Trong năm 2021, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã xử lý, kỉ luật nhiều cán bộ, lãnh đạo tỉnh thành mắc sai phạm. Từ đây đã góp phần xây dựng và chỉnh đốn đảng, tạo niềm tin cho nhân dân.
Với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với công tác phòng, chống tham nhũng là không có "vùng cấm", thì vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất quan trọng và là cánh tay phải đắc lực cho công cuộc này.
Để có cái nhìn sâu hơn về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra trung ương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương).
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Phóng viên: Trong năm qua, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật nhiều lãnh đạo liên quan đến sai phạm trong đất đai như ông Trần Văn Nam cựu Bí thư Bình Dương và rất nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng. Ông đánh giá ra sao về sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương năm vừa qua?
Ông Vũ Quốc Hùng: Qua theo dõi trên báo chí truyền thông, tôi thấy rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát huy được tinh thần chiến đấu, trong đó họ làm tốt xây dựng chỉnh đốn đảng và đưa những tuyên bố của đảng vào cuộc sống.
Tuyên bố của đảng là xử lý sai phạm không có vùng cấm, đã được làm một cách khách quan.
Trong năm qua có rất nhiều những vụ việc được đưa ra xử lý như vi phạm của cán bộ ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và vi phạm của các lãnh đạo tỉnh, thành phố.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc cho trung ương đã nêu cao được tinh thần chiến đấu. Mặc dù công việc kiểm tra hiện nay phức tạp hơn so với trước đây nhưng vẫn được các cán bộ vẫn dày công làm sáng tỏ, phát hiện được những tiêu cực.
Để phát hiện sai phạm thì không phải là việc làm đơn giản, bởi đòi hỏi phải có trí tuệ, bản lĩnh, phân rõ đúng sai, phải có sự thuyết phục chứ không phải áp đặt.
Tôi mong rằng Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp tục phát huy được vai trò truyền thống được đúc kết, chủ động chiến đấu hiệu quả. Phải tìm ra được những vấn đề trong tổ chức sinh hoạt đảng, trong tư cách đảng viên.
Việc "chiến đấu" của Ủy ban kiểm tra Trung ương là nhằm giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, xử lý một người làm gương cho nhiều người.
Phóng viên: Từng giữ chức Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương (khóa XIII, IX), ông đánh giá như nào về sự thay đổi công tác kiểm tra, xử lý những vụ việc thời kì ông còn công tác so với bây giờ?
Ông Vũ Quốc Hùng: Quy trình để Ủy ban kiểm tra Trung ương xử lý những vụ việc có dấu hiệu sai phạm, thì thường nắm bắt thông qua các kênh thông tin như báo chí, truyền thông, từ người dân, các đơn vị.
Ví như Ủy ban Kiểm tra Trung ương không có ai làm ở các binh chủng, bộ tư lệnh nhưng ở đó có tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra đơn vị cung cấp thông tin. Tuy nhiên, có những đơn vị bị hạn chế tính chiến đấu, tê liệt thì phải nắm bắt thông tin qua cán bộ, nhân viên.
Vì vậy, Ủy ban cần phải sâu sát với nhân dân, điều này mang ý nghĩa rất quan trọng để nắm được tình hình, dấu hiệu vi phạm.
Thời nào cũng có sự phức tạp nhưng tính chất các vụ việc hiện tại thì gấp bội. Bởi lẽ đảng viên phải đóng vai trò xung kích, lãnh đạo nên dính đến quyền lợi rất nhiều.
Nếu công tác kiểm tra, giám sát không đến nơi đến chốn là rất dễ xảy ra sai phạm, khiến phẩm chất của cán bộ, đảng viên suy thoái, đảng bị mất uy tín.
Quan trọng nhất của mỗi người đảng viên là phải nắm vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, không được coi thường việc đó.
Đồng thời khi có điều kiện kinh tế xã hội, nếu không đặt quyền lợi chung lên trên hết, mà đặt quyền lợi cá nhân thì dễ dẫn đến tư lợi, vụ lợi, sau đó là hình thành đến nhóm lợi ích.
Ngày xưa chỉ có tham ô nhưng khi hình thành nên sự phát triển kinh tế xã hội thì hình thành lợi ích nhóm trong nhiều lĩnh vực, ví như gần đây trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, công tác giám sát kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Trung ương và các cấp là vô cùng quan trọng.
Để công tác kiểm tra có hiệu quả thì phải kêu gọi được sự ủng hộ của nhân dân, họ là các cán bộ, chiến sĩ... đồng thời phải lắng nghe nhân dân.
Phóng viên: Trong Điều lệ Đảng, các quy định của Ban Bí Thư có những quy định rất chặt chẽ quản lý đảng viên, tuy nhiên thực tế trong những năm qua, rất nhiều cán bộ Đảng viên trước sự cám dỗ của vật chất đã bị thoái hóa biến chất và phải xử lý. Vậy theo ông phải chăng chúng ta cần phải có những quy định chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý, giám sát cán bộ đảng viên ?
Ông Vũ Quốc Hùng: Quy định của chúng ta đã khá đầy đủ, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Cụ thể là những đảng viên phải đọc kĩ những quy định đó và nghĩ cách triển khai trong đơn vị.
Ví dụ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và XIII về xây dựng chỉnh đốn đảng đều đã đề cập rất toàn diện, rất sâu sắc.
Phải làm thế nào để Ủy ban kiểm tra trung ương làm hết chức năng của mình đã được quy định trong điều lệ đảng, như vậy sẽ giúp cho đảng và bảo vệ đảng. Bên cạnh đó là để đảng xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!