Người được cho là PGS.TS Bùi Xuân Biên chửi bới nhà báo, học trò sẽ học được gì

02/12/2021 06:46
Hoàng Quỳnh
GDVN- Có một câu nói mà người đời đi trước đã truyền lại và chắc chắn vẫn là một bài học giá trị đến ngàn đời sau, đó là : “học ăn, học nói, học gói, học mở” .

Theo Báo Pháp luật Việt Nam, liên quan đến phản ánh trụ sở chính của trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội (địa chỉ tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) sau nhiều năm được phê duyệt vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, đi vào hoạt động… chiều ngày 26/11, tổ phóng viên của báo Pháp luật Việt Nam đã có mặt tại dự án này cùng cán bộ địa chính xã Tiền Phong.

Tại đây, theo clip đăng tải trên báo Pháp luật Việt Nam cho thấy phóng viên đã gặp một người đàn ông được cho là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Bùi Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội đứng ở đó và dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để lăng mạ, chửi bới một số người.

Không chỉ vậy, người đàn ông này còn dọa đánh người trước sự chứng kiến của cán bộ địa chính xã.

Người này còn tự xưng là Tổng biên tập Tạp chí khoa học Tài chính – Ngân hàng, tuy nhiên theo thông tin trên website của trường thì tổng biên tập lại là người khác.

Trước sự việc trên, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã nhận định rằng, việc một Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học đứng đầu một trường đại học lớn tại Hà Nội lại có ứng xử thiếu đạo đức, văn hóa như vậy đã làm xấu hình ảnh của những nhà giáo. [1]

Câu chuyện đến nay chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, với những gì đã đăng tải lên phương tiện thông tin đại chúng, rõ ràng ứng xử của người đàn ông trong clip của báo Pháp luật Việt Nam là rất khó chấp nhận.

Người đàn ông được cho là Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội có lời nói, cử chỉ không giống với tác phong nghề giáo. (Ảnh: Pháp Luật Việt Nam)

Người đàn ông được cho là Phó giáo sư - Tiến sĩ khoa học Bùi Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội có lời nói, cử chỉ không giống với tác phong nghề giáo. (Ảnh: Pháp Luật Việt Nam)

Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp liên hệ với Phó Giáo sư- Tiến sĩ Khoa học Bùi Xuân Biên – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội theo thông tin từ website của nhà trường.

Tuy nhiên, phóng viên không nhận được phản hồi. Nếu người đàn ông trong clip đăng tải là một Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, là chủ tịch Hội đồng Quản trị của một trường Đại học thì thật đáng quan ngại về văn hóa ứng xử.

Khi nói tới “văn hóa ứng xử”, chúng ta có thể hiểu nôm na, đó là những cái hay, cái đẹp được tích lũy thành giá trị, thành chuẩn mực trong ứng xử, trong giao tiếp.

Có nhiều khía cạnh ứng xử: giữa thầy cô và học sinh sinh viên, giữa học sinh sinh viên với nhau cũng như giữa thầy cô và phụ huynh.

Có một câu nói mà người đời đi trước đã truyền lại và chắc chắn vẫn là một bài học giá trị đến ngàn đời sau, đó là : “học ăn, học nói, học gói, học mở” .

Nhưng thật tiếc khi có nhiều người nghĩ rằng giao tiếp là một chuyện đương nhiên mà không cần học hành chúng ta vẫn có thể làm tốt.

Và với những suy nghĩ như vậy đã dẫn đến những tình huống mâu thuẫn, xung đột không đáng có, mình nói rất nhiều nhưng người khác không hiểu ý, những điều mình nghĩ trong lòng và những điều nói ra miệng không trùng khớp với nhau…

Nếu những gì được ghi lại trong đoạn video đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam là đúng, thì quả thật tiếc cho hình ảnh của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Biên bị hoen ố bằng những ngôn từ thiếu chuẩn mực khi giao tiếp với phóng viên.

Bên cạnh việc làm hoen ố hình ảnh nhà giáo, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Liên đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) còn nhận định người đàn ông trong clip đăng tải trên báo Pháp luật Việt Nam còn có biểu hiện vi phạm pháp luật khi có biểu hiện cản trở hoạt động báo chí và vi phạm đạo đức nhà giáo. [2]

Hình ảnh người thầy từ xưa luôn là chuẩn mực của cái hay, cái đẹp, cái mực thước, nghiêm túc, của sự kính trọng và lòng biết ơn trong mỗi phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Từ cách đi, đứng, nói năng, ăn mặc, ứng xử với những người xung quanh…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ”. Cho nên, dù trong bất kỳ tình huống nào người thầy phải rèn luyện sao cho xứng đáng với cái cao quý của nghề, luôn rèn đức, luyện tài, luôn ý thức mình phải chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói, trang phục, cử chỉ, xứng đáng là tấm gương sáng không chỉ cho học sinh noi theo mà còn xã hội nhìn vào.

Và khi một người thầy, người đứng đầu một trường đại học lại có hành vi thiếu chuẩn mực như vậy thật nghiêm trọng. Thiết nghĩ phải có cơ quan chức năng vào cuộc để có câu trả lời cho dư luận. Nếu không, sinh viên, xã hội sẽ nghĩ gì về hình ảnh người thầy?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baophapluat.vn/media/soc-voi-cach-ung-xu-cua-pgs-tskh-bui-xuan-bien-chu-tich-hdqt-truong-dai-hoc-tai-chinh-ngan-hang-ha-noi-post7132.html

[2] https://baophapluat.vn/media/vu-viec-chui-boi-phong-vien-tai-truong-dai-hoc-tai-chinh-ngan-hang-ha-noi-ong-bui-xuan-bien-co-can-tro-bao-chi-tac-nghiep-post7159.html

Hoàng Quỳnh