ĐH Tài chính Marketing tự đặt thời hạn chứng chỉ tin học đầu ra, SV bức xúc

26/11/2021 06:59
Việt Dũng
GDVN- Sinh viên bức xúc vì Trường Đại học Tài chính – Marketing Thành phố Hồ Chí Minh tự đặt ra thời hạn sử dụng của chứng chỉ tin học chuẩn đầu ra cho sinh viên.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một sinh viên hệ liên thông đại học của Trường Đại học Tài chính – Marketing Thành phố Hồ Chí Minh (UFM) bức xúc cho biết, nhà trường tự đặt ra thời hạn sử dụng của chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin do trường cấp, khiến sinh viên năm cuối bức xúc.

Bức xúc vì trường nói chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin bị hết hạn

Thư bạn sinh viên này viết: Tôi là sinh viên liên thông hệ đại học tại UFM. Trường có quy định về chuẩn đầu ra cho sinh viên về ngoại ngữ và tin học. Ngoại ngữ TOEIC 405 điểm của IIG, hay do của trường tổ chức thi. Việc này thì tôi đã đáp ứng đủ yêu cầu.

Riêng về tin học thì trường quy định tối thiểu là chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo thông tư 03/2014/TT-BTTTT. Việc này tôi cũng đáp ứng được yêu cầu khi thi tại trường, và được cấp chứng chỉ vào năm 2018.

Thế nhưng, đến tháng 9/2021, UFM đã thông báo chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản của tôi đã hết hạn để xét tốt nghiệp, và phải thi lại chứng chỉ mới để được xét tốt nghiệp, nên tôi đã không được cấp bằng tốt nghiệp vào đợt tháng 10/2021.

Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Nam sinh viên này nói rằng, theo anh được biết thì chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo thông tư 03/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông là vô thời hạn, nên việc UFM quy định như vậy là không tuân thủ theo quy định của pháp luật, làm khó sinh viên chứ cũng không có thêm bất kỳ tác dụng nào khác.

Chứng chỉ chỉ có thời hạn 2 năm là do trường tự quy định

Ngày 12/11, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Trọng Tuyến – Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học UFM xác nhận, có nắm được những bức xúc của sinh viên.

Thầy Lê Trọng Tuyến giải thích: Chương trình đào tạo, quá trình tổ chức đào tạo, điều kiện xét công nhận tốt nghiệp trong đó có chuẩn đầu ra đã được nhà trường phổ biến đầy đủ cho sinh viên khi chuẩn bị bước vào chương trình đào tạo, khi chuẩn bị xét tốt nghiệp.

Trong đó, sinh viên muốn đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp thì phải hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra. Trước khi xét công nhận tốt nghiệp thì trường cũng đã thông báo rõ cho sinh viên nắm.

Về chứng chỉ tin học chuẩn đầu ra thì sinh viên có thể chọn 1 trong 3 loại: Chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản theo thông tư liên tịch 17/2016 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứng chỉ tin học văn phòng quốc tế MOS do Microsoft cấp có giá trị vĩnh viễn, các loại bằng cấp hệ đại học hay cao đẳng có liên quan đến công nghệ thông tin.

Nói về lý do tại sao trường lại đặt ra chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản chỉ có giá trị 2 năm kể từ khi sinh viên được cấp chứng chỉ cho đến khi sinh viên làm thủ tục xét tốt nghiệp, thầy Lê Trọng Tuyến lý giải: Đây là quyền tự chủ trong học thuật và đào tạo của nhà trường.

Trường đã công bố rất rõ từ trước, sinh viên nắm không rõ nên mới có sự vênh nhau về thời gian giữa hiệu lực của chứng chỉ và thời gian nhà trường xét tốt nghiệp cho sinh viên.

Thầy Lê Trọng Tuyến nhấn mạnh rằng, trường cũng đã giải thích rất rõ cho sinh viên hiểu đây là quy định của nhà trường. Trường cũng đã công khai đầy đủ đến sinh viên theo đúng quy định.

Theo đại diện nhà trường, các quy định về chuẩn đầu ra của sinh viên, trong đó các yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ tin học đã được thông báo rất rõ tại thông báo 156/TB-ĐHTCM-QLĐT ngày 1/2/2021.

Trích thông báo 156 ngày 1/2/2021 của Phòng Quản lý Đào tạo (ảnh chụp màn hình)

Trích thông báo 156 ngày 1/2/2021 của Phòng Quản lý Đào tạo (ảnh chụp màn hình)

Văn bản này cũng được công khai tại địa chỉ của phòng Quản lý Đào tạo nhà trường [1].

