Giảng viên 2 lần được vinh danh 'Giáo viên Tin học văn phòng xuất sắc nhất'

19/11/2021 06:40
PHẠM LINH
GDVN- “Để thành công dù trong bất kỳ cuộc thi nào bạn cũng cần thật sự bản lĩnh và có kiến thức sâu, rộng về môn thi bạn theo đuổi” giảng viên Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam (Hải Phòng) có 2 sinh viên đạt giải Nhất Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới – Viettel (MOSWC – Viettel).

Trong đó, sinh viên Thái Bảo Ngọc đạt Quán quân môn Microsoft Excel 2016 cuộc thi năm 2020 và sinh viên Nguyễn Đức Phát đạt Quán quân môn Microsoft Excel 2016 cuộc thi năm 2021.

Với vai trò người hướng dẫn, đồng hành cùng hai quán quân của nhà trường, giảng viên Nguyễn Kim Anh đã hai lần được vinh danh “Giáo viên Tin học văn phòng xuất sắc nhất” năm 2020 và năm 2021.

Có cơ hội trao đổi cùng giảng viên Kim Anh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được lắng nghe những chia sẻ về hành trình cô gắn bó cùng sinh viên tham gia cuộc thi này.

Bén duyên với cuộc thi Tin học văn phòng

Cuộc thi vô địch Tin học Văn phòng Thế giới là sân chơi quốc tế với quy mô toàn cầu nhằm tìm kiếm, tôn vinh những tài năng tin học xuất sắc nhất trên thế giới về kỹ năng sử dụng các ứng dụng Tin học văn phòng Microsoft Office.

Mỗi năm, cuộc thi thu hút hàng trăm đội tuyển đến từ các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng và Trung học phổ thông trên toàn quốc.

Theo giảng viên Kim Anh, Cuộc thi vô địch Tin học Văn phòng Thế giới đã được đưa về Việt Nam cách đây hơn 10 năm bởi tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam.

Giảng viên Nguyễn Kim Anh đã hai lần được vinh danh “Giáo viên Tin học văn phòng xuất sắc nhất” năm 2020 và năm 2021 (Ảnh: NVCC)

Giảng viên Nguyễn Kim Anh đã hai lần được vinh danh “Giáo viên Tin học văn phòng xuất sắc nhất” năm 2020 và năm 2021 (Ảnh: NVCC)

Từ những năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã đồng hành cùng cuộc thi, hàng năm đều tích cực phát động sinh viên tham gia để tích lũy kiến thức, kĩ năng tin học văn phòng và có cơ hội cọ sát với sinh viên quốc tế.

“Trong năm thứ hai tham gia cuộc thi, trường đã có một sinh viên xuất sắc đạt Quán quân ở bộ môn Microsoft Word 2010 và trở thành đại sứ MOS để tham gia thi quốc tế. Sinh viên này đã xuất sắc lọt vào top 6 Thế giới” giảng viên Kim Anh cho biết.

Với sức hút của giải đấu, cuộc thi lúc đầu chỉ có các bạn sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học tham gia, sau đó nó đã được lan tỏa và mở rộng tới các bạn ở lứa tuổi phổ thông trung học (từ 13 tuổi trở lên).

Nhiều năm nay, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đã đưa chứng chỉ Microsoft Office Specialist vào làm một trong các chuẩn đầu ra xét tốt nghiệp cho sinh viên, mỗi sinh viên cần phải đạt hai chứng Microsoft Word và Microsoft Excel.

Giảng viên Kim Anh chia sẻ: “Vốn đam mê nghiên cứu chuyên môn tin học, tôi đã theo dõi cuộc tranh tài của sinh viên nhà trường từ những cuộc thi MOSWC đầu tiên.

Đến cách đây 4 năm, được sự tín nhiệm của thầy trưởng khoa và cô trưởng bộ môn, tôi bén duyên trở thành người bồi dưỡng đội tuyển của trường.

Theo quan điểm của tôi, cuộc thi MOSWC không chỉ là sân chơi để các bạn sinh viên được tham gia giao lưu và thi thố tài năng đơn thuần mà nó còn có tính ứng dụng thực tế rất cao.

