Ngày 23/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 5392/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Ảnh chụp màn hình. |
Công văn cho biết, ngày 18/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó quy định: mỗi chuyên ngành có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (khoản 4 Điều 1).
Theo đó, kể từ ngày Nghị định 89 có hiệu lực (ngày 10/12/2021), khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên mầm non, phổ thông chỉ yêu cầu mỗi giáo viên có 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Hiện nay, Bộ Giáo dục đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.
Đồng thời, xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành.
Vì vậy, trong thời gian này, Bộ Giáo dục đề nghị các Sở Giáo dục triển khai thực hiện một số nội dung sau.
1. Cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
2. Tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục.
Bộ Giáo dục chỉ đạo bồi dưỡng chức danh theo kiểu nước đôi
Theo cá nhân người viết, Công văn số 5392 cho thấy Bộ Giáo dục vẫn đang loay hoay với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, dẫu biết rằng Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định viên chức phải có chứng chỉ chức danh theo quy định.
Việc Bộ Giáo dục "đề nghị" các Sở Giáo dục “cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” giống như kiểu chỉ đạo nước đôi – nghĩa là cơ sở đào tạo có thể tạm dừng hay duy trì các lớp bồi dưỡng chức danh đều được, còn giáo viên thì rối bời không biết đâu mà lần.
Lẽ ra, Bộ Giáo dục nên ban hành văn bản chỉ đạo ngành giáo dục trên cả nước tạm dừng mở các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhằm tạo sự thống nhất, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mới hợp lí. Bởi, Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2021) không liệt kê các chứng chỉ chương trình bồi dưỡng viên chức.
Bên cạnh đó, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 17 Nghị định 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định 89.
Ngoài ra, ngày 30/11/2021, trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Bộ Giáo dục sẽ cắt giảm các chứng chỉ. Cụ thể, mỗi một chức danh nghề nghiệp sẽ có một chứng chỉ duy nhất. Thiết nghĩ, đợi đến lúc Bộ Giáo dục chỉnh sửa xong chùm Thông tư 01, 02, 03, 04, lúc đó giáo viên đi học chứng chỉ chức danh cũng chưa muộn.
Triển khai bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mỗi nơi làm một kiểu
Công văn số 5392 đề nghị các Sở Giáo dục “tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục”, theo tôi chỉ đạo này còn mơ hồ, không biết phải “điều chỉnh” thế nào cho “phù hợp”.
Hiện tại, nhiều địa phương khi khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp thì không thực hiện theo Công văn số 1077/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 18/10/2021 của Cục Nhà giáo hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì trái với chính quy định của 4 thông tư này.
Minh chứng là, Công văn 5554/UBND-NV ngày 30/8/2021 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở yêu cầu:
Việc bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và đảm bảo đạt các tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.
Hay bài báo “Tranh cãi chuyển xếp lương giáo viên cùng hạng, mỗi nơi làm một kiểu” ngày 1/12/2021 đăng trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh: tại Bình Thuận, nếu giáo viên hạng II cũ đủ điều kiện chuyển qua hạng II mới mà đang ở mức lương từ 2.67; 3.0; 3.33; 3.67 đều được đề nghị xếp sang hệ số lương bậc I là 4.0 của hạng II mới.
Thế nhưng, có trường học tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) chỉ xét cho những giáo viên có mức lương đã đạt 3.99 (tính đến ngày 1/4/2021). Có giáo viên ngày 1/5/2021 đạt mức lương 3.99 cũng không được xét. Kế toán bảo đọc công văn ai đang hệ số 3.99 mà tăng trước 1/4/2021 thì được, ai sau thì không xét đợt này mà đợi đợt khác.
Qua bài viết này, tôi mong Bộ Giáo dục cần sớm ra dự thảo về phương án chỉnh sửa các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT, sau đó công bố toàn văn lên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các chuyên gia và giáo viên góp ý là hợp lí nhất.
Tài liệu tham khảo:
[1] //luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-5392-bgddt-ngcbqlgd-bo-giao-duc-va-dao-tao-213362-d6.html
[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-gd-dt-noi-ve-huong-sua-thong-tu-01-02-03-04-ve-bo-nhiem-xep-hang-giao-vien-796836.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả