Giữa những bon chen, xô bồ trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, đôi khi chúng ta cứ mải miết đi tìm hạnh phúc mà quên mất rằng, hạnh phúc vốn dĩ luôn hiện hữu trong mỗi khoảnh khắc đời thường, khi chúng ta biết yêu thương, không ngại nắm lấy một bàn tay đang cần được giúp đỡ. Bởi lẽ, hạnh phúc sẽ được nhân lên khi ta biết sẻ chia, biết sống vì mọi người.
Được nghe câu chuyện về hành trình thiện nguyện của cô Trần Thị Nhung - giáo viên tiếng Anh kiêm Tổng phụ trách đội Trường Trung học cơ sở Giáp Bát (Hoàng Mai - Hà Nội), tôi lắng lại trong dòng cảm xúc, có thêm những cảm nhận sâu sắc về tình người trong cuộc sống.
Cô Trần Thị Nhung - giáo viên tiếng Anh kiêm Tổng phụ trách đội Trường Trung học cơ sở Giáp Bát (Hoàng Mai - Hà Nội), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Từ trái tim đến trái tim. (Ảnh: NVCC) |
Tám năm miệt mài với công tác thiện nguyện, với cô Nhung, đó là hành trình “gieo mầm” hạnh phúc và cũng là hành trình “gặt hái” hạnh phúc.
Lan tỏa những yêu thương
“Biết bao năm đồng hành cùng bệnh nhi ung thư, có em đã ra đi mãi mãi nhưng những câu chuyện về các con sẽ mãi là ký ức yêu thương trong tôi.
Vẫn còn đó những thước phim mà tôi lưu giữ, từng nụ cười sáng trong, ánh mắt lấp lánh hồn nhiên, ngay cả khi các con đang phải sống chung với đường truyền hóa chất, dù cuộc sống đôi khi chỉ còn tính bằng ngày.
Và cứ thế, tôi gắn bó cùng các con, mong ước mang đến thật nhiều nụ cười cho những đóa hướng dương nhỏ bé ngày đêm kiên cường chiến đấu với bệnh tật” - Những tâm tư chia sẻ của cô Trần Thị Nhung như dòng chảy của hoài niệm đong đầy tình thương. Suốt 8 năm qua, cô giáo ấy vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện, từ Hà Nội đến vùng Tây Bắc, từ thị thành lên núi cao.
Năm 2013, trong một lần cùng người bạn đến phát cháo từ thiện ở Bệnh viện K cơ sở 2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), hình ảnh những bệnh nhân ung thư đang cố gắng giành giật sự sống nơi giường bệnh đã chạm đến trái tim cô. Đặc biệt, chứng kiến nhiều em nhỏ, phải trải qua những đợt truyền hóa chất liên tiếp, không ăn được dù chỉ là một chút cơm, chút cháo, cô Nhung và người bạn của mình đã vét sạch tiền túi mua được 100 hộp sữa gửi tặng cho các con. Thế nhưng, số sữa ấy không đủ cho tất cả bệnh nhân đang điều trị ở viện, cô quyết tâm mình phải làm được nhiều hơn thế.
Và rồi Câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” ra đời, kết nối những tấm lòng hảo tâm để chia sẻ 200 hộp sữa mỗi tuần cho bệnh nhân ung thư. Vượt qua những khó khăn ban đầu, chương trình ngày càng lan tỏa, đến nay, cô Nhung đã kêu gọi được từ 1.200 đến 1.400 hộp sữa mỗi tuần để Câu lạc bộ dành tặng bệnh nhân ở Bệnh viện K cơ sở 2 và cơ sở 3.
Cô Nhung dành những tình cảm yêu thương đến với bệnh nhi ung thư. (Ảnh: NVCC) |
Những năm qua, ngoài chương trình tặng sữa, các thành viên trong Câu lạc bộ còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho bệnh nhi ung thư.
Cô Nhung nhớ lại: “Tôi còn nhớ lần đầu tổ chức sinh nhật cho một bạn nhỏ, các con cùng bên nhau thổi nến. Trong giây phút hát bài ca chúc mừng sinh nhật, nhiều em đã bật khóc.
Hầu hết hoàn cảnh gia đình các con đều khó khăn, có bé chưa bao giờ được cắt bánh kem, cũng chưa một lần được sống trong không khí ấm áp này. Thương lắm! Chúng tôi bên nhau, ôm các con vào lòng, không ai ngăn được dòng nước mắt.
Cũng từ đó, câu lạc bộ bắt đầu tổ chức sinh nhật hàng tháng cho các con. Có lúc, chúng tôi về nhà các con, làm những phóng sự nhỏ như món quà động viên tinh thần để các con mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn.
