Phải khẳng định ngay rằng, hiện nay không có quy định tiền thưởng Tết cũng như lương tháng 13 cho giáo viên. Những trường có khoản tiền thưởng này gọi bằng cái tên “thu nhập tăng thêm”. Vậy, tiền thu nhập tăng thêm lấy từ nguồn nào mà trường có, trường không?
Thực tế thì trường hoạt động nhiều cuối năm giáo viên sẽ không có tiền thu nhập tăng thêm và ngược lại. (Ảnh minh họa: LĐO) |
Tiền % buổi 2, tiền căn tin, gửi xe…
Những trường học có tổ chức bán căn tin, gửi xe mỗi năm đem về cho nhà trường một khoản tiền không hề nhỏ. Số tiền này, các trường sẽ bỏ vào quỹ phúc lợi để chi cho các hoạt động của giáo viên và dành để chi tiền thưởng vào dịp Tết.
Có trường tổ chức dạy buổi 2 (một hình thức dạy thêm hợp pháp chủ yếu ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông). Trường càng đông học sinh thu về tiền càng nhiều. Sau khi trả phần trăm cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, cho Ban giám hiệu, kế toán và giám thị, phần còn lại cũng bỏ vào quỹ phúc lợi.
Với những trường học không có những khoản tiền như thế này thì sao?
Tiền thu nhập tăng thêm là khoản tiền ngân sách chi cho hoạt động của nhà trường được tiết kiệm lại
Cứ vào cuối năm, nhà trường quyết toán số tiền ngân sách được cấp sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí trong một năm, nếu hết thì giáo viên năm đó nhận lời chúc mừng năm mới suông từ nhà trường, nếu còn dư thì chia cho giáo viên gọi là tiền Tết.
Vậy nên có thể hiểu, tiền thu nhập tăng thêm cũng chính là tiền từ ngân sách sau khi nhà trường tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu trong một năm.
Trong cùng một địa bàn, có trường cuối năm giáo viên nhận được nhiều tiền thu nhập tăng thêm, có trường nhận được ít, thậm chí có những trường không có lấy một đồng.
Nhiều câu hỏi thắc mắc: Phải chăng trường có nhiều tiền thu nhập tăng thêm là tiết kiệm giỏi hơn trường có ít hoặc không có?
Phải chăng trường có nhiều thu nhập tăng thêm là hiệu trưởng biết thương giáo viên và tường minh về tài chính?
Trường có ít hoặc không có tiền thu nhập tăng thêm là không biết thắt chặt chi tiêu? Là hiệu trưởng có sự nhập nhèm về tài chính trong đó?
Trường hoạt động nhiều, thường xuyên mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất cuối năm giáo viên sẽ được ít hoặc không có tiền thưởng
Ngân sách cấp về các trường trong cùng một địa bàn như nhau nhưng tại sao có trường cuối năm dư nhiều, trường lại dư ít thậm chí có khi còn bị âm? Vì những sự chênh lệch như vậy nên hiệu trưởng trường có thưởng nhiều sẽ được khen, hiệu trưởng trường không có thưởng sẽ bị nhiều người chê bai, nghi ngờ.
Có hiệu trưởng đã chia sẻ, nếu mình có nhập nhèm về tài chính mà bị nghi ngờ, bị bóng gió xa xôi thì phải chịu đã đành. Đằng này, có người không sơ múi một đồng mà vẫn bị nói nên nhiều khi rất bất mãn.
Bí mật cách thắt chặt chi tiêu ở các trường
Nếu là tiết kiệm tiền tiếp khách, tiền mua sắm những vật dụng hay tiền xây dựng và sửa chữa nhỏ mà chưa thật sự cần thiết cũng rất nên khuyến khích.
Thế nhưng, trong thực tế không ít trường học lại tiết kiệm bằng cách siết tất cả các hoạt động trong nhà trường. Hạn chế, thậm chí không mua sắm, xây dựng nhỏ và sửa chữa gì trong năm học.
Những dãy phòng học cũ với tường vôi úa vàng, những chiếc quạt rung lắc, gỉ sét, những chiếc bàn, chiếc ghế lung lay, nền phòng học, sân trường lỗ rỗ… cứ bền bỉ đi cùng năm tháng mà không có cơ hội được thay áo mới.
Thư viện lèo tèo sách báo vì hàng năm ít được đầu tư. Những hoạt động giáo dục có được tổ chức cũng không còn tiền thưởng, tiền bồi dưỡng cho học sinh tập tành.
Nhờ thắt chặt chi tiêu kiểu này cuối năm tiền dư nhiều hơn bình thường. Ngược lại, trường mà hoạt động nhiều hoặc luôn được đầu tư, tu bổ, sửa chữa nhỏ lại có khoản tiền thưởng cao hơn hẳn.
Có người bạn kế toán đã bật mí cách tiết kiệm tiền hoạt động của trường để chi tăng thêm dịp Tết bằng cách: Đầu năm nhận ngân sách về, cất ngay một khoản để cuối năm chi Tết. Số còn lại mới để lại chi tiêu trong năm, và chi hết số tiền hiện có là thôi.
Ngược lại, trường thường xuyên tổ chức hoạt động, mua sắm trang thiết bị, bổ sung sách báo mới hàng năm, sửa chữa nhỏ, cải tạo khuôn viên ngày đẹp hơn… lại chẳng còn tiền để cuối năm chi thưởng.
Khi trường có tiền dư nhiều thì hiệu trưởng được khen biết chi tiêu hợp lý, biết thương giáo viên. Trường có ít hoặc không có đồng nào thì người đứng đầu bị chì chiết, bị nghĩ nọ nghĩ kia…
Không thể so sánh trường học ở địa phương này với trường học ở địa phương kia về mức tiền thu nhập tăng thêm vì ngân sách cấp cho trường học ở mỗi địa phương hoàn toàn khác nhau.
Tiếp khách nhiều cũng hết thu nhập tăng thêm
Có những hiệu trưởng bật mí, một năm chỉ đón vài đoàn thanh kiểm tra thì xem như năm đó giáo viên cũng mất một khoản tiền thu nhập tăng thêm đáng kể.
Một số hiệu trưởng trường học tâm sự rằng, rất đau đầu cứ mỗi khi dịp Tết đến xuân về. Bản thân cũng muốn có một khoản nho nhỏ thưởng anh em vì suốt một năm đã lao động vất vả.
Tuy nhiên, không phải khi nào điều mong muốn cũng đạt được. Chỉ mong rằng, lần cải tổ tiền lương sắp tới đây, lương nhà giáo được điều chỉnh hợp lý hơn, những khoản tiền thưởng cũng sẽ được hạch toán vào lương chứ không phải kiểu chỉ trông chờ vào khoản tiền ngân sách hoạt động dôi dư như hiện nay.