Sẽ thí điểm đào tạo 20 ngành nghề có thể chưa từng có ở Việt Nam

14/12/2021 11:19
Trung Dũng
GDVN- Trong thời gian thí điểm, những trường nào đủ điều kiện, đủ tiêu chí sẽ được tham gia vào chương trình đào tạo, sau đó mới tiến hành nhân rộng.

Ngày 10/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các bên về “Một số chủ trương, định hướng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ cho đào tạo nghề”.

Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh, đối tượng chịu tác động của giáo dục nghề nghiệp không chỉ là số học viên vào học trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chính quy trong các nhà trường mà còn có một bộ phận rất lớn là những người đang làm việc trong thị trường lao động.

Trong quy mô đó, sẽ phải phân tầng chất lượng. Cụ thể, sẽ có một nhóm chất lượng cao, thậm chí một bộ phận trong nhóm chất lượng cao đó còn tiếp cận với các nước phát triển theo tinh thần mà chúng tôi xây dựng chiến lược là bắt kịp, đi cùng và thậm chí vượt lên trên các nước phát triển. Đó có thể là đào tạo những ngành nghề, kỹ năng tương lai để chuẩn bị cho phát triển kinh tế trong tương lai.

Bên cạnh đó, sẽ đào tạo một bộ phận khoảng 20 ngành nghề, kỹ năng phục vụ cho tương lai. Đây là những ngành nghề mà trong thị trường lao động hiện nay có thể chưa có.

Tiến sĩ Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: gdnn.gov.vn

Tiến sĩ Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: gdnn.gov.vn

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội cho biết: “Những ngành nghề đang được đề cập đến đều nằm trong Quyết định 1446/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sắp tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành kế hoạch để triển khai chương trình này”.

Đề cập về kế hoạch, tiến độ triển khai đề án này, ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: “Hiện tại, nó vẫn đang là đề án thí điểm của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nên không có phân cấp, phân quyền gì cho các trường cả.

Đồng thời, nó còn trải qua các bước khảo sát ngành nghề, lựa chọn các đơn vị đào tạo, sau đó mới tiến hành các bước tổ chức đào tạo. Những công việc chính trong kế hoạch của đề án nó là như thế.

Khi triển khai thực hiện đề án này thì các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò chính để phối hợp với các trường. Trong 20 ngành nghề được đề cập tới thì sẽ bám vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, những ngành nghề phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Vì đây là đề án thí điểm nên các trường chưa làm gì cả, nó không giống như các ngành đào tạo đại trà, mà phải sau thời gian thí điểm mới tiến hành đến việc nhân rộng. Hiện tại, chỉ những trường nào đủ điều kiện, đủ tiêu chí sẽ được tham gia vào chương trình đào tạo trong giai đoạn thí điểm này”.

Theo tìm hiểu của phóng viên trong Quyết định 1446/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ thuật nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” thì chi tiết về mục tiêu, phạm vi chương trình, các giải pháp cũng được đề cập khá rõ.

Qua đó, trong mục tiêu cụ thể của chương trình này có đề cập như sau: Đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/ trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.

Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300 nghìn lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm.

Xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Sẽ đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp trong tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Sẽ đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp trong tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Trong đó, đối tượng đào tạo gồm: Học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tham gia các chương trình đào tạo ngành, nghề mới, các chương trình đào tạo bổ sung kỹ năng mới, kỹ năng tương lai) đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối tượng đào tạo lại cũng được nhắc tới, gồm: Người lao động trong các doanh nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp do chịu tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Người lao động trong các doanh nghiệp ở những ngành nghề công nghệ mới hoặc cần nâng cao kiến thức, kỹ năng để tiếp thu, làm chủ và khai thác hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Thời gian thực hiện chương trình này từ năm 2021 đến năm 2025.

Kinh phí để triển khai chương trình bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Nguồn thu sự nghiệp của các trường tham gia đào tạo. Kinh phí từ các quỹ hợp pháp theo quy định của pháp luật và từ nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, các dự án hợp tác quốc tế, nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và vốn hợp pháp khác[1].

Tư liệu tham khảo:

[1].http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?

Trung Dũng