Trước đây, phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, chỉ dựa chủ yếu vào tổ hợp môn theo khối truyền thống A, B, C, D…, điểm tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm thi các môn tương ứng trong kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Phương án tuyển sinh mang tính truyền thống, thí sinh, phụ huynh đã quen thuộc, rất đơn giản trong việc định hướng phương án cho con em mình, từ ôn luyện, đến lựa chọn khi đăng kí xét tuyển một trường đại học nào đó mình mong muốn.
Thời gian gần đây, các trường đại học, cao đẳng có nhiều phương án tuyển sinh mới. Nhìn theo cách tích cực, nhiều phương án tuyển sinh sẽ giúp thí sinh có nhiều lựa chọn, tăng cơ hội trúng đại học cao đẳng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, giúp các cơ sở giáo dục tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo.
Thực tế lại là chuyện khác, Hùng, một học sinh ở Vũng Tàu chia sẻ với người viết: “Thật lòng mà nói, lúc đầu em nghĩ, có nhiều phương án tuyển sinh sẽ giúp em có lựa chọn thích hợp, nhưng khi quá nhiều như hiện nay, chỉ đọc thôi, đã thấy rối như tơ vò rồi”.
Cảm nhận “rối như tơ vò” cũng được nhiều học sinh đồng cảm, có nhiều em cho rằng, quá nhiều phương án tuyển sinh đã làm cho học sinh như lạc vào “ma trận”.
(Ảnh minh họa: PM) |
Làm sao chọn được phương án tuyển sinh phù hợp cho mình?
Người viết trong tâm trạng có con năm nay tham gia xét tuyển vào đại học, cũng không khỏi bối rối, sau một thời gian tìm hiểu, rút ra kinh nghiệm.
Mỗi trường đại học có nhiều phương án tuyển sinh khác nhau, ví dụ Đại học Kinh tế Quốc dân có 3 phương án, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có 6 phương án…
Vậy làm sao để chọn được phương án phù hợp cho mình? Thực tế, trong nhiều phương án, chỉ có 1 hoặc hai phương án phù hợp với mình mà thôi.
Vì thế, phụ huynh, học sinh không cần (không nên) đọc hết đề án tuyển sinh của trường mà mình muốn tham gia xét tuyển, chỉ cần đọc phần gạch đầu dòng, ngắn gọn, chọn phương án phù hợp cho mình.
Chọn được phương án phù hợp cho mình, mới đọc kĩ phương án đó, sẽ thấy đơn giản hơn nhiều.
Cách ghi nguyện vọng, chọn trường, chọn ngành như thế nào cho phù hợp?
Người viết đã trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, về cách ghi nguyện vọng để đạt kết quả tốt nhất cho mỗi thí sinh.
Thầy Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ: “Tất cả các nguyện vọng hiện nay đều bình đẳng với nhau. Vì vậy, để tránh chuyện tiếc nuối như vẫn còn xảy ra ở mùa tuyển sinh 2021, nên đăng ký nguyện vọng dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho phù hợp, linh hoạt.
Mỗi thí sinh nên đăng ký ít nhất khoảng 10 nguyện vọng, nhất định phải sắp xếp nguyện vọng theo nguyên tắc từ thích nhiều đến thích ít.
Khoảng 1/2 số lượng nguyện vọng đầu tiên, chỉ cần theo nguyên tắc từ thích nhiều đến thích ít, không cần quan tâm đến năm trước điểm chuẩn là bao nhiêu. Ví dụ thích làm bác sĩ thì cứ để trường Y lên đầu, ít nhất cũng một lần trong đời dám nói lên ước mơ của mình.
Số nguyện vọng còn lại, cũng xếp từ thích nhiều đến thích ít, tuy nhiên có quan tâm đến điểm chuẩn năm trước, phải dành những nguyện vọng cuối cùng cho những ngành mà năm trước điểm chuẩn thấp, để có thể chắc chắn đậu.
Với học sinh có sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, số lượng nguyện vọng dựa trên điểm đánh giá năng lực thấp hơn so với điểm thi tốt nghiệp, nhưng cũng nên ghi theo nguyên tắc như vậy.
Thầy Phan Thanh Sơn Nam chia sẻ thêm: “Chọn trường và chọn ngành khi ghi nguyện vọng, muốn chọn trường trước, nếu không vào ngành thích nhất, thì ngành tương tự trong trường đó cũng được.
Ví dụ có thí sinh muốn học Bách Khoa Hóa, nếu không vào được ngành Hóa thì có thể học những ngành liên quan khá nhiều đến Hóa, mà có điểm chuẩn thấp hơn, như Môi trường hay Vật liệu.
Tương tự như vậy cho những khối ngành khác trong Bách Khoa, không vào ngành đúng thì vào ngành gần, nhất định phải là Bách Khoa.
Bạn nào biết chắc chắn mình thích ngành gì, thì chọn ngành trước, còn trường có thể thay đổi, không nhất thiết phải trường A, B … nào đó.
Ví dụ không vào được ngành Khoa học môi trường ở Bách Khoa, thì chọn ngành Khoa học môi trường ở những trường khác, nhưng nhất định phải là ngành Khoa học môi trường, mình yêu thích.
Hiện tại, thật sự có rất nhiều trường tốt, có nhiều lựa chọn, không vào được trường này thì vào trường khác, miễn sao học đúng ngành mình yêu thích là được”.
Việc chọn đúng ngành, đúng nghề mình yêu thích, phù hợp nhu cầu của xã hội, giống như mua đúng đôi giày phù hợp cho mình, đi đường xa không mỏi.
Vì thế, mỗi học sinh phải biết sở thích, sở trường, năng lực, phẩm chất của mình, chọn được đúng nghề, nhưng trước tiên vẫn phải cố gắng học tập, rèn luyện.
Học đại học không phải là tất cả, không ít học sinh cũ của người viết nay là “ông chủ”, chỉ học nghề, vẫn thành công đó thôi.
Đừng “chọn đại” một trường đại học nào đó để “trải nghiệm” đời sinh viên, học vài năm rồi bỏ sang học trường khác, hay học xong nhưng đi làm việc khác, phí hoài tuổi thanh xuân, lãng phí công sức của cha mẹ.
Làm bất cứ việc gì cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất, cánh cửa này đóng, có cánh cửa khác mở ra, trước tiên vẫn phải cố gắng học tập, tích lũy kiến thức, kĩ năng nhiều nhất có thể, chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp thành công, các em nhé.
(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.