Ngày 15/12, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định học sinh lớp 1, 2 có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến khi chưa đảm bảo điều kiện đến trường.
Liên quan đến vấn đề trên, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, đa số thầy cô đều đồng tình với phương án tổ chức kiểm tra trực tuyến bởi thông qua hình thức thi này vẫn đánh giá được lực học của trẻ.
Học đến đâu, thi đến đó
Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học tư thục tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Bám sát chương trình học của khối lớp 1, 2, giáo viên trường tôi luôn chủ động khảo sát chất lượng học, mức độ hiểu bài của các con.
Theo tôi, trong quá trình dạy học, thầy cô có thể đánh giá phần nào năng lực của học sinh. Bài kiểm tra định kỳ hay bài kiểm tra thường xuyên chỉ tăng mức độ khách quan cho kết quả đánh giá đó”.
Theo vị này, đối với học sinh lớp 1, 2 do các con còn nhỏ nên giáo viên chủ nhiệm sẽ tổ chức khảo sát thường xuyên thông qua các đơn vị học. Khoảng 1-2 tuần, các con sẽ có bài kiểm tra ôn lại kiến thức điền vào phiếu thông qua các phần mềm hỗ trợ như Google Forms, Liveworksheet.
Kiểm tra, đánh giá định kỳ dù tổ chức theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp cũng không nên đặt nặng vấn đề thành tích, học đến đâu, thi đến đó. Ảnh minh họa: N.P. |
Bên cạnh đó, trẻ cũng đã quen và thao tác thành thạo trên phần mềm học trực tuyến nên trong quá trình khảo sát cũng không gặp nhiều khó khăn. Vì đã tập dượt từ trước nên nhà trường luôn trong tâm thế chủ động và sẵn sàng nếu có chỉ đạo kiểm tra học kỳ trực tiếp.
Vị Phó Hiệu trưởng này cũng đánh giá việc tổ chức kiểm tra trực tuyến kết hợp với các giải pháp công nghệ rất thuận tiện từ khâu kiểm tra đến chấm bài.
Phòng kiểm tra trực tuyến cũng được thiết kế như kiểm tra trực tiếp, trong quá trình kiểm tra, giáo viên coi thi sẽ đề nghị học sinh bật camera để có thể giám sát. Hết giờ làm bài, hệ thống sẽ tự động nhắc học sinh nhấn nút nộp bài.
Ngoài ra, kết quả kiểm tra trực tuyến đáng tin cậy, thậm chí còn chính xác hơn kiểm tra trực tiếp do hạn chế được lỗi chủ quan từ con người.
“Phần kiểm tra đọc trong môn tiếng Việt khi làm tại lớp rất mất thời gian nhưng kiểm tra trực tuyến, học sinh đọc bài qua micro của máy tính và tự ghi âm lại, chỉ mất 10-15 phút. Quá trình chấm bài cũng chính xác hơn, thầy cô có thể nghe lại nhiều lần và phát hiện những chỗ các con đọc sai, vấp…”, vị này chia sẻ.
Cũng theo nhà giáo này, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ dù tổ chức theo hình thức trực tuyến hay trực tiếp cũng không nên quá đặt nặng vấn đề thành tích, học đến đâu, thi đến đó.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc đánh giá học sinh không chỉ chú trọng vào điểm số mà còn dựa trên quá trình tạo ra sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của học sinh.
Kiểm tra trực tuyến vẫn đánh giá được năng lực của trẻ
Cùng trao đổi về vấn đề trên, Hiệu trưởng một trường tiểu học ngoài công lập tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) khẳng định, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ngày càng tăng, việc tổ chức cho học sinh lớp 1, 2 kiểm tra trực tuyến hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại.
“Trước những lo ngại rằng kiểm tra trực tuyến sẽ không khách quan, chúng tôi cũng đã xin ý kiến của phụ huynh để xây dựng kế hoạch thi đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Theo đó, thầy cô sẽ đánh giá học lực của các con thông qua kết quả bài kiểm tra học kỳ kết hợp với kết quả học tập hàng ngày.
Trường đã tổ chức kiểm tra trực tuyến từ học kỳ II năm học trước. Công tác coi thi, chấm thi diễn ra suôn sẻ, học sinh tự giác, trung thực.
Việc dạy học, kiểm tra trực tuyến, thầy cô vẫn đánh giá được năng lực thực chất của học sinh. Thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá, học sinh hổng kiến thức, mất gốc ở phần nào sẽ được thầy cô kèm cặp, sát sao hơn để theo kịp bạn bè”, Hiệu trưởng chia sẻ.
Vị này cho biết, hiện tại nhà trường đã gửi chương trình ôn tập đến học sinh. Ngoài ra trường cũng chuẩn bị thêm phương án thi trực tiếp để có thể chủ động trong mọi tình huống.