Những hộp sữa, chiếc bánh,... không đơn thuần mang giá trị vật chất, quan trọng hơn, chúng tôi có thể mang đến cho các con niềm vui, giúp các con quên đi nỗi đau bệnh tật, để các con cảm nhận được tình yêu thương. Chúng tôi cũng muốn tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những người làm cha làm mẹ, để họ không còn cảm thấy đơn độc trên hành trình vốn đã có quá nhiều khó khăn này”.
Đối với các bạn nhỏ nơi đây, ước mơ rất đỗi giản dị, đời thường, đôi khi các con chỉ muốn được đến trường, được vui chơi, hay nhận một cái ôm thật ấm áp, những thành viên của Câu lạc bộ “Từ trái tim đến trái tim” đã đến với các con bắt đầu từ những quan tâm, yêu thương bình dị như thế.
“Không thương sao được khi có những em bé mới tập đi, ánh mắt hồn nhiên trong sáng, các con còn chưa ý thức được về căn bệnh mình mang trong người.
Cho đến những bệnh nhân lớn tuổi, mỗi hộp sữa mình gửi tặng còn là sự sẻ chia, như cách ta ký gửi ‘một tấm lòng’ yêu thương đến với những phận đời không may trong cuộc sống”, cô Nhung tâm sự.
Không dừng lại ở chương trình trao tặng sữa, cô Trần Thị Nhung cùng câu lạc bộ tiếp tục lan tỏa những việc làm tử tế. Cô tổ chức thêm các chương trình Trung thu cho em, Tết cho người nghèo... ở các bệnh viện lớn, các trung tâm chăm sóc trẻ em, khu làng chài... Từ năm 2015, cô kêu gọi mọi người tặng gạo cho bệnh nhân ở xóm chạy thận.
Từ năm 2015, cô Nhung kêu gọi mọi người tặng gạo cho bệnh nhân ở xóm chạy thận. (Ảnh: NVCC) |
Từ năm 2018, cô tiếp tục hành trình thiện nguyện đến với những điểm trường xa xôi ở vùng Tây Bắc, chứng kiến những lớp học nhà tranh vách đất, cô và các thành viên câu lạc bộ đã kêu gọi xây dựng được 6 điểm trường ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Bệnh viện K Tân Triều, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cô Nhung cũng đã kêu gọi ủng hộ được gần 400 triệu đồng mua các trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết ủng hộ các bác sĩ nơi tuyến đầu.
Đặc biệt khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh, cô tiếp tục kêu gọi được hơn 460 triệu đồng gửi tặng các bác sĩ Học viện Quân y, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương để chi viện các tỉnh Miền Nam và hỗ trợ các bệnh nhân nghèo cũng như trẻ em khuyết tật.
Nhận được sự tin tưởng của mọi người và các nhà hảo tâm, đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn là trách nhiệm lớn lao để cô giáo Trần Thị Nhung tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương của mình.
Tiên phong tình nguyện thử nghiệm vaccine Nano Covax
Sao con cứ làm những việc ‘lạ đời’ thế! - đó là lời “trách móc” của người mẹ khi biết con gái (cô Trần Thị Nhung) đã tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax.
Vì sợ gia đình lo lắng, cô Nhung chỉ thông báo với bố mẹ khi mình đã trải qua 2 mũi tiêm an toàn.
Cô Nhung kể lại: “Quyết định tham gia thử nghiệm vaccine nhưng tôi không muốn bố mẹ, người thân phải lo lắng.
Riêng bản thân luôn theo dõi hành trình nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 trên thế giới, ngay khi có thông tin Việt Nam tuyển tình nguyện viên thử nghiệm vaccine, tôi đăng ký mà không chút đắn đo nào.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng ta chỉ có thể chung sống an toàn khi có đủ vaccine. Tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax, tôi mong muốn góp chút công sức cho cộng đồng, cho nền y học Việt Nam và hướng tới mục tiêu đất nước mình có thể tự chủ vaccine, bảo vệ sức khỏe cho toàn dân.
Không hẳn là không chút lo lắng nào, nhưng chẳng phải chúng ta vẫn thường nói: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ dành phần ai. Nếu ai cũng lo sợ, vậy còn ai dám đứng ra thử nghiệm để đến ngày sản xuất thành công vaccine Việt Nam”.
Cô Trần Thị Nhung (áo đoàn thanh niên) cùng các tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 2. (Ảnh: NVCC) |
Thời điểm đó, Học viện Quân Y tuyển 60 tình nguyện viên thì có 200 người đăng ký, trong đó đa số là các em sinh viên trẻ tuổi, nhiệt huyết. Cô Nhung trở thành một trong ba tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 1 và sau đó đã trở thành người kết nối thêm 500 tình nguyện viên tham gia ở các giai đoạn tiếp theo.
Với tinh thần sẵn sàng cống hiến, vì mục tiêu sức khỏe của hàng triệu người dân, tất cả trở thành động lực để cô giáo Trần Thị Nhung trao trọn niềm tin cho Vaccine Việt Nam!
Câu chuyện thử nghiệm vaccine lại gợi nhớ trong cô về khoảng thời gian cách đây sáu năm, khi cô cũng giấu bố mẹ, gia đình để đăng ký hiến mô, tạng.
Thời điểm đó - năm 2015, việc hiến mô, tạng vẫn là câu chuyện chưa được mọi người đón nhận một cách cởi mở như bây giờ. Biết đến Trung tâm đăng ký hiến tạng trong Bệnh viện Việt Đức, cô Nhung đã xin đăng ký, thực hiện nghĩa cử cao đẹp, nhân văn!
“Nếu hiến tạng thì phải nhận được sự đồng ý của người thân. Vì vậy, sau khi đăng ký xong, tôi băn khoăn phải làm sao để bố mẹ, gia đình hiểu và đón nhận câu chuyện này.
Sau hơn 2 năm đăng ký, có một phóng sự truyền hình nói về ý nghĩa của việc tham gia hiến tạng, tôi có xuất hiện trong đoạn phim ngắn đó. Tôi đã cho bố mẹ xem phóng sự, thật may qua nội dung câu chuyện, bố mẹ đã hiểu hơn về quyết định của tôi và bằng lòng, chấp thuận.
Đăng ký hiến mô, tạng là một việc làm vô cùng ý nghĩa, bởi đó là khi chúng ta tiếp tục gieo ‘mầm sống’ cho đời, khi đôi mắt ta tiếp tục được ngắm nhìn bầu trời xanh, trái tim ta tiếp tục những nhịp đập yêu thương trong lồng ngực của một người khác. Tôi nghĩ chính điều này mới là niềm hạnh phúc, là giá trị đích thực của cuộc sống. Từ đó đến nay, tôi cũng đã kết nối thêm 100 người tham gia đăng ký hiến mô tạng”.
Là một giáo viên Tiếng Anh, kiêm phụ trách công tác đội trong trường, dẫu công việc bận rộn, cô Trần Thị Nhung vẫn dành thời gian, tràn đầy nhiệt huyết với công tác thiện nguyện.
Với cô Nhung, nghề giáo vô cùng thiêng liêng, trân quý, gắn bó với bục giảng, với học trò 20 năm qua, hạnh phúc với cô chính là mang yêu thương, những điều tốt đẹp nhất đến với các em học sinh.
Những năm qua, nhiều học sinh và các bậc phụ huynh cũng tham gia, đồng hành với cô trong một số hoạt động thiện nguyện. Hạnh phúc được nhân lên khi những việc cô đã làm được mọi người đón nhận, tin yêu!
Với cô Trần Thị Nhung, hạnh phúc chính là sẻ chia yêu thương, mang niềm vui đến cho mọi người. (Ảnh: NVCC) |
Trong mỗi bài giảng của mình, cô luôn lồng ghép những bài học về đạo đức, giáo dục các em điều hay lẽ phải. Trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần, cô thường kể cho học sinh nghe những bài học cuộc sống, bài học về lòng yêu thương và dạy cho các em cách trở thành Người tử tế trước khi trở thành Người thành đạt.
"Như những ca từ trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: ‘Sống trong đời sống cần có một tấm lòng’. Có lẽ, trong cuộc đời này, duy nhất chỉ có tình yêu thương, chúng ta có thể ‘làm giàu’ bằng cách cho đi và cho đi thật nhiều, chính tôi cũng đang từng ngày tìm cách ‘làm giàu’ cho trái tim", cô Nhung tâm sự.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục cũng như những hoạt động vì cộng đồng, cô Trần Thị Nhung đã đạt được nhiều thành tích, nhiều giải thưởng cao quý.
Về hoạt động giảng dạy, cô Nhung từng đạt Giải Nhất cấp quận và Giải Nhất cấp thành phố giáo viên dạy giỏi môn tiếng Anh, Giải Đặc biệt cấp quận và Giải Ba cấp thành phố về Thiết kế bài giảng E-learning.
Về công tác đội, nhiều năm cô được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, danh hiệu phụ trách giỏi cấp thành phố, Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ.
Năm 2012 cô Nhung được tặng danh hiệu Đảng viên trẻ tiêu biểu của Thủ đô Hà nội. Năm 2016 cô được nhận Danh hiệu Phụ nữ xuất sắc giai đoạn 2011-2015; danh hiệu Người tốt - Việc tốt cấp thành phố và là một trong mười người nhận danh hiệu thanh niên tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2016.