TS Nghiêm Xuân Huy: không nên xem xếp hạng ĐH là mục tiêu phát triển duy nhất

17/11/2021 06:47
Phạm Minh (Thực hiện)
GDVN- Theo TS Nghiêm Xuân Huy, không nên lấy xếp hạng đại học làm mục tiêu phát triển duy nhất, mà nên xem đó là đích đến đạt được khi trường đã tích lũy đủ chất lượng.

Trong những năm gần đây, xếp hạng quốc tế là một trong những vấn đề được quan tâm của giáo dục đại học. Một số trường đại học Việt Nam cũng đã có những cải thiện đáng kể, từng bước chinh phục thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Xoay quanh câu chuyện về xếp hạng đại học thế giới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Ủy viên thường trực trong Hội đồng cố vấn chuyên môn Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, quan điểm của ông như thế nào khi một số trường đại học Việt Nam đang thực hiện các chiến lược hoạt động để tham gia vào bảng xếp hạng quốc tế. Việc này có ý nghĩa như thế nào đối với vị thế quốc tế và uy tín học thuật của các trường đại học?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Trước hết, chúng ta phải xem xếp hạng đại học thế giới là sân chơi chung, mỗi bảng xếp hạng có một luật chơi riêng. Các bảng xếp hạng có những tiêu chí đánh giá riêng và không giống nhau. Vì vậy, một trường đại học ở bảng xếp hạng này có thể có thứ hạng cao nhưng ở một bảng xếp hạng khác lại có thứ hạng thấp hơn là điều bình thường và dễ hiểu.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên xem xếp hạng đại học là mục tiêu phát triển duy nhất của mỗi cơ sở giáo dục, bởi trường đại học phải đảm bảo thực hiện hài hòa các sứ mệnh: đào tạo, nghiên cứu, thúc đẩy phát triển cộng đồng.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta đang hướng đến quốc tế hóa giáo dục, hội nhập thế giới về giáo dục, việc tham gia xếp hạng quốc tế là cần thiết. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta đang hướng đến quốc tế hóa giáo dục, hội nhập thế giới về giáo dục, việc tham gia xếp hạng quốc tế là cần thiết. (Ảnh: NVCC)

Thực tế là các bảng xếp hạng thường phản ánh một khía cạnh phát triển, một góc nhìn về chất lượng của trường đại học (theo các tiêu chí của tổ chức xếp hạng). Như vậy, việc một trường đại học không có tên trong bảng xếp hạng không đồng nghĩa là trường đó kém chất lượng. Mỗi trường đại học có sứ mệnh phát triển của mình, việc họ thực hiện tốt và đầy đủ sứ mệnh mà mình tuyên bố cũng cho thấy khía cạnh chất lượng của trường.

Tức là khi đánh giá trường đại học thì cần nhìn vào cả những đóng góp của họ đối với sự phát triển của xã hội, của đất nước về đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp sản phẩm và giải pháp khoa học công nghệ, phản biện xã hội, tư vấn chính sách, nâng cao dân trí … Đôi khi, không có tên trong bảng xếp hạng thuần túy là do cơ sở giáo dục đại học đó không nộp dữ liệu để tham gia xếp hạng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta đang hướng đến quốc tế hóa giáo dục, cần có sự giao thoa văn hóa, hội nhập thế giới về giáo dục thì việc tham gia xếp hạng quốc tế là cần thiết.

Đầu tiên, kết quả xếp hạng có thể phản ánh được một phần uy tín học thuật, vị thế quốc tế của trường đại học nói chung và nền giáo dục quốc gia nói riêng. Và ở một góc độ nào đó, điều này góp phần thể hiện vị thế của nền giáo dục quốc gia trên trường quốc tế.

Ngoài ra, xếp hạng đại học còn có ý nghĩa hỗ trợ công tác tuyển sinh cho trường đại học, đặc biệt thu hút sinh viên quốc tế đến với Việt Nam. Ở góc độ của người nước ngoài, muốn tìm hiểu về các trường đại học Việt Nam, các bảng xếp hạng quốc tế sẽ là nguồn thông tin chính yếu. Việc đối sánh thông tin về trường đại học giữa các bảng xếp hạng giúp họ có những lựa chọn về môi trường học tập cho mình.

Đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học, bảng xếp hạng có thể mang lại những giá trị nhất định. Đó có thể là việc tạo lập uy tín trong cộng đồng, tạo ra các giá trị về mặt truyền thông, tạo ra những ưu thế nhất định trong kêu gọi đầu tư phát triển...

Nhưng quan trọng hơn, kết quả xếp hạng còn là công cụ hữu ích để thực hiện đối sánh giữa các trường đại học thông qua các chỉ số cụ thể. Từ việc đối sánh này, các trường nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu của mình để phấn đấu, đầu tư và phát triển trường lớn mạnh hơn, toàn diện hơn. Nói cách khác, xếp hạng đại học cũng là một công cụ đối sánh để thực hiện hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài (EQA).

PV: Mỗi hệ thống xếp hạng quốc tế có các chỉ số với trọng số tính điểm khác nhau. Vậy theo ông, những chỉ số nào là quan trọng mà các trường đại học phải lưu tâm?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Trong một số bảng xếp thế giới hạng uy tín nhất hiện nay, có 3 chỉ số quan trọng và phổ biến được sử dụng.

Thứ nhất là chỉ số tỷ lệ giảng viên/sinh viên, chỉ số này phổ biến ở hầu hết các bảng xếp hạng, thể hiện mức độ, sự đáp ứng của trường đại học đối với nhu cầu học tập của người học. Ở khía cạnh đảm bảo chất lượng, chỉ số này cho thấy sự đầy đủ, dồi dào về đội ngũ giảng viên để thực hiện các mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Thứ hai là chỉ số công bố quốc tế. Đây là chỉ số quan trọng và rất phổ biến, được đo lường và tính toán khách quan, góp phần thể hiện năng lực nghiên cứu khoa học của trường đại học. Để thực hiện điều này, các bảng xếp hạng nổi tiếng như THE, QS sử dụng số liệu trực tiếp từ cơ sở dữ liệu Scopus, đảm bảo được sự khách quan và chính xác.

Thứ ba là chỉ số liên quan đến quốc tế hóa, bao gồm các chỉ số cụ thể như tỷ lệ giảng viên quốc tế làm việc tại trường, tỷ lệ sinh viên quốc tế học tập tại trường, tỷ lệ các bài báo khoa học có sự hợp tác với các nhà nghiên cứu nước ngoài, tỷ lệ trao đổi sinh viên,... Điều này gián tiếp phản ánh chất lượng đào tạo, nghiên cứu và năng lực đội ngũ khoa học của trường đại học theo các tiếp cận quốc tế.

Ngoài ra, một số bảng xếp hạng còn có chỉ số định lượng như đánh giá của học giả và nhà tuyển dụng. Dữ liệu cho chỉ số này được lấy thông qua hình thức bình chọn của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng.

Mặc dù dữ liệu mang tính chất định tính, nhưng kết quả từ việc bình chọn cũng phần nào cho thấy uy tín và tầm ảnh hưởng của trường đại học trong cộng đồng. Các trường đại học có chỉ số bình chọn cao thường là các trường có truyền thống học thuật, có sự gắn kết tốt với cộng đồng, có cho thấy mức độ đáp ứng của sinh viên tốt nghiệp với thị trường lao động.

Dĩ nhiên, để có kết quả xếp hạng thì cần thêm những yếu tố khác nữa. Nếu xem việc xếp hạng đại học là một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài, đồng thời tham gia xếp hạng một cách nghiêm túc, khoa học, thì những giá trị mà kết quả xếp hạng đem lại là rất tích cực.

PV: Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã liên tiếp có tên trong một số bảng xếp hạng quốc tế. Mới đây, theo Xếp hạng QS châu Á 2022: Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí 147, tăng 13 bậc. Với những thành tích đã đạt được, thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm để trường đại học từng bước chinh phục thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Đại học Quốc gia Hà Nội có một khẩu hiệu: “đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”, có nghĩa là phải chú trọng phát triển nội lực thực sự mạnh mẽ và toàn diện. Bên cạnh đó, trong các chiến lược phát triển (chiến lược theo các giai đoạn 5 năm) của mình, Đại học Quốc gia Hà Nội thường tích hợp trong bộ chỉ số phát triển một số chỉ số liên quan đến xếp hạng quốc tế để có định hướng thực hiện.

Ở góc độ quản trị đại học, vấn đề xếp hạng có mối quan hệ mật thiết với chất lượng giáo dục của mỗi đơn vị. Các chỉ số xếp hạng đều ít nhiều liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Ví dụ, chỉ số tỷ lệ giảng viên/sinh viên không chỉ dùng để xếp hạng mà còn phản ánh mức độ đáp ứng nhu cầu học tập của người học, mức độ tham gia của giảng viên trong các hoạt động ngoài giảng dạy (nghiên cứu khoa học, phát triển cộng đồng). Một trường đại học có đội ngũ giảng viên dồi dào (tỷ lệ giảng viên/sinh viên cao) sẽ không chỉ giúp đáp ứng khối lượng giảng dạy phù hợp, mà còn giúp chính các giảng viên có đủ thời gian, tâm sức để đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học …

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu đảm bảo phục vụ công tác đào tạo cũng thể hiện một khía cạnh của điều kiện đảm bảo chất lượng, điều này liên quan đến chỉ số công bố quốc tế. Trường đại học nên có chính sách động viên khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào các nghiên cứu quốc tế, tham gia các diễn đàn học thuật quốc tế để thúc đẩy công bố quốc tế và lan tỏa kết quả công bố quốc tế. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực khoa học của giảng viên mà còn thể hiện uy tín, vị thế của chính nhà trường.

Công bố quốc tế là một hoạt động rất đặc thù và đòi hỏi sự đầu tư tốn kém, muốn đạt được mục tiêu thì cần đặt chỉ tiêu để trường đại học và các nhà khoa học cùng phấn đấu. Tuy nhiên, không nên đơn thuần chạy theo số lượng bài báo.

Nghiên cứu khoa học cần gắn với đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực khoa học. Theo đó, đi liền với các chỉ số công bố quốc tế cần có các chương trình nghiên cứu cụ thể kèm theo để hình thành các nhóm sản phẩm khoa học mũi nhọn, có giải pháp thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu liên ngành, có các hỗ trợ cần thiết để sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu và công bố. Bên cạnh đó, cần có một số giải pháp đồng bộ về khuyến khích, động viên, khen thưởng đối với các nhà khoa học trong công bố quốc tế.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, trường đại học đặt ra chỉ tiêu, hướng phấn đấu về xếp hạng quốc tế nhưng đó không phải là mục tiêu tối thượng. Mục tiêu tối thượng của cơ sở giáo dục phải là phát triển bền vững, hướng đến chất lượng thực chất.

Nếu chúng ta nghiêm túc, quan tâm vì mục tiêu chất lượng thì các thực hành về đảm bảo chất lượng sẽ giúp trường đại học cải thiện về uy tín của mình cũng như thực hiện luôn các chỉ số về xếp hạng quốc tế.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì để tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các nhà khoa học tham gia nghiên cứu?

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy: Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học cần phải xuất phát từ hai phía, trường đại học và bản thân nhà nghiên cứu.

Thứ nhất, các trường đại học cần có chiến lược đa dạng hóa nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, có chính sách hỗ trợ, tôn vinh nhà khoa học, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, có chương trình nghiên cứu với quy mô phù hợp và sản phẩm rõ ràng, tập hợp được nhiều nhà khoa học cùng thực hiện theo các hướng nghiên cứu mũi nhọn đã đặt ra.

Trường đại học nên có cơ chế, tính toán linh hoạt khối lượng làm việc của giảng viên để tạo điều kiện cho giảng viên tham gia nghiên cứu. Hiện nay định mức giờ dạy của giảng viên còn khá lớn. Cần có cơ chế linh hoạt về chế độ làm việc và cách tính toán định mức lao động cho nhà khoa học.

Về phía các nhà khoa học, ngoài những hỗ trợ từ phía nhà trường, nên chủ động quan tâm, nỗ lực tìm kiếm cơ hội và nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ ngành khác có rất nhiều chương trình thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang rất cần “chất xám” từ các nhà khoa học, trường đại học để giải quyết các bài toán phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.

Khai thác những nguồn này vừa giúp các nhà khoa học áp dụng các kết quả nghiên cứu của mình vào thực tiễn, vừa có thêm nguồn lực để nghiên cứu, sáng tạo.

Như vậy, bản thân các nhà khoa học cũng nên chủ động trong tiếp cận nguồn lực, thay đổi tư duy về nghiên cứu khoa học, tích cực thâm nhập vào thực tiễn để tiếp cận được các cơ hội, nguồn lực nghiên cứu cho mình.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy!

Phạm Minh (Thực hiện)