Giáo viên công lập có được hỗ trợ tiền từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp hay không?

01/01/2022 07:13
LÊ MINH
GDVN- Theo thư của bạn và tìm hiểu của chúng tôi thì đúng là trên địa bàn tỉnh An Giang đã có một số trường chi tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên.

Bạn đọc có email: nguyenminhkh…ct@gmail.com, hiện đang công tác tại một trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh An Giang đã viết thư về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hỏi về việc hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với giáo viên theo hướng dẫn của Nghị quyết số 116/NQ- CP, nội dung câu hỏi như sau:

Kính gửi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam!

Tôi là giáo viên cấp Tiểu học, hiện đang giảng dạy trên địa bàn một xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Tôi có thắc mắc như sau:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có một số huyện có người lao động (giáo viên) được hưởng trợ cấp của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (đính kèm file công văn), riêng tại huyện Châu Thành chỉ có giáo viên tại 3 trường Trung học phổ thông là được hưởng (đã nhận tiền).

Đối với giáo viên các cấp học còn lại trên địa bàn huyện Châu Thành là không được nhận, cũng không được giải thích. Mong Tòa soạn có thể giải thích hộ để tôi được rõ, xin cám ơn!

Văn bản giải quyết hỗ trợ đối với người lao động từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội An Giang (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Văn bản giải quyết hỗ trợ đối với người lao động từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp

của Bảo hiểm xã hội An Giang (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này như sau:

Thứ nhất: ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Nghị quyết 116/NQ-CP đã hướng dẫn đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm: “Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).

- Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng”.

Như vậy, nếu căn cứ vào hướng dẫn của Nghị quyết 116/NQ-CP thì những thầy cô giáo đang công tác trong các trường công lập được ngân sách nhà nước chi trả lương hàng tháng sẽ không thuộc tối tượng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Những giáo viên đang công tác ở những trường học công lập hoặc ngoài công lập đã tự chủ về tài chính thì mới thuộc đối tượng hỗ trợ tiền từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP.

Thứ hai: theo thư của bạn gửi đến Tòa soạn, bạn cho biết là hiện nay: “giáo viên các cấp học còn lại trên địa bàn huyện Châu Thành là không được nhận (tiền hỗ trợ), cũng không được giải thích” nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cũng đã thông tin về sự việc này.

Cụ thể, ngày 23/12/2021 vừa qua thì cô Trần Thị Đèo- kế toán trưởng của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành đã gửi email cho các nhà trường (từ Mầm non đến Trung học cơ sở) để hiệu trưởng, kế toán các trường học giải thích với giáo viên về chính sách hỗ trợ tiền từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp.

Có lẽ, Ban giám hiệu và kế toán nhà trường – nơi bạn công tác chưa thông tin đến đội ngũ nhà giáo trong đơn vị nên bạn chưa nắm được thông tin này.

Email của Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Thành đã gửi về các trường học (Ảnh chụp từ màn hình)

Email của Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Thành đã gửi về các trường học

(Ảnh chụp từ màn hình)

Thứ ba: theo thư của bạn và tìm hiểu của chúng tôi thì đúng là trên địa bàn tỉnh An Giang đã có một số trường học ở các huyện, thị, thành chi tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đội ngũ thầy cô giáo. Chẳng hạn như một số trường trên địa bàn thành phố Long Xuyên, một số trường ở các huyện, thị khác nữa.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Châu Thành- nơi bạn công tác thì 3 trường Trung học phổ thông (trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo) là Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm; Cần Đăng; Vĩnh Bình hiện nay cũng đã nhận được tiền từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp- như bạn đã thông tin.

Trong khi, giáo viên các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở cùng một địa bàn huyện, thậm chí là chỉ cách nhau vài trăm mét với những trường Trung học phổ thông thì lại không được nhận hỗ trợ.

Vì thế, giáo viên nhiều trường học từ Mầm non đến Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Châu Thành như bạn thắc mắc cũng là điều dễ hiểu vì cùng một địa bàn công tác, cùng là giáo viên công lập, cùng đóng phần trăm bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng như nhau.

Cũng có thể vì hiện nay có nhiều giáo viên trên địa bàn An Giang đang thắc mắc, bàn tán về tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nên ngày 18/12/2021 vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang đã có văn bản số 2188/BHXH-QLT hướng dẫn giải quyết hưởng hỗ trợ đối với người lao động từ Quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó có ghi chú như sau:

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã gửi Công văn cho Sở Tài chính đề nghị xác định các đơn vị sự nghiệp công lập được phân loại tự chủ tài chính để làm cơ sở thực hiện việc hỗ trợ theo quy định. Trường hợp Sở Tài chính xác định đơn vị không thuộc đối tượng được hưởng chính sách thì sẽ có thông báo sớm về đơn vị”.

Hy vọng, thông qua câu hỏi của bạn- một giáo viên đang công tác tại một trường tiểu học ở huyện Châu Thành thì các cơ quan chức năng ở An Giang mà đặc biệt là Sở và các Phòng Giáo dục sẽ có những hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ hay không hỗ trợ tiền từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để giáo viên những trường không được hỗ trợ hiểu rõ chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Không nên để tình trạng cùng một chính sách, đối tượng thụ hưởng mà giáo viên trường này được nhận, trường khác thì không. Bởi như vậy sẽ dẫn đến những bàn tán, thị phi trong đội ngũ nhà giáo.

Những thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Cảm ơn bạn đã gửi thư về Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

LÊ MINH