Ngày 11/12, từ điểm cầu Nghệ An, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến giao ban về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông.
Trước cuộc giao ban này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra công trường 2 dự án thành phần đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để năm 2025 khánh thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Đã khắc phục cơ bản việc thiếu vật liệu đắp nền
Từ nay đến tháng 4/2022 là thời điểm thời tiết thuận lợi để các gói thầu thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía đông đẩy nhanh tiến độ thi công toàn tuyến. Hiện các ban quản lý của dự án đã lên kế hoạch tiến độ thi công trong mùa khô, tăng ca, tăng kíp tại công trường. Các nhà thầu đang tập trung nhân lực đẩy nhanh thi công đắp đất nền đường, đào cửa hầm, thi công cọc khoan nhồi, cấu kiện đúc sẵn, tập kết vật liệu, xử lý đất yếu…
Về tiến độ các dự án thành phần, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành 95,6%; đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 hoàn thành 41,16%; đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đạt 7,09%; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đạt 7%; đoạn Cam Lộ - La Sơn 70,2%; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành 17,83%; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt 24,23%; cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành 43,7%...
Vướng mắc về thiếu vật liệu đất đắp nền đã cơ bản được giải quyết. Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133 nhằm giải quyết vấn đề thiếu vật liệu cho dự án trọng điểm quốc gia. Nhiều thủ tục về cấp mỏ mới, nâng công suất mỏ cũ đã được rút gọn. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, các địa phương đã triển khai cấp phép mới và khai thác các mỏ đất, nâng thêm công suất khai thác.
Do đó, từ chỗ thiếu vật liệu đắp nền cho thi công, tới nay đã cơ bản khắc phục được, khối lượng thiếu hụt còn khoảng 15,5 triệu m3 đang được các địa phương cấp phép và nâng cao công suất khai thác, chủ yếu tập trung tại 5 dự án thành phần: Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Phan Thiết - Dầu Giây.
Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng tăng, việc điều chỉnh đơn giá trong hợp đồng là những vấn đề các nhà thầu, đơn vị thi công còn nhiều ý kiến tại cuộc họp.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc (Tư lệnh, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị tham gia gói thầu), với công nghệ và năng lực của các nhà thầu hiện nay, hoàn toàn có thể rút ngắn tiến độ được từ 3 năm xuống 2 năm, nhưng vấn đề khó khăn là vật liệu. Bên cạnh đó, đơn giá đất, cát đã tăng hơn 20 - 30% so với dự toán. Trong khi việc điều chỉnh giá trong hợp đồng còn vướng mắc, như đất không được tính điều chỉnh giá, nên nhà thầu xây dựng rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết chi phí đầu tư xây dựng, những vấn đề điều chỉnh giá vật liệu được thỏa thuận trong hợp đồng, các đơn vị ký kết cũng cần lường trước các biến động.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng đề nghị Bộ Giao thông vận tải khi đưa ra khung hợp đồng mẫu không nên "gò chặt quá", để thực tiễn triển khai có thể điều chỉnh phù hợp với biến động của thị trường. Bên cạnh đó, giá nhân công có biến động thời gian qua do dịch bệnh, nhất là khu vực phía nam nên cũng đề nghị cần điều chỉnh cho các nhà thầu.
Bên cạnh bảo đảm tiến độ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh thi công vẫn phải đảm bảo chất lượng, làm thật tốt, thật đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra hiện trường dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Địa phương cần tạo mọi thuận lợi, nhà thầu cần tích cực hơn
Nhấn mạnh dự án cao tốc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lãnh đạo các địa phương dọc tuyến đều khẳng định tinh thần tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh tiến độ dự án. Các địa phương cũng mong muốn các nhà thầu “xắn tay”, hợp tác chặt chẽ với địa phương trong tháo gỡ các vướng mắc.
“Sở, ngành chậm trễ là bị kiểm điểm trách nhiệm ngay”, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết.