Tuy nhiên, tại Quyết định 1876/QĐ-ĐHTCM, ngày 10/12/2015 do Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing Thành phố Hồ Chí Minh ký, ban hành chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học tại trường, thì chỉ ghi quy định chuẩn đầu ra với tiếng Anh, tin học, không thấy ghi cụ thể thời hạn trong vòng 2 năm tính từ ngày cấp cho đến khi làm thủ tục cho sinh viên tốt nghiệp).

Ngày 24/11, giải thích về việc này, thạc sĩ Lê Trung Tuyến - Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo của UFM nói, Quyết định 1876 ban hành năm 2015 chỉ là sự kế thừa, có cập nhật của hướng dẫn 1450 hồi tháng 9/2012, do Phó Hiệu trưởng của UFM ký.

Trích trang 2 của hướng dẫn 1450 tháng 9/2012 do Trường Đại học Tài chính - Marketing ban hành (ảnh: P.L)

Trích trang 2 của hướng dẫn 1450 tháng 9/2012 do Trường Đại học Tài chính - Marketing ban hành (ảnh: P.L)

Hướng dẫn 1450/HD-ĐHTCM ngày 4/9/2012, hướng dẫn nhận các văn bằng, chứng chỉ theo quy định chuẩn đầu ra đối với sinh viên đại học, cao đẳng phục vụ cho công tác xét tốt nghiệp, tại trang 2 có ghi rõ với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học thì áp dụng thời hạn giá trị 2 năm tính từ ngày cấp chứng chỉ đến thời điểm trường nhận được chứng chỉ ghi theo thông báo của trường.

Trường hợp sinh viên tích lũy điểm kiểm tra tiếng Anh theo chuẩn TOEIC, điểm kiểm tra tin học tại các kỳ kiểm tra hay các chứng chỉ có liên quan do UFM cấp cũng áp dụng thời hạn giá trị 2 năm, kể từ ngày phê duyệt kết quả đến thời điểm trường nhận được chứng chỉ.

Tinh thần sử dụng các chứng chỉ, văn bằng vẫn tiếp tục có sự kế thừa của hướng dẫn 1450. Sau lễ khai giảng hàng năm, Phòng Quản lý Đào tạo của trường luôn phổ biến các quy chế đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện xét tốt nghiệp của sinh viên luôn được phổ biến bằng miệng tới các sinh viên. Trong đó thời hạn sử dụng các chứng chỉ luôn được trường nhắc tới.

Thầy Huỳnh Thế Nguyễn - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo giải thích tiếp với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hầu như sinh viên hệ đào tạo đại học chính quy cũng ít khi vướng vào các chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp, còn hệ đào tạo liên thông thì cũng có một vài em bị vướng nhưng cũng rất ít.

Về việc đưa ra quy định 2 năm đối với chứng chỉ ứng dụng Công nghệ thông tin cơ bản (kể từ ngày sinh viên được cấp cho đến khi nộp lại trường để chuẩn bị xét tốt nghiệp), thầy Thế Nguyễn chia sẻ rằng, chủ yếu là do trường muốn cam kết với xã hội về chất lượng đào tạo, muốn sinh viên khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, giúp sinh viên tự tin khi đi xin việc, doanh nghiệp hài lòng.

Một tháng trường tổ chức thi tin học 4 lần, một năm trường có một vài lần xét tốt nghiệp, nên bị vướng vào chuẩn đầu ra thì sinh viên có thể thi và bổ sung sau, miễn là còn nằm trong thời hạn được phép đào tạo (7 năm).

Ngoài những chứng chỉ do UFM cấp, thì những chứng chỉ do các trường khác cấp (mà Bộ Giáo dục cho phép tổ chức), hay những chứng chỉ có giá trị tương đương cũng vẫn được chấp nhận.

Còn thông báo 156/TB-ĐHTCM-QLĐT ngày 1/2/2021 là thừa lệnh Hiệu trưởng, nằm trong chức năng và nhiệm vụ của Phòng Quản lý Đào tạo, tới thời điểm cần làm thì ban hành (trước khi xét tốt nghiệp cho sinh viên), còn khi nào ra các quyết định mang tính chiến lược, tầm ảnh hưởng lớn thì mới phải họp trước. Cơ sở pháp lý chủ yếu là dựa trên chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngay sau khi nghe câu trả lời từ phía đại diện của UFM, nam sinh viên nói trên cho biết, em không thể nhớ rõ là trường có phổ biến quy định này trước khóa học hay không, nhưng khi lên làm việc với trường về vấn đề này thì trường cũng nói là có phổ biến quy định này từ trước.

Tuy nhiên, nam sinh viên này cho rằng, cho dù có phổ biến hay không nhưng cũng không thể đi ngược lại quy định của pháp luật.

"Do chứng chỉ này theo quy định là không có ghi thời hạn sử dụng, nhưng trường tự đặt ra quy định thời hạn sử dụng là không đúng với quy định của pháp luật", nam sinh viên khẳng định.

Việt Dũng