Kể từ ngày, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký văn bản báo cáo Thủ tướng về rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, bao gồm cả chương trình bồi dưỡng cho giáo viên, theo đó có tới 87 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được đề xuất bỏ thì nhiều thầy cô giáo đã ngưng việc học chứng chỉ để chờ đợi.
Ngày 18/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định sửa đổi lần này có nhiều thay đổi về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức.
4 chứng chỉ chức danh, chỉ còn lại 1
Theo Nghị định 101/2017, chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, thời gian thực hiện tối thiểu là 6 tuần, tối đa là 8 tuần, gồm: 4 chương trình gắn với 4 chứng chỉ từ hạng IV đến hạng I.
a) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng IV;
b) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng III;
c) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng II;
d) Chương trình, tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp hạng I.
Ngày 2/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, ngày 12/3/2021 Bộ ra và Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD yêu cầu giáo viên hạng III, hạng II, hạng I đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Mỗi hạng, giáo viên phải có mỗi loại chứng chỉ riêng, không dùng chứng chỉ hạng cao hơn thay thế cho chứng chỉ hạng thấp hơn.
Tuy nhiên, Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã sửa đổi:
4.Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần.
Nghĩa là, chỉ còn lại 1 chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dùng chung cho cả 3 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Điều mong mỏi của nhà giáo vẫn chưa đến
Dù Nghị định 89/2021 đã giảm khá nhiều chứng chỉ cho viên chức trong đó có giáo viên (4 chứng chỉ còn 1) nhưng chung quy, giáo viên vẫn phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Theo quy định cũ, giáo viên mỗi hạng đều phải có một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khác nhau. Đã có không ít thầy cô giáo học sai chứng chỉ như ở hạng III lại học chứng chỉ hạng II, ở hạng II lại học chứng chỉ hạng I.
Dẫn đến tiền đã bỏ ra nhưng chứng chỉ thì vẫn thiếu, thế là những thầy cô giáo này đành phải móc hầu bao để học thêm một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khác.
Có thể thấy, Nghị định 89 mới sửa đổi Nghị định 101 đã có nhiều cái mới, đã giảm nhẹ được gánh nặng tiền bạc cho giáo viên khi có quá nhiều chứng chỉ. Tuy nhiên, điều nhiều thầy cô giáo mong chờ nhất sẽ được xóa bỏ hoàn toàn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp lại không xảy ra.
Mặc dù giáo viên đã học 4 năm đại học chuyên ngành sư phạm nhưng vẫn phải bỏ tiền học thêm mấy tuần để có được cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Có không ít thầy cô giáo, đã gặt hái không biết bao nhiêu thành tích cho bản thân, cho học trò, vẫn luôn là giáo viên dạy giỏi, nhà giáo có tâm nhưng đến khi gần về hưu vẫn phải đi học lấy cái chứng chỉ, chỉ có một tác dụng để bổ túc hồ sơ cho đúng, đủ quy định.
Cũng như tôi, đi dạy 27 năm, tôi không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vẫn dạy tốt. Thời gian này, do sự thúc ép của việc chuyển xếp hạng giáo viên, tôi và đồng nghiệp buộc phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vì không muốn xuống hạng.
Mặc dù học hành khá nghiêm túc, thế nhưng khi cầm được chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong tay thì nhận thức cũng như năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm của tôi cũng chẳng có gì thay đổi.
Điều thay đổi thấy rõ nhất chính là tháng ấy, mức chi tiêu của gia đình tôi bị tụt giảm nhiều vì cả 2 vợ chồng đã phải bỏ ra năm triệu đồng nộp tiền học phí.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao nội dung bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp Bộ Giáo dục lại không đưa luôn vào chương trình đào tạo của các trường sư phạm?
Hoặc ít nhất cũng để giáo viên tự học trên phần mềm như đang tự học bồi dưỡng chương trình mới hiện nay để giảm đi gánh nặng kinh tế cho các gia đình nhà giáo vốn đã có đời sống kinh tế chật vật, khó khăn.
Tất cả giáo viên sẽ phải học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới, có phải đóng tiền?
Ngày 23/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD hướng dẫn về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.
Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành, nhiều giáo viên lại bắt đầu lo lắng liệu việc thay đổi này có mất thêm khoản tiền đi học chứng chỉ mới hay không?
Hàng năm, các nhà giáo vẫn đang tự học, tự bồi dưỡng chương trình bồi dưỡng thường xuyên của chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi học xong một chương trình, giáo viên chúng tôi cũng đã được cấp một giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng.
Vậy tại sao, với chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Bộ Giáo dục lại không thể tổ chức cho giáo viên chúng tôi tự học để nhà giáo đỡ mất một khoản tiền vô ích mà Bộ Giáo dục cũng không bị mang tiếng tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục khác làm ăn.
Để giáo viên cả nước yên tâm công tác, nếu giáo viên cả nước sẽ phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới (chứng chỉ duy nhất chung cho các hạng), thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố phương án chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hướng học trực tuyến và không phải đóng góp kinh phí, vì thực sự giáo viên chúng tôi đã kiệt sức vì các loại chứng chỉ vô bổ rồi.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-101-2017-ND-CP-dao-tao-boi-duong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-319214.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.