Bùi Thị Tú (sinh năm 1998, Đà Nẵng) hiện đang theo năm thứ hai thạc sĩ ngành International Economic and Business tại Corvinus University of Budapest (Hungary).
Ngoài học bổng toàn phần (tiền học phí, ăn ở, bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi) do Chính phủ Hungary cấp tại Corvinus University of Budapest, Budapest Business School Tú còn nhận được thư mời nhập học tại Nottingham Trent University ở Anh với mức học bổng 50%.
Nữ sinh quyết định chọn Corvinus University of Budapest là nơi cô sẽ theo học bậc thạc sĩ.
Bùi Thị Tú khi ở Malmo, Thụy Điển. Ảnh nhân vật cung cấp |
Kể về quá trình chinh phục học bổng du học của mình, Tú chia sẻ cô có dự định đi du học từ khi học cấp 3. Tuy nhiên thời điểm đó nữ sinh còn khá mông lung về việc đi du học.
Tú kể: “Lúc đó nhìn các anh chị, bạn bè đi du học mình chỉ nghĩ là do gia đình có điều kiện, có người thân ở nước ngoài hoặc phải cực kì xuất sắc mới có thể đi du học được.”
Năm đầu tiên theo học ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), khi thông tin về du học và học bổng dần phổ biến trên mạng xã hội, Tú bắt đầu tìm hiểu về các loại học bổng và kinh nghiệm giành học bổng từ những anh, chị đi trước.
Từ đó nữ sinh chú trọng vào việc cải thiện điểm GPA (Grade Point Average – Điểm trung bình) và tham gia các hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ.
Xác định điểm GPA là một trong những yếu tố quan trọng để giành học bổng ngay từ năm nhất đại học Tú đã đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.
Cựu sinh viên Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Với mình mục tiêu ngắn hạn lúc đó là đạt được học bổng học tập mỗi kì từ trường đại học, và dài hạn là điểm GPA ở từ mức giỏi trở lên để thuận tiện hơn trong việc giành học bổng du học sau này”.
Cô bạn lý giải việc đặt ra mục tiêu sẽ giúp bản thân luôn cố gắng, kiên trì và có định hướng rõ ràng.
Bùi Thị Tú chụp ảnh khi đến thăm Lapland, Phần Lan. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Sau quá trình xác định mục tiêu học tập, Tú đã tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh quốc tế (International Businesss) với điểm GPA khá cao 3.42/4.
Ngoài chú trọng điểm GPA, để làm nổi bật hồ sơ xin học bổng Tú còn tham gia các hoạt động ngoại khóa và nghiên cứu khoa học.
Nữ sinh gốc Đà Nẵng này khuyên ứng viên nên tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa mang tính quốc tế và biết cách chọn lọc các hoạt động để phù hợp với thời gian học tập ở trường. Xác định viết luận có thể nói là 1 phần khó và cốt yếu trong bộ hồ sơ xin học bổng.
Từ năm hai đại học Tú bắt đầu tìm đọc những bài luận giành học bổng của các anh, chị đi trước. Tú nhận ra mỗi bài luận đều mang một nét dấu ấn riêng.
Nhờ có quá trình tự tích lũy kinh nghiệm, khi chuẩn bị hồ sơ, Tú chỉ mất khoảng một tháng để viết bài luận.
Trong bài luận giành học bổng, Tú giới thiệu bản thân mình là ai, đã có những thành tích gì.
Nữ sinh viết về dự định tương lai của mình, trước đây mình đã làm gì, việc được học bổng và học tập tại nước ngoài sẽ giúp mình như thế nào trong việc hoàn thành dự định nghề nghiệp tương lai.
Tú nhấn mạnh: “Ứng viên nên thể hiện dự định một cách chi tiết và có giá trị.”
Trong bài luận, Tú kể về lần cô tham gia trao đổi sinh của Đại học Providence University (Đài Loan). Tại đó Tú thấy được mục tiêu, mong muốn của mình trong tương lai. Việc đi du học sẽ giúp Tú có thêm nhiều kiến thức vững vàng để hoàn thành mục tiêu ấy.
Tú chia sẻ trong quá trình nộp hồ sơ học bổng cái khó nhất giữ được sự kiên trì. Khi đó Tú chuẩn bị tốt nghiệp đại học cộng thêm thời gian thông báo kết quả học bổng khá lâu (khoảng nửa năm) khiến cô cảm thấy mông lung, chán nản, không biết con đường phía trước ra sao.
Nữ sinh chia sẻ: “Thật sự lúc đó mình cũng rất lo lắng. Tuy nhiên mình xác định đi du học nên không đi làm mà tập trung làm hồ sơ xin học bổng. Thời điểm đó ở Việt Nam bắt đầu có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên nên hầu như thời gian mình dành hết cho việc chuẩn bị hồ sơ.”
Thời gian đầu theo học tại Corvinus University of Budapest, Tú phải học online vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nữ sinh này chia sẻ: “Dù học online nhưng mình cảm thấy rất thích thú.”
Tú kể mình được cập nhật giáo trình quốc tế mới nhất, mỗi ngày cô được học các sự kiện kinh tế mới,…
Thầy cô cũng cực kì đỉnh về sự nghiệp, nhiều thầy cô gắn bó và làm việc rất lâu trong các tổ chức quốc tế như WTO, EU, Worldbank…nên có cách giảng dạy thực tế và rất lôi cuốn.
Các kì thi được tổ chức dưới hình thức online nhưng rất nghiêm ngặt trong việc ra đề và chấm bài.
Tất cả các trường ở Hungary đều có hệ thống online, các sinh viên và học viên sẽ học và thi trên đó.
Ngoài thời gian học tập ở trường, cô bạn còn dành thời gian đi du lịch, trải nghiệm văn hóa của các nước châu Âu.
Tú đã đến 14 quốc gia và dự định sẽ đi những nước còn lại trong khu vực châu Âu trước khi hoàn thành chương trình thạc sĩ vào tháng 6 năm sau.