Sinh viên với việc rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện

20/12/2021 06:38
Trần Nguyên Hào
GDVN- Thuật ngữ “tư duy phản biện” hay “tư duy biện luận” được dịch từ thuật ngữ “critical thinking” trong tiếng Anh.

Đây là một thuật ngữ rất quan thuộc trong các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới (đặc biệt là giáo dục ở bậc đại học) nhưng vẫn còn khá mới mẻ trong nền giáo dục Việt Nam.

Thế nào là tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện?

Trong tài liệu tập huấn về Kỹ năng sống của tổ chức World Vision Việt Nam, các tác giả đã đưa ra định nghĩa về tư duy phản biện như sau: “Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm”. [4, tr.17]

Có thể nói, định nghĩa trên đã nêu bật được đầy đủ và tường minh nội hàm của khái niệm “tư duy phản biện”.

Định nghĩa đã gợi mở thêm cho nhận thức của chúng ta về tư duy phản biện và sự thực hành tư duy phản biện trong thực tế đó là “tư duy có suy xét, phân tích, đánh giá, tìm hiểu thông tin và cả sự hoài nghi tích cực (nếu có) để từ đó lập luận và chứng minh lập luận bằng những thông tin đã được kiểm chứng để đưa ra một kết luận cuối cùng mang tính thuyết phục, phù hợp với thực tiễn và quy luật lôgíc nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra”. [3, tr.8]

Từ việc phân tích các định nghĩa về tư duy phản biện, qua đó làm rõ nội hàm của khái niệm tư duy phản biện và chỉ ra các đặc điểm, yêu cầu của người có tư duy phản biện, chúng tôi bước đầu đưa ra định nghĩa về kỹ năng tư duy phản biện như sau: Kỹ năng tư duy phản biện là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để xác định, phân tích, suy luận và đánh giá một vấn đề nào đó dựa trên các tiêu chuẩn trí tuệ trước khi đưa ra kết luận hay quyết định nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra.

Ảnh minh họa trên Ngheluat.edu.vn

Ảnh minh họa trên Ngheluat.edu.vn

Những tiêu chuẩn của trí tuệ với tư cách là một dấu hiệu quan trọng trong nội hàm của khái niệm kỹ năng tư duy phản biện được hiểu là: Sự rõ ràng, sự đúng đắn, sự chính xác, tính liên quan, tính lôgíc, tính có ý nghĩa, có chiều sâu, chiều rộng và sự công bằng.

Người có kỹ năng tư duy phản biện sẽ áp dụng các tiêu chuẩn trí tuệ đó khi thực hiện các thao tác của kỹ năng, bao gồm: Xác định và phân tích vấn đề, suy luận và đánh giá thông tin liên quan vấn đề, giải quyết vấn đề. [2, tr.89]

Các kỹ năng cụ thể cốt lõi của tư duy phản biện là: luôn luôn biết đặt câu hỏi nghi vấn “có đúng là vậy không”; kỹ năng quan sát; biết thu thập thông tin, bằng chứng, lý lẽ để khảo sát lại mọi vấn đề; lý giải được vấn đề; xác định được nguyên nhân, hậu quả, hệ quả của vấn đề; kiên định giá trị cá nhân.

Sinh viên cần làm gì để rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy phản biện?

Thứ nhất, sinh viên cần xác định đúng đắn mục tiêu học tập, mục tiêu nghề nghiệp của mình trong tương lai; tích cực chủ động trong quá trình học tập, rèn luyện, đặc biệt là trong tự học, tự nghiên cứu

Điều này sẽ trực tiếp góp phần quan trọng nâng cao kỹ năng tư duy độc lập, sáng tạo nói chung, tư duy phản biện nói riêng ở sinh viên.

Hiện nay, tài liệu số về tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện rất phong phú, đa dạng trên mạng internet.

Với sự hỗ trợ đắc lực của Google, sinh viên rất dễ dàng tìm kiếm được những thông tin, tri thức bổ ích, phù hợp về tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện cho mình.

Đồng thời trên mạng internet cũng có nhiều khóa học trực tuyến về tư duy phản biện cho sinh viên lựa chọn để học tập.

Điều quan trọng là sinh viên phải nhận thức được tầm quan trọng của tư duy phản biện, sự cần thiết phải trang bị kiến thức, kỹ năng về tư duy phản biện để có thể học tập, nghiên cứu khoa học tốt hơn.

Bởi tư duy phản biện là cách tư duy, giải quyết vấn đề một sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường, chinh phục được các nhà tuyển dụng sử dụng lao động chất lượng cao và có cơ hội thăng tiến, thành công trong nghề nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống.

Thứ hai, trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học cũng trong các hoạt động ngoại khóa, sinh viên phải chủ động thể hiện thói quen phản biện và thái độ phản biện tích cực thông qua việc thường xuyên áp dụng các phương pháp tư duy, các kỹ năng tư duy phản biện

Trước hết, sinh viên phải nâng cao năng lực ghi nhận thông tin đúng đắn bằng các phương pháp hiệu quả.

Thông tin là nguyên liệu của tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện, vì vậy, năng lực ghi nhận thông tin đúng, chính xác, rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tư duy tư duy phản biện.

Sinh viên cần rèn luyện thói quen “khi tiếp nhận thông tin không vội vàng ứng xử ngay lập tức (vội bác bỏ hay chấp nhận), mà phải trả lời các câu hỏi sau đây:

- Thông tin này làm cho tôi có cảm giác như thế nào?

- Thông tin này có cần cho tôi không?

- Thông tin này đến từ nguồn nào?

- Tôi sẽ ứng xử như thế nào trước thông tin này?

Các câu hỏi trên sẽ giúp sinh viên hạn chế sự can thiệp của yếu tố cảm xúc, tính cách cũng như các quan niệm cá nhân trong việc xử lý thông tin, giúp cho việc nhìn nhận vấn đề mình đang gặp phải chính xác hơn và tìm ra giải pháp đúng đắn hơn”. [5, tr.35]

Sinh viên phải thường xuyên động não, đặt câu hỏi nghi vấn tích cực, tìm kiếm thông tin, dẫn chứng, lý lẽ để lập luận, khẳng định lại vấn đề; phải đưa ra được những nhận định, đánh giá của riêng mình hoặc biến tri thức trong giáo trình, tài liệu thành tri thức của mình, thúc đẩy trí tuệ phát triển.

Trong các giờ học, sinh viên phải tích cực, chủ động hơn trong việc xây dựng bài, đưa ra các câu hỏi mang tính lôgíc để hiểu sâu rộng hơn vấn đề; hăng hái tham gia các hoạt động thảo luận, tranh luận khoa học hay thực hành kỹ năng tư duy phản biện.

Sinh viên cần nhiệt tình tham gia các phong trào Đoàn, Hội, nhất là các phong trào, các sự kiện mà trong đó có hoạt động làm việc đội nhóm, sinh viên cùng nhau tự xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình.

Qua các hoạt động, chương trình như vậy, sinh viên sẽ rèn luyện và phát triển được kỹ năng tư duy phản biện một cách tự nhiên.

Thứ ba, sinh viên cần thường xuyên rèn luyện tư duy phản biện bằng cách áp dụng các thao tác kỹ năng tư duy phản biện vào phân tích, đánh giá các vấn đề xã hội

Các vấn đề xã hội mà sinh viên cần tham gia phân tích, đánh giá là các luận đề, các nhận định được đưa ra trong đời sống xã hội nhưng đang có nhiều quan điểm trái chiều, nhiều tranh cãi hoặc chưa thực sự thuyết phục.

Sinh viên cũng cần có thói quen áp dụng các kỹ năng tư duy phản biện cụ thể vào việc xem xét các vấn đề mới, kiến thức mới mà mình được nghe, được đọc với những thái độ tích cực trong khi thực hiện tư duy phản biện.

Mặt khác, sinh viên cần tìm đọc nhiều cuốn sách về phương pháp, kỹ năng tư duy, về phát triển bản thân được viết bởi những tác giả nước ngoài với những cách tiếp cận rất mới mẻ. Việc đọc các cuốn sách này sẽ giúp sinh viên có những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới về nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và có thể áp dụng với bản thân mình, qua đó sẽ góp phần giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện cho mình.

Tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện rất cần thiết cho sinh viên để phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và giúp sinh viên tiếp cận, lĩnh hội những tri thức đúng đắn một cách chủ động hơn, vững chắc hơn.

Vì vậy, ngay từ khi bước vào giảng đường đại học, sinh viên cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng về tư duy phản biện, đồng thời phải nhận thức được sâu sắc về vai trò của tư duy phản biện và biết tự đặt mục tiêu, kế hoạch cụ thể để rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho mình trong hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học cũng như trong đời sống.

Tài liệu tham khảo:

[1] Vũ Văn An, Bùi Ngọc Quân (2017), Rèn luyện khả năng tư duy phản biện cho sinh viên trong quá trình dạy học bậc đại học, Tạp chí khoa học: Khoa học Giáo dục, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, tập 14, số 7

[2] Nguyễn Thị Giang, Phạm Xuân Quang, Dương Hồng Thắm, Thực trạng kỹ năng tư duy phản biện trong hoạt động học tập của sinh viên khóa 8, khoa giáo dục, học viện quản lý giáo dục, Juornal of Education Management, 2017, Vol, 9, No.9

[3] ThS. Định Ngọc Hạnh (2014), Một số vấn đề lý luận về tư duy phản biện trong giáo dục đào tạo, Tạp chí Khoa học Cảnh sát nhân dân, số 3, quý 1

[4] Viện Doanh trí Văn Hiến - Trường Đại học Văn Hiến, Tài liệu môn học Kỹ năng mềm Kỹ năng tư duy sáng tạo và phản biện (Tài liệu lưu hành nội bộ)

[5] Lê Thanh Thể, Thực trạng và đề xuất biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên Trường Đại học Đồng Nai theo giáo dục học Phật giáo, Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, số 6-2017

Trần Nguyên Hào