Nhìn lại vài sự cố khi dạy trực tuyến, giáo viên nên kiểm soát cơn giận ra sao

20/01/2022 06:44
Cao Nguyên
GDVN- Giáo viên mắng học sinh, sinh viên “rác rưởi”, “óc trâu”… khi dạy học online nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Ngày 17/9/2021, mạng xã hội Facebook lan truyền clip, ghi lại những lời lẽ xúc phạm của cô giáo Y. ở Quảng Trị với nữ sinh G. trong giờ học online.

Cùng ngày, Facebook tiếp tục xuất hiện clip thầy giáo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh “đuổi” sinh viên ra khỏi lớp online khi em này nhờ thầy giảng lại bài.

Ngày 21/9/2021, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh xôn xao với clip ghi lại lời giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu” và quát tháo rất lớn tiếng trong giờ học online.

Có lẽ còn một số giáo viên ứng xử chưa phù hợp với học sinh, sinh viên khi dạy học online chưa được nói đến.

Giáo viên cần tiết chế cảm xúc khi dạy online. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Baodongnai.com.vn)

Giáo viên cần tiết chế cảm xúc khi dạy online. (Ảnh minh hoạ, nguồn: Baodongnai.com.vn)

Cần tiết chế cảm xúc khi dạy học online

Trở lại sự việc của cô giáo ở Quảng Trị, theo tường trình, khi cô Y. đang giảng môn Ngữ văn cho lớp 11A5, nữ sinh G. nói là không hiểu bài và khi cô hỏi vì sao thì em này trả lời: “Em đang ăn mì tôm nên không hiểu”.

Khoảng 3 phút sau, tại ví trí số 11 của em G. tắt màn hình nhưng lại phát ra tiếng nhạc kèm lời chửi tục tĩu, xúc phạm người khác, do đó cô Y. đã không giữ được bình tĩnh, đã buông những lời xúc phạm em.

Theo tường trình này, rõ ràng nữ sinh G. đã vi phạm nghiêm trọng nội quy học tập online: ăn uống trong giờ học, mở nhạc, nói tục chửi thề.

Lẽ ra, cô giáo nên cho lớp dừng học ít phút để xử lí nữ sinh. Cô thông báo cho em không được tham gia tiết học này vì làm ảnh hưởng đến người dạy và người học. Cô giáo có thể dùng lệnh “mời” nữ sinh tạm thời ra khỏi lớp và cố giữ bình tĩnh tiếp tục bắt nhịp bài học.

Nếu không kìm nén được cơn tức giận, cô giáo nên xin phép hiệu trưởng dừng tiết học, tiết sau sẽ tiếp tục. Bởi, giáo viên đang trong cơn giận dữ thì khó có thể giảng dạy đảm bảo yêu cầu. Sau đó, cô giáo cần báo cáo sự việc cho hiệu trưởng, phụ huynh học sinh biết để làm quy trình xử lí nữ sinh.

Nếu cô giáo xử lí học sinh vi phạm theo quy trình này thì không có gì phải nói. Đáng tiếc thay, từ cái sai của nữ sinh, cô giáo đã nóng giận chửi rủa dẫn đến bản thân mắc sai lầm khó chấp nhận. Cô xưng “mày” – “tao” với học sinh, đã vô tình biến người thầy ngang hàng với học sinh, nghĩa là ăn thua đủ, chứ không phải răn dạy.

Điều đáng nói, cô giáo dùng hàng loạt từ ngữ như “quái thai”, “rác rưởi”, “con chó”, “mạt hạng”, “tiểu nhân”, “chết quách” “ đồ điên”, “quái dị”, “ rác thải”, “chết rấp”, “bị tống tù...” để mạt sát học sinh là đã xúc phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm người khác.

Tiếp đến, cách ứng xử của thầy giáo Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh với nam sinh viên trong giờ học online như đã dẫn là sai trái.

Việc dạy học online còn đó những khó khăn nhất định do những yếu tố chủ quan và khách quan. Chuyện sinh viên không nghe rõ bài giảng, nhờ giáo viên giảng lại không có gì là quá đáng đến mức thầy phải “đuổi” em ra khỏi lớp học.

Nếu cho rằng, sinh viên làm gián đoạn tiết học nên phải “đuổi” ra khỏi lớp là thầy giáo thiếu sự cảm thông, chia sẻ, bao dung, kể cả chưa làm tròn trách nhiệm với người học. Thầy không hề nghĩ rằng, em sinh viên kia cũng có lòng tự trọng, cũng biết xấu hổ với bạn bè trong lớp khi bị xúc phạm vô lối như thế.

Trong trường hợp này, thầy giáo chuyển file ghi âm, nội dung bài giảng qua e-mail cho sinh viên là hay nhất. Việc thầy la mắng trò làm cho không khí lớp học trở nên nặng nề, ngột ngạt, mất thời gian, làm sao sinh viên có thể tiếp thu được bài.

Dẫu biết rằng, dạy học online cũng có những áp lực riêng, thế nhưng giáo viên biết sử dụng phương pháp mềm dẻo, linh hoạt thì sẽ hóa giải phần nào khó khăn đó.

Chưa kể, sau khi sinh viên bị “đuổi” ra khỏi lớp, thầy giáo còn bắt các sinh viên khác mở webcam và nói câu: “Tôi tên là…, có đủ miệng và tai, các giác quan như người bình thường” – là sự ứng xử lệch chuẩn sư phạm. Đáng tiếc thay, hàng loạt sinh viên vẫn ngoan ngoãn chịu trận, luân phiên nhau nói những câu vô nghĩa lí.

Tương tự, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh mắng sinh viên là “óc trâu” và quát tháo rất lớn tiếng trong giờ học online là khó chấp nhận.

Sinh viên có thể chưa làm được bài vì lí do nào đó, trước hết giáo viên cần nhẹ nhàng tìm hiểu sự việc. Đằng này giáo viên quá nóng tính, la mắng rất nặng lời thì sinh viên còn đâu tâm trí để học.

Sau đó, đại diện nhà trường đã viết thư ngỏ đề nghị giáo viên ứng xử đúng mực với sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, cả thầy và trò phải đối mặt.

“Xin các thầy cô quan tâm kìm hãm các mối bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề”, một phần nội dung bức thư nhắn gửi.

Tôi cho rằng, giáo viên đừng quá quá kỳ vọng học trò phải đáp ứng nhiều yêu cầu khi dạy học trực tuyến. Nếu học sinh, sinh viên mắc khuyết điểm trong giờ học online thì người thầy phải biết tiết chế cảm xúc, ứng xử thấu tình đạt lí để hạn chế thấp nhất những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Tài liệu tham khảo:

https://thanhnien.vn/hoc-truc-tuyen-co-giao-day-van-mang-hoc-sinh-la-quai-thai-tam-hon-post1112717.html

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/duoi-sinh-vien-khoi-lop-online-dai-hoc-su-pham-ky-thuat-tphcm-noi-dang-tiec-post221133.gd

https://thanhnien.vn/lai-them-mot-giang-vien-mang-sinh-vien-la-oc-trau-trong-khi-day-truc-tuyen-post1113900.html

https://danviet.vn/giang-vien-quat-thao-mang-sinh-vien-la-oc-trau-20210921212217134.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên