Cận Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình đi tảo mộ, để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Đây cũng là mời gia tiên về đón Tết cùng con cháu, phù hộ cho gia đình sức khỏe, làm ăn may mắn trong năm mới.
Ngày 15 tháng Chạp hàng năm là ngày giỗ bà ngoại của ông Nguyễn Đình Thăng (56 tuổi, trú tại Hà Nội), nên thường trước ngày giỗ, con cháu trong gia đình sẽ đến tảo mộ tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Vì dịch bệnh, nhiều ngày con cháu không đến chăm sóc được khu vực phần mộ của ông bà ngoại và bố đẻ, nhưng ông Thăng ấm lòng khi nhân viên dọn dẹp khang trang sạch sẽ. Các thành viên trong gia đình ông Thăng chỉ việc bày biện lễ và rút bớt chân nhang đã đầy.
Gia đình bà Nguyễn Bạch Linh đến tảo mộ tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Nhớ về người bố đã "khuất núi" được hai năm, bà Nguyễn Bạch Linh (em gái ông Thăng) nói rằng, may mắn bố bà được yên nghỉ tại nơi đây, nếu không giờ về quê ở Nghệ An để tảo mộ thì sẽ rất kho khăn.
"Giờ dịch dã như này để mọi người về quê để tảo mộ cho bố là điều rất khó", bà Linh tâm sự.
Tuy nhiên lúc sinh thời, khi bố bà Linh 79 tuổi, ông muốn được an nghỉ tại quê nhà.
Trong những lần đưa bố lên Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên thắp hương cho ông bà ngoại, bố bà Linh chứng kiến khung cảnh núi sông hiền hòa, khung cảnh sạch đẹp, các phần mộ luôn có người chăm sóc, việc đi lại cũng rất tiện lợi. Cụ đã thay đổi suy nghĩ của bản thân.
"Bố tôi đồng ý việc khi ông mất thì sẽ chôn cất ông ở Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên, để con cháu tiện chăm nom, đồng thời ông cũng thích cảnh quan nơi đây rất trang nghiêm, tĩnh tại", bà Linh chia sẻ.
Con cháu bày biện hương hoa trước phần mộ người thân. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Cách khu vực tảo mộ nhà bà Linh một quãng là gia đình ông Hà Tiến Lương (70 tuổi, trú tại Hà Nội) cũng đến tảo mộ cho cụ thân sinh ra ông.
Trước đó, gia đình ông Lương dự định đưa bố mẹ ông về một công viên ở tỉnh Phú Thọ, nhưng đường sá xa xôi nên mọi người quyết định lựa chọn Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên để con cháu tiện chăm nom.
"Từ Hà Nội lên trên đây cũng chỉ khoảng 50km, đường sá thuận lợi và khung cảnh ở đây đẹp nên gia đình tôi quyết định chọn nơi đây", ông Lương chia sẻ.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, phong tục tảo mộ đã có từ lâu là nét đẹp văn hóa uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.
Khi tảo mộ, gia đình về nơi phần mộ an táng của người thân, dòng tộc để dọn dẹp sửa sang lại mộ phần, quét dọn, sơn sửa lại. Đây cũng là việc làm để nghi thức nghi lễ, tạ ơn thổ thần và các vị thần cai quản che trở cho các chân linh yên nghỉ tại khu đất đó.
"Việc tảo mộ cũng là tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương, đây cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần đối với người thân đã khuất. Đây là nét đẹp truyền thống, uống nước nhớ nguồn của chúng ta", Đại đức Thịnh nói.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên vào ngày 16/1 (14 tháng Chạp):
Ngày 14 tháng Chạp, nhiều gia đình đến tảo mộ tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Những chậu đào, quất được các gia đình mang đến phần mộ người đã khuất, tô điểm sắc xuân cho khung cảnh nơi đây. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Người phụ nữ bày biện hoa dơn tại phần mộ của người thân. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Người dân chăm sóc chậu cây cảnh mới mang đến nơi đây. (Ảnh: Nguyễn Nhất) |
(Ảnh: Nguyễn Nhất) |
Bên cạnh dòng người đi tảo mộ, những nhân viên tại nghĩa trang nơi đây cũng đang dọn dẹp, xây sửa cho các phần mộ luôn sạch đẹp. Ông Nguyễn Văn Lựu (48 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đang sửa chữa cho một ngôi mộ đã được đặt trước, ông chia sẻ hết dịp tảo mộ cuối năm xong đến dịp tảo mộ Tết thanh minh tháng 3, nơi đây cũng đón rất nhiều gia đình. Ảnh: Nguyễn Nhất |