Giáo viên vẫn phải in hồ sơ, giáo án để kiểm tra, chuyển đổi số chỉ ở trên Bộ?

26/11/2021 08:41
Lê Mai
GDVN- Thực tế, giáo viên vẫn phải khổ, phải in bản cứng hồ sơ sổ sách cho nhà trường kiểm tra, chẳng khác nào “trên thông nhưng dưới không thoáng”.

Ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng.

“Nếu thực hiện tốt đây sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học. Hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục”.[1]

Giáo viên còn phải in hồ sơ, giáo án để trường kiểm tra, chuyển đổi số chỉ ở trên Bộ?

Thông tin Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025” được giáo viên mong đợi, mong đề án sớm triển khai, đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực tế lại là chuyện khác, bài viết “Giáo viên áp lực tứ bề, khủng khiếp nhất không phải tiền lương?” đăng tải trên Vietnamnet.vn [2] đã nhận được sự chia sẻ của rất nhiều giáo viên trên cả nước.

Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày đã có hơn 4 nghìn bình luận trả lời câu hỏi này. Trong đó, số người dứt khoát trả lời “không” có lẽ chiếm phân nửa.

Ảnh minh họa, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.

Ảnh minh họa, nguồn: chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.

Áp lực lên giáo viên không phải do “Chưa sống được bằng lương”, mà vì một lý do nằm trong Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025”, đó chính là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, giáo án của giáo viên.

Khoản 4 Điều 21 Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT: Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục ghi rõ:

4. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.

Khoản 4, Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT: Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục ghi rõ:

4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, sau 1 năm đi vào thực tế của Thông tư Số: 28,32/2020/TT-BGDĐT, vẫn còn nhiều giáo viên trên cả nước vẫn đang phải sử dụng hình thức sổ in, và ghi tay những nội dung theo yêu cầu. [2]

Như vậy, cái “khó” khi triển khai chuyển đổi số giáo dục “đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu; là nhận thức, tư duy, năng lực, văn hóa số; là sự chuẩn bị của thể chế, hệ thống văn bản quản lý điều hành; là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là đột phá, vì vậy, sẽ phải từng bước khả thi hóa từng nội dung, mục tiêu đặt ra” đã được Bộ trưởng nhìn thấy [1], chuyện còn lại là chỉ đạo khắc phục.

Theo người viết, cái khó nhất trong các “khó” mà Bộ trưởng đã nêu chính là “nhận thức, tư duy, năng lực” của lãnh đạo các cơ sở giáo dục.

Hệ thống văn bản quản lý điều hành sử dụng hồ sơ điện tử đã có, cụ thể là Thông tư Số: 28,32/2020/TT-BGDĐT; “trang thiết bị; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu” hoàn toàn đã có, phần lớn các cơ sở giáo dục đang dùng VnEdu, trong VnEdu đều tích hợp, có thể sử dụng hồ sơ, giáo án… điện tử.

Nếu không dùng VnEdu, cũng không khó có các tiện ích miễn phí khác từ Google như email để có thể sử dụng quản lý hồ sơ, giáo án điện tử.

Thế nhưng, thực tế giáo viên vẫn phải khổ, phải in bản cứng hồ sơ sổ sách cho nhà trường kiểm tra, chẳng khác nào “trên thông nhưng dưới không thoáng”, “trên rải thảm nhưng dưới vẫn rải chông”, hàng năm cứ lãng phí hàng trăm tỷ đồng vì lãnh đạo không chịu… chuyển đổi số.

Từ thực tế, người viết tha thiết lãnh đạo Bộ có chỉ đạo, đốc thúc các địa thực hiện quản lý hồ sơ, giáo án điện tử theo Thông tư Số: 28,32/2020/TT-BGDĐT; nếu mà các cơ sở giáo dục vẫn “kiên trung” với hồ sơ, giáo án in, thì chuyển đổi số… chỉ có ở trên Bộ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-nguyen-kim-son-chuyen-doi-so-la-dot-pha-post222623.gd

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ap-luc-tu-be-hinh-anh-nguoi-thay-dan-mo-nhat-795337.html#inner-article

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai