Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, người hiệu trưởng sẽ gánh trên vai trách nhiệm lớn trong việc tổ chức thực hiện dạy và học, đổi mới dạy học truyền thụ nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, cần chủ động và sáng tạo xây dựng kế hoạch giáo dục.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Câu chuyện về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường là câu chuyện dài vì mỗi năm một khác, liên tục đổi mới. Nhiều bài học, nhiều chủ đề tên vẫn như thế nhưng nội hàm tổ chức và thực hiện thì lại rất đổi mới sau mỗi năm.
Theo tôi, kế hoạch bắt đầu từ hiệu trưởng, được xây dựng trên cơ sở điều kiện thực tế của từng nhà trường, từng địa phương, và mục tiêu của nhà trường hướng tới, mỗi giáo viên hàng năm phải có sự đổi mới. Mỗi năm học, kế hoạch này phải được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật... và phương pháp tổ chức hoạt động để phù hợp với kiến thức. Nếu dự định đến 2025 là phải đạt được cái gì, vậy luôn luôn phải nhìn thấy rằng đến 2022 rồi đã đạt được đến đâu? Trong kế hoạch phải xây dựng để đạt được như vậy, để đến 2025 đạt được mục tiêu như đã đề ra.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Điều quan trọng là trong suốt quá trình mình xây dựng mục tiêu, mọi chuyện không ở yên một chỗ, bởi năm nay mình định như thế này nhưng sau khi thực hiện lại thấy chưa hợp lí, như vậy rất cần điều chỉnh. Giáo viên là người thực hiện, bắt tay vào việc xây dựng đó và họ có rất nhiều ý tưởng đổi mới. Ngay như trong một hoạt động trải nghiệm, năm nay cho học sinh đến để trải nghiệm ở vùng này, nhưng xét thấy không hiệu quả, vậy họ có thể xoay và vẫn chủ đề đó nhưng đưa học sinh đến vùng khác thích hợp hơn và hiệu quả hơn.
Khi thực hiện kế hoạch, nó cho tôi khá nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong tổ chức hoạt động học cho học sinh, theo xu hướng hiện nay học sinh phải được làm thì mới thể hiện được năng lực, phẩm chất, và chính những hoạt động đó đã hình thành năng lực, phát hiện ra học sinh có thiên hướng gì để định hướng cho tương lai nghề nghiệp sau này.
Qua mỗi lần hoạt động như vậy, chính các thầy cô, ban giám hiệu nhà trường cũng rút ra được kinh nghiệm, nó giống như một cái vòng khép kín, luôn làm cho mỗi một giáo viên, nhà trường luôn đổi mới hơn sau mỗi học kì, mỗi năm học”.
Hiệu trưởng phải dám nghĩ, dám làm
Cô Nhiếp cho biết: “Việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng dẫn 791 năm 2013, theo tôi văn bản như một “chìa khóa” mở ra cho các nhà trường trong việc đổi mới. Đến năm 2017, chính là Công văn 4612 tổng hợp lại 791, và Công văn 5555. Công văn 4612 có 4 nội dung chính: Thứ nhất cho phép các nhà trường loại bỏ kiến thức cũ, cập nhật và bổ sung kiến thức mới.
Thứ hai: Tổ chức, sắp xếp lại nội dung từng bài, từng chương, thậm chí là từng khối, ví dụ trong một bài, phần kiến thức đang ở phần B nhưng nếu không thấy phù hợp có thể đẩy sang phần C, và ngược lại. Hoặc trong chương đó, bài này đang ở bài cuối nhưng có thể đẩy lên bài trên cùng. Hiện nay trường chúng tôi có một số bộ môn, chương trình đang ở lớp 12 nhưng được đẩy lên lớp 10, hoặc bài ở lớp 11 đẩy xuống lớp 12, để làm sao phù hợp, đảm bảo mạch logic kiến thức của thầy cô và phù hợp với đối tượng học sinh Yên Hòa.
Thứ ba: Cho phép các bài có nội dung tương tự giống nhau, và giáo viên chọn để thành chủ đề, khuyến khích dạy chủ đề đó ở bên ngoài lớp học, đưa học sinh đi trải nghiệm. Theo tôi vấn đề này cực kì cởi mở, càng cho phép các nhà trường sáng tạo, nhất là khi kết hợp với điều đầu tiên loại bỏ kiến thức cũ.
Thứ tư: Những kiến thức trùng lặp nhau, ví dụ môn Hóa có, môn Lý cũng có, trên cơ sở đội ngũ và hiệu trưởng quyết định phân công môn Lý hay Hóa sẽ dạy phần kiến thức đó. Cũng có thể đưa những kiến thức trùng nhau vào chủ đề liên môn”.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) trong ngày lễ khai giảng. Ảnh: NTCC. |
Học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) trong các hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NTCC. |
Theo cô Nhiếp: “Để thực hiện tốt kế hoạch nhà trường còn Thông tư 32 về ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên và nhà trường cần nắm chắc vấn đề, thứ nhất là mục tiêu tổng quan của từng cấp học là gì. Thứ hai là nắm bắt mục tiêu của từng bộ môn để xây dựng kế hoạch nhà trường.
Ở Công văn 5512, tôi thấy còn cởi mở hơn, cho phép các nhà trường không phải dạy dàn trải ra tất cả, mà cho phép dạy theo kiểu tín chỉ, căn cứ vào tình hình đội ngũ thầy cô và cơ sở vật chất của nhà trường. Một điều nữa là các mẫu, các phụ lục ở 5512, thầy cô cần quan tâm, tính toán làm sao phù hợp với điều kiện của nhà trường, chứ không nên “máy móc” áp dụng nguyên những mẫu phụ lục để vô tình gây áp lực cho giáo viên và học sinh.
Với tôi, đây là những văn bản “then chốt” để xây dựng kế hoạch nhà trường, qua mỗi năm học, hiệu trưởng cần nhìn nhận và đánh giá lại kết quả năm học đó có ưu, nhược điểm gì, nguyên nhân do đâu và trên cơ sở đó nhìn nhận lại thực chất đội ngũ của cơ sở mình, nhìn lại tình hình của địa phương bởi các hoạt động trải nghiệm đều ở bên ngoài trường.
Trường chúng tôi thường lên kế hoạch từ đầu năm học, định đưa học sinh đi trải nghiệm ở đâu thì đều có đi tiền trạm trước, tìm hiểu chi tiết vào thời gian đó thì địa phương thế nào, từ thời tiết, phong cảnh đến những thứ cây, con, khí hậu, đi xe hay đi từng nhóm lớp,…phù hợp việc học tập trải nghiệm. Việc này bắt buộc giáo viên phải tìm hiểu nhiều thứ trong khâu tổ chức, thậm chí có sẵn phương án dự phòng nếu có chuyện đột xuất xảy ra. Thậm chí có nơi đã đi tiền trạm, nhưng đến thời gian đó họ báo lại rằng cây, con… chưa phát triển được như yêu cầu của bài học, vậy là phải có phương án chuyển đổi ngay sang nơi khác”.
Cô Nhiếp cho biết: “Một điều mấu chốt để giúp thực hiện tốt kế hoạch, hiệu trưởng phải là người nắm chắc nội dung, phương pháp, nguyên tắc, quy trình, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, những nội dung triển khai. Hiệu trưởng phải là người cùng học, chân thành chia sẻ với đồng nghiệp những khó khăn mà bản thân hiệu trưởng cũng đang vướng mắc để mọi người cùng hợp tác và sẻ chia.
Ban xây dựng Kế hoạch giáo dục bộ môn có từ 2 đến 4 giáo viên, trong đó một giáo viên trưởng bộ môn là người chịu trách nhiệm tổng thể, một đến hai giáo viên chắc chuyên môn, nắm vững chương trình tổng cấp học không chỉ của bộ môn đang dạy, mà còn của bộ môn có liên quan, và một đến hai giáo viên trẻ giỏi công nghệ thông tin, nhanh nhạy và cập nhật xu hướng đổi mới dạy học.
Quá trình thực hiện Kế hoạch giáo dục bộ môn, nếu thấy bất cập, cần điều chỉnh để hiệu quả hơn thì ban giám hiệu tạo điều kiện cho bộ môn thảo luận, thống nhất, ghi vào biên bản sinh hoạt chuyên môn và khuyến khích bộ môn điều chỉnh việc thực hiện kế hoạch giáo dục.
Phải có sự ghi nhận, động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, bộ môn xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường sáng tạo và hiệu quả. Nếu hiệu trưởng làm tốt những điều đó, giáo viên sẽ thấy rất yên tâm bởi hiệu trưởng như một chỗ “dựa”, luôn cung cấp những ý tưởng đổi mới, cùng đồng hành từ tập huấn cho đến chỉ đạo các bước thực hiện, sai đâu sửa đó, hiệu trưởng luôn là người chịu trách nhiệm, có như thế giáo viên dám làm, dám thực hiện.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) trong lễ hội sinh hoạt tại trường. Ảnh: NTCC. |
Học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) trong buổi học ngoại khóa với hợp tác xã trồng rau xanh. Ảnh: NTCC. |
Công lớn của thầy cô và phụ huynh học sinh
Cô Nhiếp cho biết: “Theo tôi, đổi mới gì cũng phải đem lại được lợi ích cho giáo viên, có thể không phải là vật chất bởi mức đãi ngộ hiện nay hầu như chưa có, nhưng cái lợi nhất là thầy cô được đổi mới, biết cách đổi mới và các kĩ năng đều được nâng lên qua quá trình làm việc. Một điều nữa, nếu phụ huynh Yên Hòa không ủng hộ, thì chúng tôi không thể đổi mới được. Các thầy cô rất cố gắng, phụ huynh học sinh cũng luôn ủng hộ, cùng đồng hành trong tất cả các hoạt động trải nghiệm.
Khi đã đổi mới, nó cho ta rất nhiều cơ hội để tổ chức, sắp xếp phù hợp nhất với đặc điểm của cơ sở mình, giúp đạt được mục tiêu giáo dục đã đề ra. Họ cho nhà trường một “quyền” như vậy thì tại sao mình không làm? Xét về tổng chương trình không đổi, không được cắt bớt số tiết học, phải đảm bảo số đầu điểm, đồng thời thúc đẩy các hoạt động đổi mới…
Vậy tại sao Yên Hòa đổi mới được nghỉ thứ 7? Trên cơ sở nguyên tắc đó và do mình tự tổ chức sắp xếp, có rất nhiều tiết học được bố trí học bên ngoài nhà trường, thực chất không phải thứ 7 nào tất cả học sinh đều nghỉ, mà có thể là thứ 7 này với khối 11 đang học ở thực địa cách Hà Nội khoảng 30 km, hoặc lớp 10 đang học ở một hợp tác xã trồng rau nào đó, lớp 12 đang học tại Viện Bảo tàng,… Tất cả đều do cách sắp xếp nhưng rất mở.
Hiện nay, chúng tôi tổ chức cho học sinh được trải nghiệm ở tất cả các môn học, lựa chọn những phần kiến thức nào gắn liền thực tiễn với đời sống, bóc tách ra thành chủ đề tự chọn để học sinh được trải nghiệm, vậy nên cả môn Toán, Lý, Hóa, Sinh,…đều có mảng kiến thức liên quan đến thực tiễn cuộc sống, chỉ cần hiệu trưởng định hướng, tư vấn là các thầy cô sẽ nắm bắt được để triển khai.
Ngoài chương trình của Bộ, ban giám hiệu nhà trường cũng định hướng cập nhật thêm kiến thức mới để làm sao phải đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chính vì vậy, ở chương trình môn Tin học của Bộ, chúng tôi tích hợp thêm chương trình của Microsoft, và khi ra trường, học sinh có được 3 chứng chỉ Word, Excel và PowerPoint. Và ở chương trình tiếng Anh cũng được tích hợp luôn để khi ra trường các con đạt chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên”.