Xuyên suốt thời gian tham gia cuộc thi, để có thể thành công vượt qua vòng loại và đạt giải ở vòng chung kết quốc gia, các bạn thí sinh bắt buộc phải rèn luyện và thực hành thường xuyên.

Đồng thời, thí sinh phải tìm hiểu các chức năng mở rộng và trau dồi khả năng đọc hiểu tiếng Anh.

Điều đó có nghĩa là sau cuộc thi các bạn không chỉ thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng cơ bản mà các bạn đã tự giúp mình trở thành chuyên gia trong nội dung mà các bạn tham gia thi”.

Sau 4 năm tham gia huấn luyện, đồng hành cùng sinh viên, giảng viên Kim Anh chia sẻ đây là cơ hội để bản thân lần nữa được học tập và trải nghiệm lại quãng thời gian đầy nhiệt huyết, sôi nổi như thời còn là sinh viên.

Giờ ôn luyện của đội tuyển Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Giờ ôn luyện của đội tuyển Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Ảnh: NVCC)

“Thầy cô là người truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên. Muốn các bạn sinh viên yêu thích và đầy đam mê khi tham gia cuộc thi thì bản thân mình cũng phải nhiệt tình, kiên trì truyền “lửa” cho các bạn.

Cũng vì thế, công việc huấn luyện cho các bạn sinh viên với tôi không còn là nhiệm vụ bắt buộc nữa mà bản thân thực sự muốn được làm.

Tham gia hướng dẫn cho sinh viên tôi cũng dần tự tin hơn về chuyên môn vì được mở rộng nhiều kỹ năng và kiến thức.

Thực tế, phần lớn người dùng hiện nay chỉ sử dụng các tính năng cơ bản của bộ phần mềm Microsoft Office.

Thời điểm trước khi thi lấy chứng chỉ MOS cách đây khoảng 10 năm ngay cả bản thân tôi cũng vậy.

Sau khi thi chứng chỉ, ôn và luyện tập với các bạn sinh viên thì tôi biết rất nhiều kỹ năng nâng cao khác.

Càng học tập, càng ôn luyện thì càng thấy kiến thức quả thật quá rộng, kỹ năng thì mình nắm hầu hết rồi nhưng phạm vi ứng dụng thì càng ngày càng mở rộng nên cảm thấy có khi đuối sức.

Có đôi khi còn gặp áp lực về thời gian, đặc biệt là giai đoạn nước rút chuẩn bị cho cuộc thi vòng chung kết. Tuy nhiên, càng khó và áp lực thì tôi càng muốn tìm hiểu, khám phá thêm.

Tôi có cảm giác nhiệt huyết và sôi nổi giống như khi còn là sinh viên vậy!

Đổi một vai trò mới, tôi tự hào khi đã được cùng với các thầy cô đồng nghiệp khác đóng góp vào thành tích chung của nhà trường”.

Để thành công trong cuộc thi bạn cần thật sự bản lĩnh

Vinh dự khi được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển và đưa Trường Đại học Hàng Hải trở thành trường đầu tiên 2 năm liền có thí sinh đạt giải Nhất quốc gia và trở thành Đại sứ tham gia cuộc thi MOSWC quốc tế.

Hành trình ấy mang lại cho giảng viên Kim Anh nhiều kinh nghiệm trong việc ôn luyện cho sinh viên.

Mỗi khoảnh khắc đồng hành cùng sinh viên đều là những kỷ niệm đáng nhớ với giảng viên Kim Anh (Ảnh: NVCC)

Mỗi khoảnh khắc đồng hành cùng sinh viên đều là những kỷ niệm đáng nhớ với giảng viên Kim Anh (Ảnh: NVCC)

Giảng viên Kim Anh chia sẻ: “Áp lực của cuộc thi khá lớn bởi có hơn 1.000 thí sinh trên cả nước tham gia, có những năm có gần 2.000 thí sinh tham gia nên để đạt được giải Nhất quốc gia là rất khó.

