Giáo viên, chủ cơ sở mầm non tư thục “gồng mình” vượt qua đại dịch Covid

16/11/2021 06:45
Việt Dũng
GDVN- Dịch Covid-19 kéo dài, cơ sở mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh phải đóng cửa dài hạn, khiến giáo viên chật vật, chủ đầu tư phải rao bán trường để sinh sống.

Phải đóng cửa trong “mùa dịch Covid-19” thứ 4 trong nhiều tháng trời, nhiều chủ đầu tư của trường, nhóm lớp mầm non tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh đã không chịu nổi. Tới nay, họ đành phải quyết định tới giải pháp là rao bán, sang nhượng trường.

Liên tục bị ép giá

Chỉ mới mở một nhóm lớp mầm non tư thục hồi tháng 8 năm ngoái, nhưng hoạt động chỉ mới được vài tháng, nhóm trẻ mầm non của chị Hoàng Nguyễn (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) đã phải ngưng hoạt động nhiều tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hoàng Nguyễn nói nơi chị làm lớp mầm non có cơ sở vật chất đầy đủ, diện tích rộng rãi, có sân chơi, hợp đồng nhà còn tới 4 năm, sang chỉ có 180 triệu đã bao gồm 60 triệu tiền đặt cọc nhà, nhưng đã đăng quảng cáo từ 2 tháng nay vẫn chưa kiếm người sang được, dù đã có sẵn 40 bé học trước dịch.

Chị Hoàng Nguyễn cho hay, ban đầu, chị cũng nghĩ là nghỉ tránh dịch chừng 2 hay 3 tháng thôi. Cho tới nay thì không ngờ lại nghỉ lâu đến như vậy. Chủ nhà cũng có giảm giá tiền nhà, nhưng cũng chỉ được 1 hay 2 tháng thôi, chứ cũng không được nhiều.

Mùa dịch khó khăn, nên nhiều chủ đầu tư trường mầm non tư thục muốn sang nhượng trường (ảnh chụp màn hình)

Mùa dịch khó khăn, nên nhiều chủ đầu tư trường mầm non tư thục muốn sang nhượng trường (ảnh chụp màn hình)

“Cũng có người đến coi, nhưng ép giá sang chỉ hơn 100 triệu đồng, không đủ vốn chị bỏ ra đầu tư. Cực chẳng đã nên chị mới buông, chứ bây giờ duy trì thì không biết khi nào mới đi học, còn giờ thì cũng không thể trụ nổi nữa” – chị Hoàng Nguyễn chia sẻ.

Ngoài nhóm lớp mà chị Hoàng Nguyễn đầu tư, tại các quận, huyện thuộc khu vực ngoại vi của Thành phố Hồ Chí Minh đã có rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải giải thể, hay là chờ để rao bán, sang nhượng.

Cũng tương tự như vậy, bà N.T.H.P (quận 12) mở trường mầm non tư thục từ năm 2019 với số lượng hơn 100 bé.

Trải qua nhiều đợt dịch khác nhau, bà P. đã phải mượn sổ đỏ của gia đình đem đi cầm cố vay ngân hàng để có tiền duy trì hoạt động cho trường.

Thế nhưng, đợt dịch năm 2021 kéo dài quá lâu, phải duy trì việc đóng tiền nhà liên tục cho chủ nhà, trong khi trường thì không thể mở hoạt động, nên bà P. đành quyết định rao bán lại ngôi trường với nhiều tâm huyết của mình.

Nhiều trường mầm non tư thục đăng tải công khai sang nhượng trên mạng (ảnh chụp màn hình)

Nhiều trường mầm non tư thục đăng tải công khai sang nhượng trên mạng (ảnh chụp màn hình)

Bà P. nói rằng, biết trong dịch bán sẽ bị ép giá, nhưng bà vẫn phải bán vì sợ càng gồng gánh chi phí, càng bị lỗ nặng.

Chật vật mưu sinh trong đại dịch

Thu nhập từ việc đi dạy mầm non vốn dĩ là không dư dả để có thể tích lũy, Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng qua càng khiến cho cuộc sống của các giáo viên mầm non tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh bấp bênh hơn bao giờ hết.

Chị Lâm Thu Nhung, một giáo viên mầm non tư thục tại thành phố Thủ Đức kể: Dịch kéo dài, từ nhiều tháng nay, học sinh không đi học, nên trường không có kinh phí trả lương cho giáo viên, chỉ trừ tháng 5 là được hỗ trợ một ít tiền.

Từ nhiều tháng nay, chị và các đồng nghiệp trong trường đã phải rất vất vả, chật vật làm đủ thứ nghề để mưu sinh, nuôi gia đình.

Từ tháng 7 vừa qua, chị Nhung đã tìm được một mặt bằng nhỏ ở gần trường để thuê lại, đặt một xe bán cà phê mang đi vào mỗi buổi sáng. Nhờ xe cà phê này, mà hàng ngày, sau khi trừ đi hết các chi phí, chị cũng còn dư được gần 200.000 đồng để chi tiêu, sống qua ngày.

Ngưng làm giáo viên mầm non tư thục từ hồi tháng 5 vừa qua, vì trường đóng cửa trong làn song dịch Covid-19 lần thứ 4, chị Ngọc Trinh (quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã quyết định vét hết những số tiền mà mình có được, mượn thêm ít tiền của gia đình, bạn bè để quyết định đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, làm công nhân.

“Con còn nhỏ, không nỡ bỏ đi, nhưng vẫn phải đành lòng gửi con cho ông bà trông dùm trong vài năm. Hy vọng trong 3 năm đi xuất khẩu lao động, tôi sẽ có chút ít vốn tiết kiệm được mang về làm ăn, chứ ngồi chờ trường mầm non được mở cửa lại hoạt động thì không biết đến khi nào” - chị Ngọc Trinh khẳng định.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Việt Dũng