Ứng xử thế nào với các chuyên gia, giáo viên tự xưng trên mạng internet?

24/11/2021 06:53
Phạm Minh
GDVN- Điều đáng lo ngại là nhiều người xuất hiện trên mạng xã hội với danh xưng “thầy, cô" nhưng không kinh qua các khóa huấn luyện chuyên biệt để trở thành giáo viên.

Đó là vấn đề được Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra tại Hội thảo Giáo dục 2021: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 21/11 vừa qua.

Toàn cảnh buổi Hội thảo Giáo dục 2021: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo". (Ảnh: LC)

Toàn cảnh buổi Hội thảo Giáo dục 2021: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo". (Ảnh: LC)

Văn hóa học đường và những vấn đề đáng lo ngại

Theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, văn hóa học đường chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động, trong đó có văn hóa của Internet và văn hóa mạng. Bối cảnh chuyển đổi số cho thấy văn hóa số có những tác động rất sâu sắc đến văn hóa học đường.

Chủ thể chính của văn hóa học đường là giáo viên, học sinh, trong khi hai chủ thể này lại khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội rất phổ biến nên sự tác động lại càng trực tiếp và sâu sắc.

Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index - DCI) của Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thấp nhất thế giới. Trong khi đó, theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) năm 2017, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng tại Việt Nam tập trung ở: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37%); kỳ thị giới tính (29,3%); kỳ thị khuyết tật (21,76).

Trước những tác động của thực trạng này đến con người, nhất là trẻ em, học sinh vị thành niên, vấn đề văn hóa học đường của Việt Nam cần được quan tâm, xem xét và cải tiến.

Theo một khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 38% - 42% học sinh đầu, cuối trung học cơ sở thừa nhận từng nói xấu, đọc tin nói xấu thầy cô nhưng không phản ứng tích cực; 19,89% đến 36,99% giáo viên lo lắng và có cảm xúc tiêu cực khi bị nói xấu, trở thành tiêu điểm trên mạng xã hội...

Những con số đó cho thấy đã đến lúc chúng ta cần phải thực sự lưu tâm đến vấn đề xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới giáo dục hiện nay.

Văn hóa học đường càng phải được quan tâm hơn khi người sử dụng Internet dần trẻ hóa, có xu hướng gia tăng.

Thêm một vấn đề đáng lo ngại đối với văn hóa học đường trong bối cảnh số là sự xuất hiện của những “chuyên gia mạng”, “giáo viên mạng”.

Với các tính năng vượt trội của internet và sức thu hút của các khóa học trực tuyến cùng với việc có thể khai thác, tổ chức các khóa học trực tuyến khác nhau (cả thu phí và miễn phí), khá nhiều diễn giả, người nổi tiếng, người huấn luyện và cả giáo viên các cấp xuất hiện, trở thành giáo viên mạng.

“Từ đây, không ít hành vi, cử chỉ, cách nói năng và cả những hệ lụy nảy sinh xoay quanh cách triển khai lời giảng, cách cư xử hay ứng xử với người học.

Thực tế cho thấy để có thể nổi danh hay thu hút nhiều học sinh, vẫn có nhiều "giáo viên mạng" có khả năng, có sự đầu tư nhưng cũng không quá ít người, dù không kinh qua các khóa huấn luyện chuyên biệt để trở thành giáo viên hay các chứng chỉ nghiệp vụ có liên quan đã xưng danh thầy cô..

Gần 40% giáo viên trung học cơ sở cho rằng họ khá lo lắng bởi việc một số nhân vật, "thầy cô” mạng có sức “công phá” lớn đối với học sinh, số liệu được khảo sát từ đề tài của tôi và các cộng sự của nhóm nghiên cứu mạnh Tâm lý học giáo dục ”, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Trong khi đó, ngành Giải trí cũng sử dụng bối cảnh, hình tượng thầy cô giáo thiếu cân nhắc.

Khi xã hội phát triển, hình ảnh thầy cô giáo cũng không thể quá sức mô phạm hay mẫu mực hoàn hảo theo mong đợi lý tưởng. Thế nhưng với hoạt động giải trí, một số hình ảnh của thầy cô được quan tâm bởi một số tác giả, đạo diễn và biên kịch đã tạo nên lát cắt xám màu về hình ảnh thầy cô. Điều này làm cho học sinh có những cái nhìn có biểu hiện tiêu cực khi hình ảnh của thầy cô có biểu hiện thái quá, cường điệu.

Các diễn đàn tự phát, các diễn đàn chưa kiểm soát có liên quan đến nghề giáo cũng góp phần làm cho văn hóa học đường bị ảnh hưởng.

Các diễn đàn là cộng đồng mới được mở ra để trao đổi và chia sẻ, tương tác nhưng nhiều diễn đàn bắt đầu nói xấu về nghề, về đồng nghiệp, học sinh, tạo ra những cái nhìn tiêu cực dễ dẫn đến cái nhìn méo mó về nghề, đánh giá chủ quan về học đường và văn hóa học đường...

Văn hóa học đường từ thực tế vốn cần đầu tư, xây dựng. Thế nhưng, không gian mạng làm cho văn hóa học đường càng đáng lo bởi những "người" tâm huyết đầu với người quyết tâm hay vô tư tác động trái chiều liệu có cân sức”, thầy Sơn đặt vấn đề.

Ngoài ra, sự hỗn tạp văn hóa nơi không gian mạng cũng có sự tác động không nhỏ đến văn hóa học đường. Môi trường mạng cũng đang làm chuyển đổi toàn bộ cách thức sinh hoạt, học tập, làm việc, giao tiếp, vui chơi, giải trí của con người. Internet thúc đẩy xu hướng tự do ngôn luận, bình đẳng thông tin và dân chủ hóa trên phạm vi toàn thế giới.

Cụ thể như hoạt động bán hàng online bất chấp để thu hút khách hàng, "thần tượng ảo"; Ứng xử thiếu điểm tựa về nhận thức, giá trị; khởi điểm của làn sóng văng tục, "bóc phốt" như một loại virus mới, không tạo ra "cúm” mới mà tạo ra kiểu lây lan mới làm những ai lo lắng về định hướng giá trị của giới trẻ đều "cảm lạnh, "nóng sốt" và thấy "đắng lạ".

Năm giải pháp cho vấn đề xây dựng văn hóa học đường

Theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, xây dựng văn hóa học đường đúng nghĩa không thể thiếu việc quản lý và xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn (giữa) và sinh viên Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ kỷ niệm trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn (giữa) và sinh viên Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ kỷ niệm trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: NVCC)

Tuy vậy, đây cũng chỉ là những quy định chung mang tính định hướng. Thực tế cho thấy với sự hỗn tạp livestream hiện nay và những biểu hiện tiêu cực nhất là các diễn tiến phức tạp của sự tương tác người – người trên mạng thì Bộ quy tắc ứng xử này cần cụ thể hóa hơn cho từng đối tượng, từng nghề khác nhau như: nghệ sĩ, người bán hàng... như những quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể để thực hiện, tuân thủ, điều chỉnh, sửa sai. Trong đó, nhất thiết xây dựng văn hóa mạng trong bối cảnh chuyển đổi số là rất quan trọng, thậm chí là điều kiện cơ bản.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nêu ra 5 giải pháp đối với việc xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số.

Thứ nhất, cần phổ biến bằng nhiều hình thức và đánh giá hiệu quả phổ biến này để đảm bảo việc tuân thủ Luật An ninh mạng (2018), Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (2021). Thường xuyên rà soát, khắc phục nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin khi dùng phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân.

Thứ hai, chú ý việc bồi dưỡng cho giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng Internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng. Dưới góc nhìn khái quát, công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ hoạt động dạy học của giáo viên, nhất là thực hiện dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách thuận lợi và hiệu quả trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, một trong

Thứ ba, hỗ trợ học sinh làm quen, khai thác và sử dụng internet một cách chủ động, cần tạo điều kiện để trẻ hiểu đúng và làm chủ internet, mạng xã hội từ đầu.

Không chỉ việc hướng dẫn các thao tác, kỹ năng mà chia sẻ về nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, quản lý tài khoản, ứng xử với người lạ hay các tình huống có nguy cơ, quản lý thời gian khi sử dụng internet, mạng xã hội, các biểu hiện văn hóa trên môi trường mạng, trách nhiệm của học sinh với an ninh mạng và ứng xử mạng văn minh... là điều không thể thực hiện chậm trễ.

Thứ tư, tăng cường chức năng giám sát của Bộ ngành có liên quan, nhất là các biện pháp quản lý hệ thống, toàn cục. Cụ thể, văn hóa không gian số là trách nhiệm không thể thiếu vai trò, tác động của các thiết chế văn hóa; các phương thức quản lý và kiểm tra giám sát song song với định hướng của các xu thế truyền thông, thông tin hiện nay.

Khi phát triển công nghệ thông tin dù ở bất kỳ quy mô nào, rất cần có sự đồng hành trách nhiệm để quản lý sự phát triển nhất là các tác động phải được kiểm soát trong phân tích và dự báo.

Thứ năm, xây dựng các chương trình hành động cụ thể gắn với các đề án hoặc đầu tư một đề án cụ thể, bài bản do Thủ tướng ra quyết định với sự tham gia và thực hiện của các Bộ ngành là vấn đề cần quan tâm.

Thực tế cho thấy sự trăn trở về văn hóa học đường trong bối cảnh số không phải chỉ là vấn đề từ góc nhìn giáo dục mà là nỗi lo của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý các ngành có liên quan như thông tin, truyền | thông; văn hóa và quản lý văn hóa; lao động xã hội và trẻ em. Đây là trách nhiệm liên ngành cần được thực thi một cách nhất quán và hệ thống.

Phạm Minh