thời điểm dịch được kiểm soát và dịch bệnh bùng phát trở lại. Ngày nay, tính mùa của du lịch không chỉ thế mùa mà theo tháng, theo ngày. Chính vì thế, khi dịch bệnh bùng phát thì có thể trau dồi, chuẩn bị kỹ năng. Nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát thì phải chớp ngay thời cơ để thực hiện triển khai thực hành, thực tập.

"Các biến cố xảy ra trong ngành du lịch đòi hỏi ngành du lịch các cơ sở đào tạo du lịch phải có sự thích ứng. Sự thích ứng thể hiện ở sự linh hoạt và khả năng điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo tức thời trong phạm vi cho phép. Sự thích ứng không nhất thiết phải là một thay đổi toàn diện về mọi mặt mà có thể chia nhỏ, hoàn thiện từng mục tiêu đào tạo một", Tiến sĩ Vũ An Dân bày tỏ.

Phối hợp đào tạo cùng doanh nghiệp

Ngành du lịch đóng cửa, sinh viên không có những trải nghiệm thực tế. Dịch bệnh kéo dài hai năm, khiến gần 2000 lượt sinh viên tốt nghiệp bị tồn đọng. Kết nối doanh nghiệp bị đứt gãy do doanh nghiệp ngưng hoạt động... đó là những lý do khiến Trường Du lịch - Đại học Huế phải xây dựng chương trình học tập tại doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện học tập cho sinh viên trong thời kỳ dịch bệnh.

Thông qua chương trình này, nhà trường kết nối cùng một số doanh nghiệp để tạo nên môi trường học tập cho sinh viên ngay giữa lòng doanh nghiệp. Theo đó, có 50% số sinh viên đã được tốt nghiệp đúng dự kiến.

Trường Du lịch - Đại học Huế phải xây dựng chương trình học tập tại doanh nghiệp du lịch. (Ảnh chụp màn hình)

Trường Du lịch - Đại học Huế phải xây dựng chương trình học tập tại doanh nghiệp du lịch. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Tuấn, Trường Du lịch - Đại học Huế, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng sinh viên đã được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Tiếp cận và nhận được sự chia sẻ từ những đào tạo viên nhất định.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo bao quát những loại nghiệp vụ cơ bản cho sinh viên. Với việc xây dựng chương trình này, doanh nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm xã hội đối với công tác đào tạo. Chính vì lẽ đó, mặc dù có nhiều trở ngại cần khắc phục nhưng phần lớn sinh viên đều hài lòng đối với quá trình học tập thực tế tại doanh nghiệp trong thời gian này.

Ngoài việc tăng cường học trực tuyến với kế hoạch dạy, học linh hoạt với sự hỗ trợ của các chuyên gia, Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long cũng đã xây dựng các phương án cụ thể khi kết nối doanh nghiệp cùng đồng hành trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch vào thời điểm dịch bệnh vừa qua.

Thứ nhất, trao đổi với các doanh nghiệp về tình hình tiếp nhận sinh viên trong thời gian có dịch. Đó là số những doanh nghiệp vẫn sử dụng sinh viên đúng theo thời gian đã kí kết đủ 8 tuần.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp chỉ tiếp nhận sinh viên trong 3 tuần tại cơ sở còn lại là giao công việc, hướng dẫn cho sinh viên tự nghiên cứu tài liệu ở nhà và báo cáo bằng email, qua zoom...doanh nghiệp sẽ bố trí cán bộ 1 ngày/tuần để sửa bài và góp ý rút kinh nghiệm cho sinh viên.

Thứ ba, thầy cô quản lý các nhóm yêu cầu sinh viên hoàn thành theo đặc thù công việc của mình. Đối với sinh viên chuyên ngành Quản trị du lịch và lữ hành thực tập tại công ty lữ hành, mỗi tuần xây dựng 1 tour thử nghiệm, có tính giá, khảo sát các dịch vụ du lịch.

Một số giải pháp cụ thể được triển khai trong đào tạo của Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh chụp màn hình)

Một số giải pháp cụ thể được triển khai trong đào tạo của Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh chụp màn hình)

Đối với sinh viên thực tập tại các khu vui chơi giải trí, khách sạn, ngoài báo cáo các công việc theo thực tế làm tại doanh nghiệp thì cần xây dựng những ý tưởng và giải pháp duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Viện, Trường Đại học Hạ Long cho rằng: "Để thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo đúng tiến độ và không gây tâm lý chán nản cho sinh thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, người học, gia đình và sự tham gia tích cực từ phía các doanh nghiệp du lịch với tư cách là người sử dụng sản phẩm đào tạo".

Sau khi các tham luận được trình bày, các đơn vị, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cùng thảo luận, trao đổi, học hỏi các phương án thích hợp cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ công tác đào tạo để làm sao trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài thì chất lượng nhân lực ngành du lịch cung ứng cho xã hội vẫn được đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cao Kim Anh