Bộ Giáo dục cần làm rõ trách nhiệm về việc cung cấp phôi bằng cho ĐH Đông Đô

28/12/2021 07:07
Lê Mai
GDVN- Chuyện mua bán bằng cấp giả ở nước ta không hiếm, đã hình thành thị trường. Công an triệt phá ổ nhóm này lại có ổ nhóm khác mọc ra, bằng cấp giả chưa có hồi kết.

Người ta mua bằng giả để làm gì?

Chẳng ai tự bỏ tiền ra mua bằng giả để “khoe”, người ta mua bằng giả để “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”.

Có bằng cấp để hợp lý hóa hồ sơ viên chức, công chức, để lên bậc, thăng hạng, lên lương, lên chức; cơ cấu vào cán bộ nguồn…

Như vậy, mua bằng giả, chính vì muốn thu lợi cho bản thân; đã có không ít người nhờ bằng giả đã leo cao, luồn sâu, để lại “di chứng” cho xã hội.

Buôn bán và làm bằng cấp giả tồn tại và phát triển do quy luật cung, cầu; có cung ắt có cầu. Muốn xóa bỏ “thị trường” xấu xí này, phải xóa cầu hoặc xóa cung.

Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn

Ảnh minh họa: Hanoimoi.com.vn

Muốn xóa bằng cấp giả phải xóa “cầu” trước

Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô, hiện đang bỏ trốn) thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch... nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Đại học Đông Đô, chỉ đạo ban giám hiệu, Viện Đào tạo liên tục, Viện 4.0, Phòng đào tạo và quản lý sinh viên, Phòng tài vụ làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.[1]

Muốn xóa “cầu”, không khó, chỉ cần bỏ yêu cầu bằng cấp trong các tiêu chí tuyển dụng, thăng hạng, bổ nhiệm… thế nhưng, nếu bỏ yêu cầu bằng cấp thì lấy tiêu chí nào để kiểm chứng trình độ của ứng viên? Vì thế, không thể bỏ yêu cầu bằng cấp trong các tiêu chí tuyển dụng, thăng hạng, bổ nhiệm…

Với các nước tiên tiến, không có thị trường bằng cấp giả, vì họ không đặt nặng vào “hồ sơ”, đánh giá, tuyển dụng; dựa vào thực lực, thực tài, thực hành, của ứng viên; bên cạnh đó là hệ thống hậu kiểm bằng cấp chính xác, nhanh gọn; mọi hoạt động học tập của cá nhân đều có trong hệ thống dữ liệu, chỉ cần một cú kích chuột hay quét mã QR, là xác định ngay bằng giả, bằng thật.

Vì thế, không thể làm bằng cấp giả, cũng không mua bằng cấp giả để làm gì, vì bằng cấp giả sẽ bị phát hiện ngay.

Ví dụ, chứng chỉ IELTS là một chứng chỉ tiếng Anh uy tín trên thế giới, nhưng không thể làm giả, vì chỉ cần vài cú kích chuột là xác định được ngay thật, giả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần học cách quản lý văn bằng chứng chỉ của các nước tiên tiến; quản lý bằng cấp thống nhất trên toàn quốc, với công nghệ hiện nay, không khó để thực hiện, Bộ có cả Cục công nghệ thông tin trong cơ cấu quản lý, vấn đề là Bộ có muốn làm không?

Muốn có giáo dục thật, phải dẹp được thị trường mua bán bằng thật… học giả

"Trường Đại học Đông Đô đã tuyển sinh trái phép. Tuy nhiên phôi bằng trường này cấp cho người học lại là phôi bằng thật của Bộ Giáo dục và Đào tạo".[1]

Như vậy, văn bằng của Trường Đại học Đông Đô cấp cho người học trong vụ án “Giả mạo trong công tác” diễn ra tại Trường Đại học Đông Đô không phải bằng giả mà là bằng thật, học giả.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: có hay không “mối liên hệ” giữa văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo (là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác [2]) với các bị cáo?

Trong lúc đó “Từ năm 2016 đến 2018, Đại học Đông Đô có báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.

Do Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2 nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không yêu cầu trường báo cáo”.[2]

Trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của trường Đại học Đông Đô không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2, vậy tại sao lại được cấp phôi bằng?

Liệu còn trường nào khác đã xin, đã được cấp phôi bằng như Đại học Đông Đô nhưng chưa bị lộ?

Còn đó “uẩn khúc” chưa được làm rõ việc cung cấp phôi bằng của văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Trường Đại học Đông Đô, dù vụ án đã được tuyên án cho các bị cáo; dư luận vẫn còn đó một dấu hỏi chưa có lời giải.

Chính vì việc cấp phôi bằng “dễ dãi” khi báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của Trường Đại học Đông Đô không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2, vô hình trung làm cho người mua bằng tin mua được bằng thật, qua mặt được luật pháp.

Vì thế, để bằng giả phải là giả, bằng thật phải là học thật, trách nhiệm trong việc cung cấp phôi bằng của Văn phòng Bộ cho Trường Đại học Đông Đô phải được làm sáng tỏ, để răn đe, giáo dục những người ở vị trí cấp phôi bằng trong thời gian tới.

Theo thông tin Trung tâm Truyền thông Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho Báo Tuổi trẻ [2] thì:

"Thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ, số lượng phôi văn bằng chứng chỉ ít…) nên đề nghị được văn phòng bộ cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ.

Như vậy, văn phòng bộ là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác."

Vậy sau vụ án "Giả mạo trong công tác" tại Trường Đại học Đông Đô được đưa ra xét xử, Bộ Giáo dục và Đào tạo có còn tiếp tục cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác hay không?

Nếu có, thì việc quản lý cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào? Tình trạng trường nào cần thì cứ đăng ký mua mà không cần phải báo cáo việc tuyển sinh văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, cũng không bị kiểm tra như Trường Đại học Đông Đô có còn tiếp diễn?

Đơn vị trực thuộc được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quản lý phôi bằng là đơn vị cung cấp phôi bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác, nhưng uy tín, thương hiệu và trách nhiệm của đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có giống như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác?

Thiết nghĩ đây là một vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được trả lời minh bạch, góp phần ngăn chặn vấn nạn bằng giả học thật như đã xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, vì nhu cầu văn bằng 2 ngôn ngữ Anh vẫn rất lớn (thi đầu vào cao học, nghiên cứu sinh; làm hồ sơ thi tuyển viên chức, thăng hạng viên chức...).

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “học thật, thi thật, nhân tài thật”, muốn học thật thì bằng thật phải học thật, không để xảy ra một “Đông Đô” nữa.

Muốn vậy, vụ việc diễn ra tại Trường Đại học Đông Đô phải điều tra đến chân tơ kẽ tóc, ai chịu trách nhiệm cấp phôi bằng để xảy ra bằng thật nhưng học giả phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mới có tác dụng giáo dục, răn đe, cán bộ trong ngành giáo dục, đảm bảo “học thật, thi thật, nhân tài thật” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, góp phần dẹp thị trường mua bán bằng thật… học giả.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/nguoi-su-dung-bang-gia-cua-truong-dai-hoc-dong-do-se-bi-xu-ly-ra-sao-post1022039.html

[2]https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-cung-cap-phoi-bang-cho-dai-hoc-dong-do-do-truong-de-nghi-20190817145821754.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai