Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông dù học trực tuyến thì các nhà trường vẫn dạy đầy đủ số tiết và dạy hết các môn học.
Còn ở cấp tiểu học, các giáo viên ưu tiên một số môn học, có nhiều môn học chưa được dạy nên rất khó giải quyết dứt điểm ở học kỳ II.
Đối với những địa phương đang phải dạy và học dạy trực tuyến, từ đầu năm học cho đến nay còn một số môn học ở cấp tiểu học chưa được triển khai đến học trò. Bởi lúc đầu các địa phương mới triển khai dạy môn Tiếng Việt và Toán, sau đó thêm môn Tiếng Anh và một số ít trường dạy thêm môn Âm nhạc, Mĩ thuật…
Học sinh lớp 1, lớp 2 dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện một số địa phương mới chỉ tập trung cho 2 môn Toán và Tiếng Việt.
Các môn học còn lại gần như đang… để trống. Trong khi, theo khung thời gian năm học thì thời điểm này - dù là học trực tuyến thì học sinh cũng đã bắt đầu bước vào kiểm tra học kỳ I, có nơi đã bước sang học kỳ II.
Chương trình lớp 1, lớp 2 có nhiều môn học nhưng những địa phương phải dạy và học trực tuyến thì chủ yếu mới dạy môn Tiếng Việt và Toán. (Ảnh minh họa: Thùy Linh) |
Một học kỳ còn lại của năm học - cho dù qua Tết Nguyên đán thuận lợi, học sinh sẽ đi học trực tiếp thì liệu các nhà trường có giải quyết hết chương trình học kỳ II, bổ sung kiến thức học kỳ I và hoàn thành nội dung các môn học mà nhà trường chưa dạy được hay không?
Đây quả thực là một bài toán khá hóc búa cho nhiều trường học trên cả nước đang phải dạy và học trực tuyến trong mấy tháng qua.
Nhiều môn học chưa được dạy khi học trực tuyến
Trước khi bước vào năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3636/BGDĐT-GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2021-2022.
Theo hướng dẫn của Công văn số 3636/BGDĐT-GDTH, đối với học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt, Toán khi dạy học trực tuyến, để đảm bảo giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định.
Nhà trường thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ sách giáo khoa để xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến.
Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng hiệu quả kho học liệu sẵn có và tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung để sẵn sàng tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập” của ngành Giáo dục.
Cơ sở giáo dục thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn cho học sinh tự học.
Trường tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục, kỹ năng của giáo viên, khả năng tiếp thu-lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh.
Từ hướng dẫn của Công văn số 3636/BGDĐT-GDTH, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường triển khai việc dạy và học trực tuyến.
Theo đó, thời gian đầu năm học thì các trường tiểu học chủ yếu chỉ triển khai 2 môn Toán và Tiếng Việt, sau đó thì triển khai thêm môn Tiếng Anh và chỉ có một số ít trường triển khai dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật đến các lớp 3, 4, 5.
Việc triển khai dạy các môn Âm nhạc và Mĩ thuật đến lớp 1, lớp 2 hiện nay chưa nhiều địa phương áp dụng vì đang tập trung cho môn Toán và Tiếng Việt.
Chính vì thế, đối với những địa phương đang phải dạy trực tuyến ở lớp 1 và lớp 2 thì đa phần các môn còn lại như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm và các môn tự chọn chưa được triển khai.
Các lớp 3, 4, 5 thì các môn: Đạo đức, Lịch sử và Địa lí, Thể dục, Khoa học, Thủ công (lớp 3) Kĩ thuật (lớp 4, 5)… thì gần như cũng chưa được dạy.
Cho dù các môn chưa được dạy trên lớp thì Bộ và các Sở Giáo dục cũng đã triển khai một số môn qua đài truyền hình nhưng có lẽ học sinh cũng chưa chú ý nhiều đến kênh truyền hình.
Chính vì thế, nhiều môn học ở tiểu học gần như đang phải “đóng băng” để ưu tiên cho các môn học chính và những môn mang tính vừa học vừa chơi như Âm nhạc và Mĩ thuật mà thôi.
Bài toán khó khi giải quyết dứt điểm các môn học còn lại trong học kỳ II
Học kỳ II của năm học được bố trí 17 tuần nhưng nó đã có chương trình của học kỳ II rất cụ thể. Vì vậy, bài toán giải quyết các môn học còn tồn đọng ở học kỳ I đối với cấp tiểu học ở những địa phương đang phải dạy và học trực tuyến rất nan giải.
Giải pháp nào cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cho dù, bước sang học kỳ II, điều kiện dịch bệnh khả quan hơn, học sinh trở lại học trực tiếp thì đương nhiên là các môn học sẽ được nhà trường dạy hết. Nhưng, sẽ bắt đầu từ đâu?
Nếu như dạy từ đầu chương trình đối với những môn chưa dạy thì hết học kỳ các môn này sẽ còn lại học kỳ II chưa học mà tăng tiết trong ngày thì quá tải cho học trò, nhất là đối với các em lớp 1, lớp 2. Nhất là một số môn nhiều tiết như Hoạt động trải nghiệm có đến 105 tiết/ năm học (bằng số tiết môn Toán lớp 1).
Bỏ hẳn chương trình Học kỳ I đối với những môn chưa dạy thì không được vì sách thiết kế theo logic từ thấp lên cao và bắt buộc học sinh phải tiếp thu theo trình tự, nhất là đối với cấp tiểu học bắt đầu làm quen với các môn học.
Nếu tiến hành dạy dù vào dịp hè thì vướng vào thời điểm nghỉ hè của học trò và giáo viên, kinh phí đâu để nhà trường chi trả cho giáo viên.
Hơn nữa, đối với những giáo viên không dạy hoặc dạy thiếu tiết thì nhà trường đã phân công việc khác ở trong trường như thu tiền, phát tài liệu cho học trò trong thời điểm học trực tuyến.
Nhiều giáo viên còn tham gia chống dịch hoặc nhập số liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho địa phương nhiều tháng trời theo lệnh điều động của Phòng Giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường.
Vì thế, nếu tổ chức dạy bù kiến thức cho học sinh vào dịp hè thì bắt buộc phải chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên, không trả thì dẫn đến nhiều thắc mắc, đơn thư rất phức tạp - đây quả là bài toán nan giải đối với các nhà trường.
Có lẽ, trong bối cảnh dịch bệnh và thực tế giảng dạy ở các nhà trường đang phải dạy trực tuyến từ đầu năm cho đến nay cần phải tinh giản chương trình thêm một lần nữa và chỉ dạy những nội dung cốt lõi.
Chính vì vậy, thời điểm này thì lãnh đạo Bộ, Sở cũng cần tính đến phương án để hướng dẫn cho các địa phương, các nhà trường khi học sinh trở lại học trực tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi, trang bị tri thức cho học trò nhưng cũng phải tính đến phương án hài hòa, phù hợp về quyền lợi cho giáo viên đứng lớp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.