Cho học trò trải nghiệm làm báo Tết, cô giáo "thổi hồn" vào môn Văn

18/01/2022 06:34
Phan Thế Hoài
GDVN- Học sinh Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa, có những tiết trải nghiệm làm báo Tết thú vị dưới sự hướng dẫn của giáo viên Ngữ văn.

Với mong muốn học sinh có những tiết học thú vị, hấp dẫn, học đi đôi với hành, cô Chu Thị Nhung, giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng – thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), đã cho học sinh lớp 11 làm báo Tết từ chủ đề “Phong cách ngôn ngữ báo chí”.

Sản phẩm thu hoạch là những bản tin, bài viết về Tết Nguyên đán, nội dung tự chọn và học sinh được lấy điểm kiểm tra 15 phút thay cho những bài viết thường xuyên của môn Ngữ văn.

Cô giáo Chu Thị Nhung đã đã cho học sinh lớp 11 làm báo Tết từ chủ đề “Phong cách ngôn ngữ báo chí”. Ảnh: Chu Thị Nhung

Cô giáo Chu Thị Nhung đã đã cho học sinh lớp 11 làm báo Tết từ chủ đề “Phong cách ngôn ngữ báo chí”. Ảnh: Chu Thị Nhung

Khát khao đổi mới phương pháp giảng dạy

“Chương trình Ngữ văn lớp 11 có chủ đề “Phong cách ngôn ngữ báo chí” gồm các bài như “Phong cách ngôn ngữ báo chí”; “Bản tin”; “Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn” và các bài thực hành có liên quan.

Tôi toàn dạy lớp chéo ban (học sinh chọn học những môn tự nhiên – tác giả chú thích) nên học sinh lười học lí thuyết môn Ngữ văn. Vì vậy, tôi nghĩ ra giờ tập làm báo, lớp học trở thành tòa soạn báo, học sinh là phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên… cùng thiết kế một tờ báo”, cô Chu Thị Nhung cho biết.

Cô Nhung chia sẻ, việc cho học sinh làm báo Tết, cô nhận được nhiều sự quan tâm, động viên, khuyến khích của lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp trong tổ chuyên môn. Học sinh vui vẻ, nhiệt tình hưởng ứng với mong muốn có những tiết trải nghiệm làm báo nhân dịp Tết đến xuân về.

Hơn nữa, hàng năm học sinh Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng cũng có nhiều em đăng kí thi vào các trường báo chí. Vậy nên, qua hoạt động trải nghiệm này, người thầy vừa có thêm cơ hội đổi mới phương pháp giảng dạy vừa giúp học sinh hướng nghiệp ở nhóm ngành báo chí, truyền thông.

Để chuẩn bị cho học sinh làm báo, cô Nhung lần lượt dạy lí thuyết các bài về phong cách ngôn ngữ báo chí. Sau đó, cô chia nhóm, phân chia công việc cụ thể cho học sinh thực hành. Mỗi nhóm thực hành một thể loại như bản tin; tiểu phẩm; phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

Sản phẩm báo chí của các em học sinh lớp 11. Ảnh: Chu Thị Nhung

Sản phẩm báo chí của các em học sinh lớp 11. Ảnh: Chu Thị Nhung

“Học sinh có 2 tuần để hoàn thành các sản phẩm được giao. Tôi cũng đưa ra các tiêu chí chấm điểm rõ ràng cho từng thể loại. Nhóm nào có kĩ năng viết, trình bày tốt thì có thể được 10 điểm, còn lại tôi cho 8, 9 điểm nhằm khuyến khích học sinh học tập.

Ngoài yêu cầu cần đạt về mặt nội dung của một tin, bài thì yếu tố thẩm mỹ, khoa học trong thiết kế, trình bày trang báo cũng rất quan trọng”, cô Nhung nói thêm về tiêu chí chấm điểm.

Học sinh nhập vai phóng viên tác nghiệp

Cô Nhung kể, để cụ thể hóa lí thuyết thành những sản phẩm báo chí, học sinh cũng gặp một số khó khăn nhất định, kể cả khi viết những mẩu tin ngắn.

Riêng bài phóng sự, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, cô phải giúp các em chỉnh sửa nhiều lần, viết đi viết lại mới có thể hoàn thành tác phẩm ưng ý.

“Chẳng hạn, với bản tin ngắn, tôi đặt ra yêu cầu về cách đặt tiêu đề bản tin; cách mở đầu bản tin; triển khai chi tiết bản tin. Từ đó, các em khai thác, lựa chọn một số sự kiện về Tết Nguyên đán có ý nghĩa. Tôi yêu cầu học sinh đưa tin một cách chính xác, trung thực như những phóng viên báo chí viết bài.

Các em đưa tin về một số sự kiện nổi bật như phong trào Tết vì người nghèo; người dân Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết; Đoàn Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng trao quà Tết cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…”, cô Nhung thông tin về quy trình, sự kiện khi học sinh làm báo.

Trong số những tin, bài được “xuất bản”, cô Nhung tâm đắc nhất một số bài viết như “Đặc sản không thể thiếu khi Tết đến xuân về”; “Thành phố Thanh Hóa không bắn pháo hoa trong dịp Tết Nhâm Dần 2022”; “Tục xin chữ ngày Tết đang dần biến mất”.

Cô Nhung rất đồng cảm với các em khi có bài viết đề cập đến một số phong tục tốt đẹp của quê hương đang mai một như tục xin chữ ngày Tết.

Nét đẹp văn hóa ấy tô điểm cho bức tranh mùa xuân thêm lung linh sắc màu, thế nhưng điều đáng tiếc là tuổi trẻ ngày nay ít người quan tâm.

Bản tin có đoạn viết: “Những năm trở lại đây, người dân thường có xu hướng mua những tranh chữ bán sẵn thay vì xin chữ. Ông đồ cũng dần đi vào quên lãng thay vào đó là những thú chơi đồ gỗ, cây cảnh của người dân Thanh Hóa.

Dạo quanh một vòng thành phố có thể nhận thấy người dân chủ yếu để mắt đến các điểm bán hoa, cây cảnh, đồ trang trí Tết ở vỉa hè đường Lê Hoàn, Trần Oanh, Công viên Hội An…”.

Trải lòng về những giờ học làm báo Tết, học sinh Dương Thị Trà Vy lớp 11 B4 nói rằng, phần thực hành giúp các bạn trong lớp được làm việc tập thể, cá nhân em cũng tự tin hơn khi tác nghiệp báo chí nơi công cộng.

“Em rất thích những tiết học như thế này vì được trải nghiệm thực tế. Lúc đầu em khá bỡ ngỡ khi thu thập và xử lí thông tin nhưng cuối cùng cũng làm ra được sản phẩm như ý muốn”, em Nguyễn Ngọc Minh Thư lớp 11 B4 phấn khởi nói.

Kết thúc dự án làm báo Tết, cô Chu Thị Nhung cũng có chút tiếc nuối vì chưa thể cùng học sinh đến Tòa soạn Báo Thanh Hóa để giao lưu với phóng viên, biên tập viên… nhằm giúp các em có cái nhìn chân thực nhất về nghề báo.

Cô Nhung sẽ cố gắng đồng hành cùng lứa học sinh tiếp theo vào những năm học tới khi điều kiện cho phép.

Phan Thế Hoài