Trước mỗi kỳ thi, tôi không đặt nặng áp lực phải đạt giải cao nhất mà chú trọng tạo động lực ôn tập, giữ “lửa” cho các thí sinh.

Khi làm một công việc nào đó, bản thân tôi luôn làm đến nơi đến chốn, sắp xếp kế hoạch cụ thể. Cố gắng hướng sinh viên đạt được thành tích tốt nhất với khả năng của mình.

Giải thi năm nay, cô và trò gặp rất nhiều khó khăn. Dù cuộc thi đã phát động từ rất sớm (tháng 1 năm 2021) nhưng vòng thi quốc gia liên tục bị hoãn do dịch bệnh.

Thời gian chờ đợi kéo dài cũng như việc Ban tổ chức không thể quyết định chính thức về ngày tổ chức giải quốc gia khiến nhiều bạn trong đội tuyển nản chí.

Tôi luôn chủ động nhắc nhở các bạn: “Nếu còn đam mê, các em hãy cùng nhau học để nâng cao kỹ năng.

Chưa biết bao giờ được tổ chức nhưng mình phải kiên trì củng cố kỹ năng, duy trì nhiệt huyết của mình để luôn sẵn sàng vào guồng chuẩn bị cho kỳ thi”.

Về phạm vi ôn luyện, đặc trưng của cuộc thi này có kiến thức, kĩ năng rất rộng nên không ai lường trước được câu hỏi.

Theo đó, tôi lựa chọn ôn luyện theo các chủ đề cho sinh viên. Với kinh nghiệm từ kỳ thi trước, tôi hoạch định sinh viên cần phải học gì, củng cố kiến thức cơ bản và lựa chọn nội dung nâng cao phù hợp”.

Giảng viên Kim Anh nhấn mạnh với sinh viên: "Để thành công dù trong bất kỳ cuộc thi nào bạn cũng cần thật sự bản lĩnh và có kiến thức sâu, rộng về môn thi mà bạn theo đuổi".

Chia sẻ thêm về những kỷ niệm khi tham gia bồi dưỡng đội tuyển, giảng viên Kim Anh chia sẻ: “Kỷ niệm thì mình có rất nhiều nhưng để chia sẻ thì mình muốn nhắc tới năm thứ 2 tham gia Cuộc thi và cũng là lần đầu mình tham gia ôn luyện nội dung Microsoft Excel.

Năm đó, đội tuyển của nhà trường đạt 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Còn nhớ lúc kết thúc bài thi, tâm trạng của cô và trò đều không tốt.

Quá trình thi, do vướng mắc bởi một kỹ năng mà các bạn đã lãng phí rất nhiều thời gian làm bài.

Việc này dẫn đến sinh viên không có tâm lý tốt để làm các câu còn lại trong khi đó cách làm của câu hỏi đó thì lại quá đơn giản.

Sau buổi thi, năm cô trò cùng đi tham quan Viện Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội trong lúc chờ các thành viên khác của đoàn tham gia các nội dung khác.

Còn nhớ lúc ấy cô và trò ngồi chờ đoàn trong công viên đối diện Viện Bảo tàng ngẩn ngơ xem mọi người tập thể dục, các gia đình cho con cái đi chơi cuối tuần với cảm giác chán nản và thật sự nuối tiếc. Nuối tiếc không hẳn vì cho rằng mình sẽ không có giải mà nuối tiếc vì không hoàn thành bài thi trọn vẹn.

Đến khi công bố kết quả, đội của mình có giải thưởng thì sự nuối tiếc ấy mới như vỡ òa bởi nó được thay thế bằng một niềm vui, một bất ngờ quá lớn với mình cũng như các em trong đội tuyển.

Cho tới bây giờ mỗi khi họp mặt đội tuyển, cô và trò đều nhắc lại kỷ niệm này một phần vì khoảnh khắc đạt giải quá xúc động, đáng nhớ còn một phần để rút kinh nghiệm cho các đội tuyển lứa sau”.

PHẠM LINH