Ngành Giáo dục càng nhiều sáng kiến kinh nghiệm vô bổ, càng tốn ngân sách vô ích

11/12/2021 06:39
HƯƠNG MAI
GDVN- Mỗi năm ngành giáo dục cho “ra lò” hàng chục ngàn sáng kiến kinh nghiệm nhưng rồi nó đi đâu, về đâu và hiệu quả ra sao thì không ai kiểm chứng được.

Sáng kiến kinh nghiệm được thực hiện hàng năm ở ngành giáo dục rất nhiều, nhiều đơn vị trường học có tới 2/3 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng đăng ký viết…Cũng chính vì vậy mà từ lâu, chuyện viết, công nhận giải và đề cao sáng kinh nghiệm trong các nhà trường đã được nói khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thực ra, bản chất của các sáng kiến kinh nghiệm không xấu, việc phát động cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành nghề có những sáng kiến, cải tiến trong quản lý, lao động cũng là một hoạt động cần thiết.

Nhưng, với cách thức thực hiện, cách chấm sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục từ nhiều năm nay đã để lại quá nhiều thị phi sau mỗi năm học.

Có nhiều thầy cô giáo làm rất nhiều việc bổ ích cho đơn vị, tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn nhưng không có sáng kiến kinh nghiệm cũng phải ngậm ngùi xét viên chức ở mức Hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ được xét danh hiệu thi đua ở mức cao nhất là Lao động tiên tiến.

Người dạy tàng tàng nhưng có một sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là được xét viên chức ở mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xét và đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên, được đề nghị tặng Bằng khen các cấp…

Vậy nên, mỗi năm ngành giáo dục cho “ra lò” hàng chục ngàn sáng kiến kinh nghiệm nhưng rồi nó đi đâu, về đâu và hiệu quả ra sao thì không ai kiểm chứng được. Chỉ thấy, nó tốn kém và bất cập vô cùng.

Sáng kiến kinh nghiệm đang được rao bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội của giáo viên (Ảnh chụp từ màn hình)

Sáng kiến kinh nghiệm đang được rao bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội của giáo viên

(Ảnh chụp từ màn hình)

Có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải mới được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở...

Thời điểm này, các trường học từ mầm non cho đến trung học phổ thông đã phát động cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường đăng ký và viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều đơn vị đã bước vào chấm sáng kiến kinh nghiệm cấp trường.

Giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở đều mong sáng kiến kinh nghiệm của mình đạt giải A để gửi về phòng giáo dục.

Nếu không đạt giải A cấp trường xem như “mất mùa” vì ai cũng biết trước là dù có phấn đấu thế nào thì cuối năm cũng khó được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và xếp loại viên chức cũng rất khó đạt được loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Theo Nghị định số 90/2020 /NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hướng dẫn những viên chức được xếp loại ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không cần thiết phải có sáng kiến kinh nghiệm nhưng với cách diễn giải câu chữ trong Nghị định thì nhiều trường học vẫn yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp ở mức cao nhất.

Tại Điều 12. Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Nghị định số 90/2020 /NĐ-CP hướng dẫn: “1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này (Điều 3 các khoản 1,2,3,4 quy định về Tư tưởng chính trị; Đạo đức lối sống; Tác phong, lề lối làm việc; Ý thức tổ chức kỷ luật).

b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

Khi Ban giám hiệu hướng dẫn các tổ chuyên môn xét viên chức thì nói rằng những giáo viên dạy tốt, nhiệt tình trong công việc thì mới chỉ là hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

Phải là những giáo viên có giải cấp huyện trở lên mới được gọi là “vượt mức” hoặc là những giáo viên đạt chất lượng giảng dạy cao hơn tỉ lệ đăng ký đầu năm mới là “vượt mức”.

Trong đó, nhấn mạnh các phong trào thi đua thì sáng kiến kinh nghiệm được đề cao nhất.

Thế là dù cho Nghị định số 90/2020 /NĐ-CP hướng dẫn việc xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không còn tiêu chí: “có ít nhất 01 đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả trong công việc” nhưng thực tế thực hiện tại các đơn vị thì không phải vậy.

Việc xét các danh hiệu thi đua thì chỉ có những giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp trường (cấp trung học phổ thông) và giải cấp huyện (cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) mới đủ tiêu chuẩn để xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Bởi lẽ, tại khoản 3, Điều 9 của Nghị định 91/2017/NĐCP đã hướng dẫn như sau:

3. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận…”.

Từ các hướng dẫn này, các địa phương sẽ có văn bản hướng dẫn xét thi đua chi tiết cho địa phương mình, trong đó, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm là một tiêu chí bắt buộc.

Như vậy, về cơ bản thì vẫn phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc có 1 thành tích cấp huyện, cấp tỉnh thì mới được xếp viên chức ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Và, khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Nhiều giáo viên phải ngậm ngùi…

Việc đề cao sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua hiện nay đang làm thui chột ý chí phấn đấu của nhiều giáo viên mà nó còn tiềm ẩn sự giả dối của một bộ phận giáo viên khi thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm.

Chính vì quy định xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm, xét đề nghị Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Bộ Giáo dục, Chính phủ…đều yêu cầu có ít nhất từ 2 sáng kiến kinh nghiệm trở lên nên có những giáo viên họ sẵn sàng “đầu tư dài hạn” để có những những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải.

Có những giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải, được xét và công nhận danh hiệu cao chưa hẳn là những giáo viên dạy giỏi, có chuyên môn tốt. Vì có nhiều người họ bỏ tiền ra mua sáng kiến kinh nghiệm đang được quảng cáo bán tràn lan trên các trang mạng xã hội rồi …vô tình đạt giải.

Hoặc, từ những mối quan hệ giữa người chấm và người thực hiện sáng kiến kinh nghiệm mà những đề tài ấy đạt giải. Vậy nên trong vô vàn sáng kiến kinh nghiệm được các cấp công nhận ở ngành giáo dục mỗi năm nhưng chẳng có mấy sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng vào thực tế giảng dạy, công tác.

Phần lớn, những sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục được công nhận giải, trao thưởng, xét thi đua cho giáo viên xong rồi nó đi đâu, về đâu không ai biết.

Trong khi, có những giáo viên làm chủ nhiệm giỏi, được học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, Ban giám hiệu tín nhiệm hay những thầy cô dạy tốt, có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhưng vì không có sáng kiến kinh nghiệm nên họ chỉ được xét danh hiệu thi đua cao nhất là Lao động tiên tiến.

Tuy nhiên, việc có được danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên thì mới được xét nâng lương trước hạn, hay vinh dự hơn là được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Bằng khen cấp Bộ hoặc cao hơn nữa…

Nếu những sáng kiến kinh nghiệm thiết thực, được ứng dụng trong quản lý, trong giảng dạy, được chấm công tâm, khách quan thì việc giáo viên đạt giải được xét viên chức ở mức cao, được xét danh hiệu cao cũng xứng đáng.

Đằng này, phần lớn sáng kiến kinh nghiệm không có giá trị thực tiễn nhưng lại tốn tiền trao giải và làm bệ phóng cho nhiều người xét thi đua…

Giáo viên đứng lớp mà không tôn vinh, đề cao hiệu quả giảng dạy, lại đi tôn vinh vài trang giấy mơ hồ, chắp vá ý tưởng, không minh chứng được hiệu quả công việc thì sáng kiến kinh nghiệm có đáng được đề cao như hiện nay hay không?

Vì thế, đã nhiều năm rồi, có những giáo viên tìm mọi cách để có sáng kiến kinh nghiệm. Có người thuê người viết, có người xin giáo viên ở địa phương khác, có người lên mạng internet tải xuống “cắt dán” thành sáng kiến kinh nghiệm của mình thì đạt giải.

Nhưng, cũng có những giáo viên viết thật, viết bằng khả năng, kinh nghiệm tích lũy của mình có khi lại rớt. Thậm chí, rớt ngay từ vòng trường!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI