BÁO TRUNG QUỐC:

"Mỹ tăng cường “thẩm thấu” khu vực châu Á-Thái Bình Dương"

28/11/2011 05:53
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Mỹ đang triển khai chiến lược tổng thể cả về quân sự, kinh tế và chính trị đối với châu Á-Thái Bình Dương.

Trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lần lượt thăm Australia, Philippinese, Thái Lan. Gần đây, Mỹ luôn đẩy mạnh tuyên truyền “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, muốn quay trở lại châu Á, ý đồ chiến lược thực sự đằng sau của họ là gì?

Trước chuyến thăm, Hillary cho biết, cùng với việc khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành trọng tâm chiến lược và kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, “khu vực này cũng sẽ trở thành trọng tâm của chiến lược ngoại giao Mỹ, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao Mỹ trong 10 năm tới chính là tăng cường đầu tư cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Mỹ đang thâm nhập châu Á cả về quân sự, kinh tế lẫn chính trị
Mỹ đang thâm nhập châu Á cả về quân sự, kinh tế lẫn chính trị

Các nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho biết, trong chuyến thăm tới Australia ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố, Mỹ sẽ bắt đầu đưa lực lượng thủy quân lục chiến đến Australia từ năm 2012. Số lượng khoảng 250 binh sĩ, trong vài năm tiếp theo sẽ lên tới khoảng 2.500 binh sĩ hải quân. Địa điểm đóng quân tại miền bắc Australia, có khả năng là cảng Darwin.

Theo “Nhật báo phố Wall” Mỹ, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực là nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tờ “Tin tức hàng ngày” của Nhật Bản cho rằng, để bảo vệ bá quyền ở châu Á, Mỹ đang lặng lẽ xây dựng vòng bao vây Trung Quốc.

Chuyến đi châu Á-Thái Bình Dương vừa qua của Obama đã lộ rõ ý đồ chiến lược này.

Binh sĩ lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ
Binh sĩ lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ

Nhà nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa xã là Hoài Thành Ba cho rằng, Mỹ tuyên bố làm người lãnh đạo Thái Bình Dương, “mũi dùi” thực chất là nhằm vào Trung Quốc, hơn nữa Mỹ cũng không che giấu ý đồ và việc triển khai chiến lược này.

Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và quan hệ giữa họ với ASEAN ngày càng tốt đẹp, Mỹ cảm thấy Trung Quốc ngày càng có thể tạo ra mối đe dọa cho bá quyền của họ. Vì vậy, mục tiêu chuyển dịch chiến lược sang hướng Đông của Mỹ là kiểm soát, ngăn chặn Trung Quốc trên thực tế, cân bằng sự phát triển của Trung Quốc.

Phó Tổng thư ký Hội nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc Bành Quang Khiêm cho rằng, Mỹ đang tăng cường triển khai chiến lược quân sự nhằm vào Trung Quốc, có ý đồ ngăn chặn bất cứ đối thủ nào có thể thách thức Mỹ, tiếp tục duy trì bá quyền toàn cầu của Mỹ.

Hải quân Mỹ-Nhật tập trận chung
Hải quân Mỹ-Nhật tập trận chung

Hoài Thành Ba cho rằng, Mỹ có ý định đóng quân ở Australia xem ra là một sự kiện đơn lẻ, nhưng thực chất là một phần của chiến lược hướng Đông.

Mạng Ủy ban các vấn đề ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ đang chuẩn bị cho thời đại của châu Á,chính sách thương mại đang thay đổi. Ngày 16/11, tờ “Thời báo Tài chính” Anh cho biết, Mỹ muốn tiếp tục tham gia các vấn đề của châu Á không nằm ngoài dự kiến.

Châu Á là một khu vực có nhiều thành tựu, tỷ lệ tăng trưởng bình quân là trên 7%. Mỹ hy vọng sử dụng thị trường châu Á để thực hiện mục đích tăng xuất khẩu và tạo việc làm của Obama.

Do khủng hoảng nợ của châu Âu leo thang, sự phục hồi của kinh tế Mỹ đứng trước khó khăn. Charles Kupchan, giáo sư Đại học Georgetown cho biết, cơ hội tái cử năm 2012 của Obama phụ thuộc vào thành tích kinh tế của ông ta, “Khi bạn tìm ánh sáng, cũng chính là lúc khởi nguồn của tăng trưởng, một trong những đáp án chủ yếu là xuất khẩu sang châu Á. Đây là việc cần quan tâm trọng điểm của Tổng thống nhiệm kỳ này, đặc biệt là trong thời gian bầu cử”.

Mỹ đang tìm cách xây dựng đồng minh chính trị, quân sự mới ở châu Á-Thái Bình Dương
Mỹ đang tìm cách xây dựng đồng minh chính trị, quân sự mới ở châu Á-Thái Bình Dương

Hoài Thành Ba cho rằng, Mỹ chuyển sang châu Á là sự dịch chuyển chiến lược lâu dài, có ý đồ bày binh bố trận lại ở Thái Bình Dương.

Bành Quang Khiêm cho biết, Mỹ tiến hành điều chỉnh cả kinh tế và quân sự, đồng thời về chính trị tăng cường “thẩm thấu” khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hình thành chiến lược châu Á-Thái Bình Dương tổng thể có sự phối hợp lẫn nhau.

Tờ “Le Figaro” Pháp dẫn quan điểm của chuyên gia Australia là Jefferey Garrett cho rằng, cùng với việc đối thoại với Trung Quốc, Mỹ cũng muốn xây dựng một số đồng minh quân sự và kinh tế mới.

Đông Bình (Theo báo Quang Minh)