Cứ kéo dài thời gian đóng cửa trường thì tổn thất của ngành GD rất khủng khiếp

04/12/2021 06:40
Thùy Linh
GDVN-Dịch COVID đã tác động không nhỏ đến các cơ sở giáo dục đào tạo từ giáo viên, học sinh, nhân viên phục vụ và đối với tổng thể cơ sở giáo dục.

Ngày 3/12, Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến phòng, chống COVID-19 phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên họp thứ 9 với chuyên đề "Tác động của COVID-19 đối với giáo dục, đào tạo". Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì Phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì Phiên họp - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tại phiên họp, các đại biểu, nhà giáo, chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất về các chính sách trước mắt và lâu dài với ngành giáo dục, đối với nhà giáo, học sinh trong đó có thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội.

Chia sẻ về thông tin góp ý tại phiên họp, thầy Khang nêu, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn thế giới 2 năm nay. Việt Nam đã 4 lần bùng phát dịch Covid-19. Trầm trọng nhất, rộng lớn nhất và dài lâu nhất là đợt 4 từ 27/4/2021 đến nay, 7 tháng rồi mà vẫn chưa dứt! Ngành giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 ba năm học: 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022.

Giãn cách xã hội để chống Covid-19, ngành giáo dục buộc phải đưa ra chủ trương “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”! Không được học trực tiếp ở trường thì học trực tuyến ở nhà.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm tất cả những gì có thể để thích ứng với việc dạy và học trực tuyến: Tinh gọn chương trình; ban hành các văn bản chỉ đạo về kiểm tra thường xuyên và định kỳ trực tuyến; điều chỉnh linh hoạt khung thời gian năm học; thi tốt nghiệp trung học phổ thông chia làm 2 đợt…

Chính phủ hỗ trợ ngành giáo dục: trợ cấp tiền cho giáo viên, nhân viên; chương trình “Sóng và máy tính cho em”…Còn địa phương thực hiện miễn, giảm tiền học phí cho học sinh.

Dịch COVID đã tác động không nhỏ đến các cơ sở giáo dục đào tạo từ giáo viên, học sinh, nhân viên phục vụ và đối với tổng thể cơ sở giáo dục.

Theo đó, thầy Khang chỉ rõ, đối với giáo viên: Thay đổi phương pháp dạy học; soạn giáo án điện tử; thay đổi cách kiểm tra để mong đảm bảo tính khách quan, trung thực, chính xác và công bằng… So với dạy học trực tiếp thì dạy học trực tuyến vất vả hơn nhiều nhưng hiệu quả lại kém. Giáo viên ngoài công lập thu nhập giảm sút, thậm chí mất việc làm, không có thu nhập.

Đối với học sinh: Mất đi rất nhiều những cái vốn có khi học trực tiếp tại trường (giao tiếp với thầy cô, bạn bè; các hoạt động văn nghệ, thể thao, dã ngoại; các buổi ngoại khoá kỹ năng sống; tư vấn tâm lý…).

Việc học trực tuyến tại nhà phụ thuộc đường truyền (nơi có nơi không, nếu có thì không ổn định…); phụ thuộc thiết bị điện tử (nhà có nhà không, từ thiết bị chuẩn đến những thiết bị đáng vứt đi…).

Học qua thiết bị điện tử tiếp thu kém hơn trực tiếp, ít hứng thú, mỏi mắt, ức chế tâm lý… Không gian học tập có nhà thuận lợi nhưng nhiều nhà chật hẹp thì bị ảnh hưởng xung quanh rất nhiều. Học sinh nhỏ (lớp 1, 2) cần phải có sự trợ giúp của phụ huynh thì thiệt thòi rất lớn: bố mẹ phải đi làm, bố mẹ không có kĩ năng hướng dẫn con học, bố mẹ dễ nổi nóng…Bố mẹ về quê tránh dịch, con mất chỗ học ổn định. Bố mẹ mất, con không còn nơi nương tựa. Bỏ học nhiều hơn…

Tóm lại, học trực tuyến ở nhà bằng thiết bị điện tử học sinh chịu 4 tổn thất phổ biến là: chất lượng kém; thể chất giảm (do ít vận động); thị lực giảm, tật khúc xạ của mắt tăng; tổn thương sức khoẻ tâm thần (bệnh tự kỷ tăng nhiều đến mức báo động).

Đối với nhân viên phục vụ: Hầu hết là mất việc làm. Ở cơ sở ngoài công lập thì dẫn đến không có thu nhập, cuộc sống cực kỳ khó khăn.

Đối với cơ sở giáo dục: Lãng phí cơ sở vật chất; ngoài công lập phải gồng mình kiếm tiền để duy trì đội ngũ giáo viên, nhân viên; nhiều cơ sở không có tiềm năng phải giải thể (nhiều nhất ở bậc mầm non).

Đại dịch Covid-19 tác động cực kỳ xấu đến ngành giáo dục: chất lượng dạy và học giảm sút; chất lượng kiểm tra, đánh giá không thật sự khách quan, trung thực, chính xác và công bằng; giáo viên, nhân viên và học sinh bị tổn thương; cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn về tài chính và đội ngũ, thậm chí phải giải thể.

Thầy Nguyễn Xuân Khang (ảnh: Thùy Linh)

Thầy Nguyễn Xuân Khang (ảnh: Thùy Linh)

Đề xuất giải pháp lâu dài, thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, cần trợ giúp tiền cho giáo viên, nhân viên. Miễn, giảm học phí cho học sinh, “sóng và máy tính cho em”. Khoanh nợ; giảm, giãn thuế cho cơ sở giáo dục ngoài công lập… Là những giải pháp tốt, nhưng chỉ là nhất thời, “giật gấu vá vai”.

Giải pháp căn cơ nhất, hiệu quả nhất là mở cửa trường học! Giáo viên, học sinh đến trường dạy và học trực tiếp.

Muốn như vậy, Việt Nam phải thay đổi nhận thức, quan điểm và cách phòng, chống dịch.

Chính phủ đã bỏ chỉ thị 15, 16 (năm 2020), thay bằng Nghị quyết 128 (năm 2021). Từ quan điểm “zero covid” chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phân 4 vùng đến cấp xã (nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao) để có ứng xử thích hợp. Tiêm phủ vaccine từ 12 tuổi trở lên, và có thể từ 2 tuổi trở lên, để miễn dịch cộng đồng.

Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tạm thời đóng cửa trường ở vùng 3, 4; mở cửa trường ở vùng 1, 2. Áp dụng “bong bóng giáo dục”, khoanh vùng hẹp 1 lớp học, 1 tầng hoặc 1 lô nhà trong trường khi xuất hiện F0, các lớp khác vẫn đi học bình thường, không đóng cửa trường học.

Cho đến nay đã gần hết học kỳ 1 năm học 2021-2022, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến 29/11/2021 chỉ có 9 tỉnh cho mở cửa toàn bộ các trường học để học sinh đến trường học trực tiếp, 54 tỉnh đang đóng cửa trường, trong đó có hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tình trạng này nếu kéo dài hơn nữa thì tổn thất của ngành giáo dục không chỉ dừng ở mức độ nói trên mà có thể ảnh hưởng lâu dài đến một thế hệ!

Thùy Linh