Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp”

19/11/2021 10:51
Thep Baoxaydung.com.vn
GDVN- Sáng 19/11/2021, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức buổi Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp”.

Nhằm góp phần đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước, được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, sáng 19/11/2021, tại trụ sở Bộ Xây dựng, diễn ra buổi Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Xây Dựng.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Xây Dựng.

Tham dự Tọa đàm, về phía Bộ Xây dựng có: Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường; bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia; ông Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng; ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; ông Vũ Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc; ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn xây dựng Việt Nam cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Xây dựng.

Về phía Báo Xây dựng có: Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng; Tiến sĩ Phạm Gia Yên – Cố vấn Báo Xây dựng cùng các Phó Tổng biên tập.

Ngoài ra còn có đại diện các Sở Xây dựng, doanh nghiệp và đại biểu từ 10 điểm cầu trên cả nước như: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng... và một số khu công nghiệp trên cả nước được kết nối trực tuyến.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm. Ảnh: Báo Xây Dựng.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm. Ảnh: Báo Xây Dựng.

Lĩnh vực công nghiệp hiện đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp của nước ta chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.

Hiện nay, Việt Nam có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước.

Là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho công nhân.

Vấn đề đặt ra là, người lao động tại các khu công nghiệp cần được đảm bảo về phúc lợi xã hội, cần được chăm lo đời sống tinh thần, có việc làm bền vững để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Ngược lại, doanh nghiệp cần người lao động phải làm việc với thái độ tích cực, năng suất lao động hiệu quả, thực hiện tốt kỷ luật, nội quy lao động, gắn bó lâu dài thì doanh nghiệp mới ổn định sản xuất và kinh doanh có lãi. Đây là mối quan hệ có tính gắn bó mật thiết, hai chiều và tác động qua lại.

Trong gần 2 năm qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại, gây tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hiện nay, ở các các khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo…

Bên cạnh đó, có khu công nghiệp đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng không đạt tỷ lệ lấp đầy, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và hết sức băn khoăn.

Tại sao lại có sự “lệch pha” như vậy? Và thực tiễn đang đặt ra những “bài toán” cần giải quyết, tránh trường hợp, nhà xây xong không có người thuê, trong khi người lao động vẫn không có chốn an cư để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Làm thế nào để vận hành khai thác quỹ nhà ở công nhân sau đầu tư đạt hiệu quả cao nhất, góp phần ổn định đời sống công nhân và an ninh chính trị tại địa phương?

Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp.

Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách để thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định pháp luật với thực tiễn để thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này.

Chính vì vậy, Toạ đàm trực tuyến với chủ để “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” sẽ cùng đặt ra những vấn đề cần khắc phục để góp phần đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Báo Xây Dựng.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Báo Xây Dựng.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Được sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng tổ chức Tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Phát triển nhà ở công nhân - Thực trạng và giải pháp” nhằm tổng kết các vấn đề thiếu trong hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân; đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chúng ta sẽ làm rõ một số vấn đề như, thực trạng thủ tục đầu tư nhà ở công nhân có phiền hà, phức tạp, vướng mắc không? Nếu có thì vướng mắc gì và chúng ta sẽ đi tìm giải pháp tháo gỡ.

Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân là yếu tố quan trọng để mang lại hiệu quả sản xuất, đem đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Hơn thế, môi trường kinh doanh khép kín sẽ đảm bảo duy trì cho việc sản xuất trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần 4 vừa qua, đã phát lộ đầy đủ hơn vấn đề bức xúc của công nhân lao động – đó là nhà ở.

Mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội.

Nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, thực tế thực hiện còn nhiều vướng mắc, còn độ vênh giữa quy định và thực tiễn.

Ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh: Tôi hy vọng buổi Tọa đàm hôm nay sẽ tập trung được nhiều ý kiến, kiến nghị chất lượng nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách đến trình tự đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Những kiến nghị của các sở ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp… sẽ được Báo Xây dựng tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Tiến sĩ Phạm Gia Yên – Cố vấn Báo Xây dựng. Ảnh: Báo Xây dựng.

Tiến sĩ Phạm Gia Yên – Cố vấn Báo Xây dựng. Ảnh: Báo Xây dựng.

Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Gia Yên – Cố vấn Báo Xây dựng chia sẻ: Những năm qua, giá thành nhân công tại Việt Nam khá rẻ, nên việc khuyến khích và chăm lo đời sống công nhân tại các khu công nghiệp chưa được tốt.

Sau khi Luật Nhà ở ra đời, chúng tôi có chuyến thăm đến các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai thì thấy đời sống của công nhân tại đây còn khá khó khăn.

Trong khi đó, quy hoạch khu công nghiệp lại không có quy hoạch nhà ở công nhân, vì vậy người lao động phải tự đi thuê nhà, cuộc sống sinh hoạt ăn ở rất bấp bênh.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã có một cách nhìn khác về vấn đề này. Hàng trăm nghìn công nhân, người lao động rời bỏ các khu công nghiệp về quê, dẫn đến các khu công nghiệp thiếu lao động, tăng trưởng kinh tế hạn chế.

Do đó, chủ đề Tọa đàm ngày hôm nay là đúng và trúng những vấn đề mà Đảng, Quốc hội quan tâm.

Vì vậy, mong muốn các tham luận sẽ tập trung vào một số nội dung chính. Đó là về những người trực tiếp lao động, trực tiếp tạo ra các sản phẩm và đội ngũ quản lý cấp Sở cần có trách nhiệm trả lời trước nhân dân, trước doanh nghiệp.

Qua đó, các cơ quan Bộ Xây dựng, các Cục, Vụ, Viện tổng hợp kiến nghị thành các chính sách, tham khảo, để báo cáo Bộ trưởng, các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: Báo Xây dựng.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: Báo Xây dựng.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Ngày 24/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê.

Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó nêu rõ quan điểm, định hướng giải quyết nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp theo hướng Nhà nước chủ động tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho thuê; đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính-tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua đối với các hộ gia đình, cá nhân là công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Để triển khai thực hiện các mục tiêu và giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, nhiều chính sách liên quan đến khuyến khích ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân đã được Chính phủ ban hành trong đó có Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Với mục tiêu ngày càng hoàn thiện các chính sách về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, Quốc hội khoá XIII năm 2014 đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi (thay thế Luật Nhà ở 2005).

Để triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (thay thế Nghị định số 188/2013/NĐ-CP) và được điều chỉnh, bổ sung một số điều tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021.

Theo đó, ngoài các chính sách chung về nhà ở xã hội thì pháp luật về nhà ở đã có những cơ chế, chính sách riêng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động.

Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động khu công nghiệp, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020), theo đó giao Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì thực hiện; các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia phối hợp, trong đó có Bộ Xây dựng; mục tiêu từ năm 2026 trở đi, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiều Nghị quyết, Chỉ thị giao các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021; Chỉ thị số 03/CT-TT ngày 25/01/2017; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2 (đạt khoảng 56,8 % so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020); đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

Trong đó: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Trong 09 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 15 dự án với 3.858 căn, 192.900 m2. Được cấp phép đầu tư mới 6 tháng đầu năm 2021, 7 dự án với 3.341 căn, 167.050 m2.

Đối với việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, tổng hợp chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và báo cáo của các địa phương thì mục tiêu đến năm 2020 cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án với diện tích đất hơn 350 ha).

Như vậy việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Theo quy định pháp luật về nhà ở, đối với nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xã hội thì Chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được thực hiện giống như nhà ở xã hội dành cho các đối tượng theo Điều 49 Luật Nhà ở.

Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở (Ngân hàng CSXH tự huy động thêm 2.163 tỷ đồng nữa để thực hiện chính sách cho vay nhà ở xã hội theo quy định).

Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong cả giai đoạn 2020 – 2025 mới chỉ có khoảng 2.270 lượt khách hàng là người lao động được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, với dư nợ khoảng 794 tỷ đồng.

Đối với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội.

Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020 chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tuy đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở).

Thep Baoxaydung.com.vn