“Khi hoàn thiện hồ sơ, nếu các chủ mỏ gặp bất cứ vướng mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp với tôi qua điện thoại để xử lý ngay trong ngày, không để chậm trễ”, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, qua việc họp giao ban hằng tháng, tiến độ đã tốt hơn trong thời gian gần đây. Việc đảm bảo nguồn cung vật liệu và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng việc di dời hạ tầng công trình điện, viễn thông còn khá chậm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà thầu, ban quản lý dự án rất lớn, nhiều nơi khâu kết nối với địa phương để mở mỏ mới không chặt chẽ, trong khi lãnh đạo các tỉnh rất tạo điều kiện. Vấn đề này các nhà thầu, ban quản lý dự án phải rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, vừa đảm bảo tiến độ vừa phải đề cao chất lượng, làm đúng, làm đến đâu chặt đến đó, Bộ trưởng lấy bài học kinh nghiệm trong vụ sai phạm ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để lưu ý.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vui mừng ghi nhận tiến độ các dự án đã được đẩy nhanh hơn nhiều so với 2 cuộc họp giao ban trước đây. Điều này cho thấy sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, nỗ lực của các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công thì những vướng mắc thời gian qua đã được giải quyết, đảm bảo tiến độ dự án.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao ngành giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, năm 2021 đạt 82,21%, mức cao so với bình quân của cả nước (từ 56-60%). Với tiến độ giải ngân như vậy, Thứ trưởng cho rằng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu, kế hoạch của dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng kết vướng mắc trong đầu tư công, đầu tư PPP để báo cáo Chính phủ. Bộ cũng mong muốn các bộ ngành, đơn vị quan tâm tổng kết, đánh giá để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp, tạo điều kiện hơn nữa, tránh trường hợp phải giải quyết các công việc cụ thể, sự vụ như thế này.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tiến độ thi công dự án Nghi Sơn-Diễn Châu (Nghệ An) - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Thi công 3 ca, kiểm soát tiến độ từng hạng mục, công trình
"Kết quả rất đáng mừng, giải phòng mặt bằng đạt đến 99,93%, chỉ còn 400 m chưa giải phóng mặt bằng nhưng hiện đã có hồ sơ”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mở đầu nội dung kết luận; đánh giá cao vai trò, nỗ lực, quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải là đơn vị trực tiếp chỉ đạo, các địa phương trực tiếp thực hiện giải phóng mặt bằng và các nhà thầu, ban quản lý dự án trong giai đoạn vừa qua đã nỗ lực, đạt được khối lượng, tiến độ thi công lớn.
Khối lượng xây lắp thi công đạt khá cao, giải ngân vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải đạt 82,21% là điều rất tích cực. Đặc biệt khó khăn nhất về vật liệu xây dựng, mà Chính phủ đã phải ra liên tiếp 2 Nghị quyết tháo gỡ, từ thiếu 65 triệu m3, hiện chỉ còn thiếu 15 triệu m3.
Tại một số địa phương còn thiếu vật liệu như Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận..., Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp với các nhà thầu, ban quản lý dự án chủ động, tập trung giải pháp, để đảm bảo đủ vật liệu; đến 15/1/2022 phải hoàn thành. Về di dời hạ tầng một số công trình điện, viễn thông,... chậm nhất 15/1/2022 cũng phải hoàn thành.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với các Ban Quản lý dự án để xây dựng tiến độ cụ thể các hạng mục, công trình, từ đó xác định rõ tiến độ tổng thể, kiểm soát tiến độ chi tiết từng hạng mục, công trình.
“Cuộc họp sau phải chốt lại tiến độ trong năm 2022 khánh thành được bao nhiêu km, các đồng chí phải có cam kết, phải có quyết tâm”, Phó Thủ tướng nói. Trước mắt, ngay tháng 12 này có thể khánh thành được 1 tuyến, là tuyến Cao Bồ - Mai Sơn.
Để đảm bảo tiến độ, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà thầu, ban quản lý dự án tổ chức làm 3 ca trên công trường để đẩy nhanh tiến độ, bởi ngay sau giai đoạn 1 sẽ bước vào giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam.
Khuyến khích các nhà thầu về trước tiến độ, "khi có tiến độ cụ thể rồi sẽ có thưởng có phạt cụ thể, phạt anh làm chậm, thưởng anh làm nhanh".
Động viên kịp thời với những ban quản lý dự án, nhà thầu làm tốt, tiến độ tốt; nhưng nếu không thực hiện đạt yêu cầu thì với tinh thần "làm chậm thì đứng ra ngoài cho người khác làm".
Bên cạnh tiến độ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố rất quan trọng nữa là chất lượng thi công. Các nhà thầu, đơn vị thi công phải đảm bảo hồ sơ, đảm bảo về kỹ thuật, xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm về chất lượng công trình, "muốn làm nhanh, làm mạnh thì trước hết phải làm đúng".
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với đơn vị tư vấn và các địa phương để chuẩn bị giai đoạn 2 của cao tốc phía đông sau khi Quốc hội thông qua. "Đặc biệt không để lặp lại các khó khăn, vướng mắc về vật liệu như ở giai đoạn 1", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để năm 2025 khánh thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dâng hương tưởng niệm tại khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh VGP/Đức Tuân |
*Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Trước bàn thờ Bác Hồ tại Khu Di tích Kim Liên, Phó Thủ tướng và các đại biểu thành kính bày tỏ lòng ơn vô hạn đối với Bác Hồ - lãnh tụ kính yêu của Đảng, nhân dân ta; nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.
Cũng trong dịp này, Phó Thủ tướng và đoàn đại biểu đã dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại núi Động Tranh, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn; dâng hương, dâng hoa tại đền Chung Sơn, nơi thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh.