Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định rằng, khi thành lập 2 Đại học Quốc gia, Nhà nước chấp nhận đầu tư rất lớn với kỳ vọng trở thành "kỳ hạm" của "đoàn tàu" đại học Việt Nam để làm đầu tàu và nòng cốt cho giáo dục đại học nước nhà, dẫn dắt các đại học khác, vươn tới các chuẩn mực khu vực và thế giới.
Tuy nhiên vừa qua, nghiên cứu thông tin mà Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – Lê Quân chia sẻ tại Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/11 thì Tiến sĩ Khuyến rất ngạc nhiên.
Theo tường thuật "Sẽ thí điểm mô hình liên thông giữa đại học, giáo dục nghề và doanh nghiệp" được Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn lại từ Báo Dân trí phản ánh buổi hội thảo này, Giám đốc Lê Quân cho rằng:
Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng bàn thảo các ngành nghề, bối cảnh, xu hướng mới cùng một số vấn đề đặt ra khi đẩy mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ. Nhóm ngành này phải hướng tới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được nhu cầu của nhân lực trên thị trường quốc tế.
Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng chất lượng cao để phát triển đội ngũ và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật – công nghệ.
Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. [1]
Nội dung trên cũng được tường thuật trên website Đại học Quốc gia Hà Nội [2].
Nếu bản tin trên tường thuật trung thực ý kiến của Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thì theo đó Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ông rất ngạc nhiên với 2 lý do.
Thứ nhất, đã là đại học quốc gia thì hướng phát triển phải trở thành đại học nghiên cứu tức là tỷ lệ kết quả của sản phẩm nghiên cứu phải bằng hoặc cao hơn kết quả của hoạt động đào tạo.
Nhờ có kết quả của sản phẩm nghiên cứu cao nên quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học chứ đừng nói đến đào tạo các chương trình thấp hơn. Lúc đó mới là một là đại học quốc gia thực sự.
Kỳ thực theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến thì trên thế giới ông chưa từng thấy nước nào, chưa từng có tiền lệ về việc đại học quốc gia lại đi đào tạo các chương trình thuộc giáo dục nghề nghiệp.
Thứ hai, nhìn vào công văn trả lời của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ về những nội dung mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu ra cho thấy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích: “Bậc cao đẳng của Việt Nam hiện nay có chương trình thuộc giáo dục sau trung học, nhưng không phải giáo dục đại học” và gán cho đây là cấp độ 5.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với ISCED-2011 thì các chương trình thuộc “giáo dục sau trung học nhưng không phải là giáo dục đại học” chỉ thuộc cấp độ 4. Còn các chương trình cấp độ 5 (cao đẳng), cấp độ 6 (cử nhân), cấp độ 7 (thạc sỹ) và cấp độ 8 (tiến sỹ) mới thuộc giáo dục đại học (tertrary education).
Nguyên văn công văn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Bộ Nội vụ (ảnh tư liệu) |
Lý giải như vậy để thấy, chính Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa hệ cao đẳng của mình xuống dưới “chuẩn quốc tế” một cấp độ. Khi không thuộc về giáo dục đại học thì làm sao có thể đủ điều kiện liên thông lên bậc đại học này được.
“Giả sử nếu chấp nhận thực hiện liên thông giữa chương trình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học thì cũng không phải là nhiệm vụ của đại học quốc gia bởi Đại học Quốc gia Hà Nội theo định hướng nghiên cứu chứ không phải theo hướng ứng dụng”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://daotaocq.gdnn.gov.vn/se-thi-diem-mo-hinh-lien-thong-giua-dai-hoc-giao-duc-nghe-va-doanh-nghiep/
[2]https://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N29800/dao-tao-cac-nganh-cong-nghe---ky-thuat-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4.0-%E2%80%93-co-hoi-va-giai-phap.htm
ISCED-2011 được chia thành 9 cấp độ, cụ thể:
Cấp độ 0 cho giáo dục mầm non.
Cấp độ 1 cho tiểu học.
Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là trung học cơ sở dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề.
Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).
Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học.
Cấp độ 5 cho cao đẳng.
Cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương.
Cấp độ 7 cho thạc sĩ.
Cấp độ 8 cho tiến sĩ.
Đặc biệt, theo ISCED-2011, các cấp độ 2,3 thuộc về bậc Giáo dục trung học, các cấp độ 5,6,7 và 8 thuộc về bậc Giáo dục đại học. Không có khái niệm “Bậc Giáo dục nghề nghiệp” như ở Việt Nam.