Cần nhận diện rõ bản chất sở hữu của từng loại hình trường ngoài công lập

24/12/2021 06:42
Phạm Minh
GDVN- Trong khi tài sản của trường tư thục vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân thì tài sản của trường tư thục không vì lợi nhuận cần thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói rằng, tỷ lệ sinh viên ngoài công lập ở nước ta trong nhiều năm qua không quá 13%. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ này có thể đạt 70 đến 80%, (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ)…. Con số này đã phản ánh rõ sự hạn chế về quy mô hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam.

Cho tới nay, chủ trương về xã hội hóa giáo dục thể hiện qua Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ và Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI đều rất chính xác. Tuy nhiên, các chính sách ban hành nói chung còn thiếu, chưa thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn. Đây là rào cản lớn đối với con đường phát triển của giáo dục đại học ngoài công lập

Muốn phát triển giáo dục ngoài công lập, cần phải có sự đồng bộ, thống nhất, rõ ràng về hệ thống chính sách. Bên cạnh đó cần “cơ chế mở” tạo điều kiện cho các trường phát triển.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, quy mô giáo dục ngoài công lập ở nước ta còn rất thấp. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, quy mô giáo dục ngoài công lập ở nước ta còn rất thấp. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Mở rộng cơ chế để phát triển giáo dục ngoài công lập

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trong điều kiện cụ thể ở nước ta, Nhà nước nên có quan điểm xem giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân. Cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, bay xa.

Đối với việc hình thành trường đại học ngoài công lập, Nhà nước cần đưa ra những tiêu chí thực tế hơn, chí ít là cũng giống với các trường công lập mới được thành lập. Những tiêu chí cần ưu tiên quan tâm ngay từ đầu là chất lượng cao (thông qua kết quả giám sát, kiểm định) và sự minh bạch về tài chính.

Các chính sách hỗ trợ cho giáo dục ngoài công lập cũng cần được đảm bảo, nhà nước cũng cần đầu tư cho các trường, ví dụ bằng cách cho mượn đất hoặc cho thuê đất với giá ưu đãi, ngoài ra phải giảm thuế cho các trường ngoài công lập.

Một yêu cầu quan trọng là trong tất cả các văn bản Nhà nước, vấn đề bản chất sở hữu (chủ sở hữu) của các loại hình trường đại học ngoài công lập cần phải được quy định rõ ràng, dựa trên bộ Luật dân sự 2015. Nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ dẫn tới tình trạng mất đoàn kết liên miên ở nhiều trường ngoài công lập, và hệ quả là, chế tài phổ biến của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những trường hợp đó là “ngừng tuyển sinh”, đồng nghĩa với “cắt nguồn sống” của các trường. Như vậy không còn con đường nào để các trường ngoài công lập phát triển.

Nhận diện rõ bản chất sở hữu của các loại hình trường ngoài công lập

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, Luật Giáo dục 2005 (Điều 67) khẳng định tài sản của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở. Nghị định số 75/2006/NĐ-CP (2/8/2006) quy định không thành lập các cơ sở dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Đến Nghị quyết 29-NQ/TW lại xuất hiện khái niệm cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư. Tiếp sau đó Luật Giáo dục 2019 (Điều 102) quy định tài sản của trường dân lập thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường. Rõ ràng các khái niệm trường do cộng động đầu tư và trường dân lập đều giống nhau vì cùng “bản chất” sở hữu. Vì thế, nên chăng nhà nước hủy quyết định 122/2006/QĐ-TTg về chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục để phục hồi tư cách hợp pháp cho loại hình trường đại học dân lập này.

Đối với loại hình trường đại học tư thục vì lợi nhuận, thế chế khá mới về loại hình trường đại học tư thục đã được quy định tại mục 3 Chương 2 Điều lệ trường đại học 2014. Song, nội dung này tại Điều lệ trường đại học (cũng như tại các văn bản tương đương) khác cần có sự điều chỉnh lại.

Cụ thể, cần đưa vào khái niệm góp vốn bằng trí tuệ. Có quy định tỉ lệ cân đối thỏa đáng giữa phần góp vốn của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý (về trí tuệ) và phần góp vốn của các nhà đầu tư (về tiền bạc, tài sản) để hạn chế xung đột giữa hai nhóm này.

Hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường đại học tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư và thường dẫn tới nhiều tiêu cực (mất đoàn kết triền miên, tình trạng buôn bán trường…). Nên chuyển qua mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên của Luật Doanh nghiệp. Cần có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm (như Luật Ngân hàng) để tránh hành vi thao túng trường của các nhóm lợi ích.

Bên cạnh đó, không đặt nhà đầu tư như một cấp quyền lực tối thượng, có thể phủ định mọi nghị quyết của Hội đồng trường, như tại Điều 16a của Luật Giáo dục đại học 2018. Nên quy định quyền lực của nhà đầu tư chỉ được thể hiện qua tiếng nói và lá phiếu của các đại diện của họ trong Hội đồng trường theo nguyên tắc đối vốn.

Nếu đã xem trường đại học tư thục vì lợi nhuận có đặc tính giống một “doanh nghiệp tư nhân” thì cần bám sát các quy định ở Luật doanh nghiệp. Do đó, cần xóa bỏ các quy định cứng “ …Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học tư thục phải dành ít nhất là 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học…” tại Điều 66 Luật Giáo dục Đại học 2018.

Đối với loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, dựa theo tinh thần của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết 05 của Chính phủ, Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Theo tinh thần đó, nội dung ở Mục 4 Chương 2 Điều lệ trường đại học 2014 cần được điều chỉnh lại.

Cụ thể, cả hai loại hình trường đại học tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận đều do các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân (gọi tắt là các thành phần góp vốn) đứng tên xin thành lập, cùng góp vốn xây dựng cơ sở vật chất, đều được đảm bảo kinh phí hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Sự khác biệt giữa hai loại hình trường này, không phải chỉ ở chỗ nhà đầu tư được hưởng lợi tức nhiều hay ít (như đã được giải thích ở Điều 4 Luật Giáo dục Đại học 2012) mà chủ yếu ở “bản chất” sở hữu của nhà trường. Ở các trường tư thục vì lợi nhuận, sau khi thành lập trường, các cổ đông lớn trực tiếp nắm quyền quản trị trường; còn ở các trường tư thục không vì lợi nhuận, các nhà góp vốn sau khi hoàn thành nghĩa vụ đứng tên thành lập và xây dựng cơ sở vật chất của trường, phải tự nguyện chấp nhận chuyển quyền quản trị của mình cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

Do đó, trong khi tài sản của trường tư thục vì lợi nhuận thuộc sở hữu riêng (theo Điều 205 Bộ Luật dân sự 2015) hoặc sở hữu chung theo phần (Điều 209 Bộ Luật dân sự 2015) , thì tài sản của trường tư thục không vì lợi nhuận thuộc sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia/ sở hữu của cộng đồng xã hội (Điều 210 Bộ Luật Dân sự 2015), chứ không phải chỉ của cộng đồng nhà trường (như tại Điều 29 Điều lệ trường đại học 2014).

Ở trường đại học tư thục vì lợi nhuận, Hội nghị nhà đầu tư là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường. Thông qua Hội nghị này các cổ đông sẽ phân chia quyền lực trong Hội đồng trường và bộ máy điều hành để thực hiện quyền quản trị và quản lý của mình đối với nhà trường. Trong khi đó ở trường đại học tư thục không vì lợi nhuận, Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng xã hội/chủ sở hữu đối với tài sản của nhà trường. Do đó việc Luật Giáo dục đại học đặt Nhà đầu tư lên trên Hội đồng trường, cho Nhà đầu tư được can thiệp trực tiếp lên các quyết định của Hội đồng trường ở trường đại học tư thục không vì lợi nhuận như ở loại hình trường đại học tư thục vì lợi nhuận là điều không hợp lý. Tuy nhiên, Hội đồng trường chỉ giữ vai trò định hướng phát triển cho nhà trường, giám sát hoạt động của nhà trường, tuyển chọn/bãi nhiệm Hiệu trưởng, chứ hoàn toàn không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban Giám hiệu nhà trường.

Khác với loại hình trường đại học dân lập đã có, do trường đại học tư thục không vì lợi nhuận mang bản chất sở hữu chung của cộng đồng xã hội (rộng hơn nhiều so với sở hữu tập thể của các thành viên trong trường dân lập) nên linh hồn của Hội đồng trường của trường đại học tư thục không vì lợi nhuận phải là nhóm đại diện ưu tú cho cộng đồng xã hội từ phía ngoài nhà trường (bao gồm các cựu lãnh đạo nhà nước uy tín, các nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học nổi tiếng, các doanh nhân thành đạt…). Số lượng các thành viên thuộc nhóm này phải chiếm đa số trong Hội đồng trường và họ sẽ không nhận bất kỳ một đặc lợi gì từ phía nhà trường, kể cả lương bổng.

Theo kinh nghiệm của thế giới, việc chọn lựa và phê chuẩn nhân sự nghiêm túc (bao gồm cả năng lực và nhân cách) của các thành viên nhóm này giữ vai trò quyết định đảm bảo cho trường đại học không đi chệch khỏi mục tiêu không vì lợi nhuận, không xảy ra các xung đột đáng tiếc trong nội bộ.

Ở các quốc gia phát triển, những đóng góp của các “mạnh thường quân” cho trường tư thục không vì lợi nhuận thường dưới dạng hiến tặng; họ chỉ cần nhận sự tôn vinh của xã hội và nhà trường.

Tuy nhiên, cách làm đó không hoàn toàn thực tế ở Việt Nam. Kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển (như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…) cho thấy ở các nước này, các nhà góp vốn vẫn được đền đáp vật chất hợp lý, dưới dạng phần thưởng hàng năm. Vì vậy, để ghi nhận công lao đóng góp xây dựng trường của các thành viên góp vốn, ngoài việc được nhà trường và cộng đồng xã hội vinh danh, họ còn được hưởng các quyền lợi như: được cử đại diện vào Hội đồng trường, được ứng cử vào các chức danh quản lý trong trường, được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý (không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ), được định đoạt phần vốn góp của mình, được bảo toàn nguồn vốn góp và được ưu tiên hoàn trả vốn khi giải thể trường…

Như vậy vốn huy động cho trường tư thục không vì lợi nhuận sẽ không tập trung vào một vài cổ đông chiến lược mà sẽ mở ra cho mọi thành viên của cộng đồng (như kiểu huy động tiền tiết kiệm của các ngân hàng). Cũng như trường hợp ngân hàng lượng vốn mà trường không vì lợi nhuận thu được sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ tín nhiệm của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu nhà trường, nên họ cần phải là những đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội. Mô hình huy động này đã được Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vận dụng ngay từ đầu thành lập và đã chứng minh rất hiệu quả.

Phạm Minh