Môn Lịch sử và Địa lý có hai phân môn rõ ràng, Lịch sử, Địa lý. Môn Lịch sử và Địa lý chỉ là cách gọi mới, nó phản ánh rõ ràng việc “tích mà không hợp” của chương trình 2018, trong cái gọi là môn tích hợp, phần lớn nhà trường đều xếp giáo viên dạy ổn định phần Lịch sử, Địa lý từ đầu năm.
Môn Lịch sử và Địa lý có 2 thầy dạy 1 cuốn sách, học trò có 2 vở ghi riêng biệt. Nói cách khác, môn Lịch sử và Địa lý ít gây ảnh hưởng đến thầy và trò, thay sách cũng như không thay, bình mới nhưng rượu vẫn như cũ.
Với môn Khoa học tự nhiên lại khác, có trường, cùng một cuốn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6, học sinh được học với 3 thầy cô khác nhau, ba vở ghi khác nhau.
Có trường, học sinh học 2 thầy cô khác nhau, 3 vở ghi khác nhau, cũng có trường chỉ một giáo viên dạy từ đầu đến cuối.
Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn |
Thời khóa biểu thay liên tục khiến cả thầy và trò phát chán
Cô giáo Nh. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Nói thật, em làm chuyên môn đã 20 năm, đến năm nay mà phát ngán với phân công chuyên môn.
Nếu phân 1 giáo viên dạy Khoa học tự nhiên 6, dễ cho em nhưng thiệt thòi cho học trò, giáo viên đào tạo đơn môn, nay phân dạy cùng lúc ba môn, nói thật, không thể dạy tốt hai môn còn lại.
Em đã thử chọn giáo viên trẻ, tốt nghiệp Sư phạm Hóa loại giỏi, có bằng Thạc sĩ, chuẩn không thiếu thứ gì, đầy nhiệt huyết, giao nhiệm vụ, thế nhưng sau khi nghiên cứu sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6, cô giáo thật lòng: không thể dạy tốt hai phần Lý, Sinh trong sách Khoa học tự nhiên 6 được.
Thế là đành nhận vất vả về mình, phân thời khóa biểu hàng tuần, cho 3 giáo viên cùng dạy luân phiên môn Khoa học tự nhiên 6”.
Người viết đã gặp “ba thầy cùng dạy một cuốn sách” Khoa học tự nhiên 6, để lắng nghe chia sẻ của họ. Cô giáo có bằng Thạc sĩ Hóa nói trên chia sẻ “Nói thật với thầy, dạy cũng được nhưng may ra chỉ đạt mức trung bình yếu với hai phần em không được đào tạo (Sinh, Lý).
Trong lúc chương trình mới đòi hỏi đổi mới phương pháp, nội dung còn chưa nắm vững, chưa thoát được sách giáo khoa, làm sao mà đổi mới?
Em cho rằng, chính các tác giả làm chương trình, tác giả viết sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 cũng không thể dạy tốt môn Khoa học tự nhiên 6.
Nếu có người nói có thể dạy tốt môn Khoa học tự nhiên 6, chắc chỉ ai đó không biết thực tế mới tin, còn chúng em không thể tin được.
Nếu vì học sinh, chỉ có thể 3 giáo viên luân phiên dạy theo cấu trúc sách giáo khoa. Nhà trường phải nhận khó về mình, trong việc thường xuyên đổi thời khóa biểu”.
Thầy giáo Kh. (đề nghị không nêu tên) dạy Vật lý, chia sẻ: “Thời khóa biểu cứ thay đổi xoành xoạch, cả thầy và trò đều ngán, chỉ sơ sẩy là nhầm tiết, quên tiết.
Nếu có ước muốn trên cuộc đời này, tôi sẽ ước muốn Bộ bỏ hoặc dừng thực hiện môn Khoa học tự nhiên, trả lại 3 đơn môn như trước, khi nào chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hãy đổi sách giáo khoa”.
Cô giáo Nh. cho biết: “Với môn Khoa học tự nhiên 6, từ tuần 1 đến tuần 4 với 4 tiết/tuần (2 tiết do giáo viên Vật lý thực hiện, 2 tiết do giáo viên Sinh học thực hiện), trong 1 tháng đổi thời khóa biểu 2 lần.
Từ tuần 5 đến tuần 10 dạy chương “Chất và sự biến đổi của Chất”, bố trí giáo viên chuyên môn Hóa học đảm nhận, thời lượng 4 tiết/tuần, đổi thời khóa biểu lần 3.
Tuần 11 đến tuần 18 dạy chương “Vật sống”, bố trí giáo viên chuyên môn Sinh học đảm nhiệm, thời lượng 4 tiết/ tuần, đổi thời khóa biểu lần 4. Như vậy, chỉ học kì I, đã có 4 lần đổi thời khóa biểu vì môn Khoa học tự nhiên”.
Việc đổi thời khóa biểu để phù hợp phân công chuyên môn của môn khoa học tự nhiên, không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên Lý, Hóa, Sinh, mà còn ảnh hưởng, đảo lộn đến toàn bộ hoạt động của nhà trường.
Không thể để giáo viên này dạy nhiều, giáo viên kia dạy ít, vì thế, nhà trường phải làm bài toán để phân công phù hợp, đảm bảo công bằng.
Chính vì thế, môn Lý, Sinh ở khối 7, môn Lý, Sinh, Hóa ở khối 8, 9 lại xảy ra hiện tượng, có hai giáo viên cùng dạy môn/lớp.
Hệ lụy của môn “tích mà không hợp” Khoa học tự nhiên lớp 6, năm sau thêm lớp 7, đã và đang tác động không mong muốn đến giáo dục, chỉ có người học, người dạy mới cảm nhận được.
Đây là “hậu quả” của việc làm chính sách giáo dục trong phòng máy lạnh, thiếu thực tế, người gánh chịu không phải ai khác, mà là học trò.
Muốn giáo dục phát huy được năng lực phẩm chất của người học, người dạy phải có kiến thức bộ môn vững vàng.
Kiến thức bộ môn vững vàng, mới có thể biến đổi trạng thái, mức độ nhận thức, yêu cầu cần đạt trong quá trình dạy học mềm dẻo, linh hoạt, thích hợp với từng đối tượng học trò.
Nếu kiến thức bộ môn còn mơ hồ, chưa thoát ly được sách giáo khoa, còn phụ thuộc vào giáo án, việc thay đổi phương pháp, phát huy năng lực phẩm chất của người học, chỉ ở trên… giấy.
Vì học sinh thân yêu, đòi hỏi nhà trường, giáo viên môn tích hợp nói riêng, giáo viên nói chung cần cố gắng nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, những cán bộ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo nên “vi hành” đến tận cơ sở giáo dục, để biết thực tế, đừng nhìn thực tế qua con số “lung linh” trong tờ A4.
Có thực tế, lắng nghe tâm tư người trong cuộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có chỉ đạo gắn với thực tế, đi vào cuộc sống. Sự thật là môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên lớp 6 đã và đang làm khổ giáo viên và học sinh.
Địa phương có vai trò quan trọng, quyết định thành bại trong đổi mới giáo dục [1]. Với giáo viên chúng tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo càng quan trọng hơn. Giáo viên chúng tôi mong chỉ đạo của Bộ về môn tích hợp thật cụ thể, nhất quán, có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, đỡ khổ cho cả trò và thầy.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dia-phuong-co-vai-tro-rat-quan-trong-quyet-dinh-thanh-bai-cua-doi-moi-giao-duc-post223328.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.