Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, giáo dục đại học trong thời đại 4.0 đã có nhiều thay đổi, mục tiêu của giáo dục là tạo nên nguồn nhân lực có năng lực đổi mới và sáng tạo tri thức.
Để đạt được điều đó, chương trình giáo dục phải là tích hợp ngành để nguồn nhân lực có kiến thức rộng, mang tính tích hợp cao, trở thành công dân ICT, định hướng học suốt đời, đáp ứng nghề nghiệp có thể thay đổi và phát triển liên tục với công nghệ internet xâm nhập vạn vật. Khi đó, nhà trường là một hệ sinh thái giáo dục, là nơi chuẩn bị tiềm năng cho người học phát triển, đầu ra phải là những nhà sáng tạo và khởi nghiệp.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc cho rằng, mục tiêu của giáo dục là tạo nên nguồn nhân lực có năng lực đổi mới và sáng tạo tri thức. (Ảnh: NVCC) |
Trong những thập kỷ qua, từ dựa vào kinh nghiệm, đến dựa vào sự phát triển của các khoa học và kỹ thuật khác, khoa học giáo dục đã phát triển đem lại những thay đổi đáng kể như: Chương trình dạy học được xem là công cụ để chuyển tải chuẩn đầu ra (Phẩm chất và Năng lực) đến người học; Dạy học là dạy cách học [cách tìm thông tin (qua mạng và học hỏi), cách xử lý thông tin (định tính và định lượng), cách sử dụng thông tin (để ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề)] - đấy là hoạt động học và đó cũng chính là 3 năng lực nền tảng cần có ở thời 4.0 dù làm bất kỳ công việc gì; Kiểm tra đánh giá thành quả học tập chính là kiểm tra đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra của học phần hay của chương trình dạy học/đào tạo.
Trong thời đại số, bản thân hoạt động kiểm tra đánh giá người học cũng cần đổi mới về cả mục tiêu, triết lý, phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá.
Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc nêu ra 4 vấn đề quan trọng trong đổi mới kiểm tra đánh giá học tập trong bối cảnh số.
Thứ nhất là đổi mới mục tiêu kiểm tra đánh giá, trước đây, khi giáo dục là truyền thụ kiến thức, thì mục tiêu kiểm tra đánh giá là kết quả học tập (Assessment of learning). Ngày nay, khi giáo dục là rèn luyện phẩm chất và năng lực để chuẩn bị tiềm năng cho người học phát triển, thì mục tiêu kiểm tra đánh giá là để hỗ trợ cho việc học của người học. Thông tin bùng nổ, dạy không xuể, giáo dục là dạy cách học, cách kiến tạo kiến thức; giảng viên chỉ là người hướng dẫn. Do đó, coi kiểm tra đánh giá như một hoạt động dạy và học (Assessment as learning) mới nâng cao hiệu quả của hướng dẫn học.
Thứ hai là đổi mới triết lý kiểm tra đánh giá, trước đây triết lý kiểm tra đánh giá là đánh giá sự tiếp thu kiến thức, kỹ năng của người học, nên câu hỏi/đề thi chủ yếu hỏi kiến thức/kỹ năng đã nắm/đã thuộc đến mức độ nào. Ngày nay, do bản chất dạy học là dạy nhận thức (dạy cách tiếp thu kiến thức) và dạy tư duy (dạy suy nghĩ vận dụng kiến thức đã tiếp thu được), nên triết lý kiểm tra đánh giá là đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy của người học, câu hỏi đề thi lúc này nhằm vào đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy, qua một tình huống cụ thể nào đó, người học đạt đến mức độ nào nhận thức (phân tích, bình luận, đánh giá hay sáng tạo) và tư duy (hệ thống, phê phán hay sáng tạo) về tính huống đó.
Kiểm tra đánh giá người học thời đại số cần đổi mới về cả mục tiêu, triết lý, phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá. (Ảnh minh họa: Trường Đại học Mở Hà Nội) |
Thứ ba là đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, trước đây chủ yếu dùng câu hỏi/đề thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan. Ngày nay, giáo dục 4.0 gắn liền với công nghệ cao, cho phép không chỉ dùng các câu tự luận hay trắc nghiệm khách quan mà còn sử dụng mô tả tình huống một cách linh hoạt qua các loại tranh, ảnh, đồ hình, câu đố thực và ảo…để đánh giá phẩm chất (trí tuệ cảm xúc) và năng lực (nhận thức và tư duy) xác thực hơn.
Gần đây, để đánh giá năng lực trong tuyển chọn (người học, người làm việc theo mục đích khác nhau …) nhờ công nghệ 4.0 đã sử dụng phương pháp trắc nghiệm thích ứng qua máy tính (Computerized Adaptive Testing), nghĩa là câu hỏi ban đầu đưa ra được xác định mức năng lực cho trước, nếu đạt ngay thì câu hỏi tiếp theo trong cuộc thi sẽ đòi hỏi ngay mức năng lực cao hơn mức trước, cứ như vậy tiếp diễn cho đến khi đạt tới giới hạn nào đó thì dừng, do đó cuộc thi không cần tốn thời gian và nhanh chóng xác định được chính xác mức năng lực người dự tuyển để quyết định tuyển hay không tuyển.
Thứ tư là đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá. Cụ thể, trước đây kiểm tra viết qua các câu hỏi chủ yếu ở mức nhận thức, tư duy thấp (nhớ, hiểu, áp dụng) nên không cho mở tài liệu; ngày nay câu hỏi chủ yếu hỏi nhận thức bậc cao (phân tích, đánh giá, sáng tạo) nên cho truy tìm tài liệu để làm bài.
Trước đây thi vấn đáp bằng câu tự luận chấm thiếu chính xác và khách quan thì ngày này thi vấn đáp bằng câu trắc nghiệm, đánh giá ngẫu nhiên tức thời và trực tiếp nên chính xác đồng thời về phẩm chất và năng lực, lại khách quan hơn.
Nếu trước đây kiểm tra đánh giá theo bài làm cá nhân thì ngày nay kiểm tra đánh giá chủ yếu thông qua nhóm, để rèn luyện được năng lực hợp tác, chia sẻ được nhận thức và tư duy, giúp san bằng tri thức, chống phân hóa trình độ giữa người học với nhau.
Trước đây trọng số chỉ dồn cho bài thi cuối kỳ, thiếu chính xác và khách quan; ngày nay kiểm tra đánh giá qua hồ sơ học tập (qua các sản phẩm học tập trong quá trình học học phần) nên chính xác và khách quan hơn.
“Công cụ cốt lõi để đổi mới kiểm tra đánh giá thành quả học tập của học viên là ngân hàng câu hỏi tự luận và ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan”, Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc khẳng định.
5 bước trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi
Theo Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc, ngân hàng câu hỏi bài tập là một trong những yếu tố quan trọng trong đổi mới kiểm tra đánh giá người học, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới giáo dục hiện nay.
Muốn xây dựng được hệ thống ngân hàng câu hỏi, cần phải thực hiện chặt chẽ 5 bước theo quy trình xây dựng chương trình dạy học.
Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc cho rằng, ngân hàng câu hỏi bài tập là một trong những yếu tố quan trọng trong đổi mới kiểm tra đánh giá người học. (Ảnh minh họa: Trường Đại học Mở Hà Nội) |
Bước 1, cần xây dựng chuẩn đầu ra chương trình dạy học/đào tạo của ngành học theo chuẩn đầu ra của bậc học quy định trong Khung trình độ quốc gia đã ban hành, với nguyên tắc cụ thể hóa các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ và trách nhiệm của ngành học, có thể thêm các ý do đặc thù của ngành học, nhưng không được thiếu bất kỳ ý nào trong văn bản chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia.
Bước 2, từ chuẩn đầu ra chương trình, xây dựng mục tiêu chung nêu rõ học phần này tham gia chuyển tải Phẩm chất và Năng lực nào của chương trình dạy học và mục tiêu cụ thể học phần này tham gia chuyển tải những kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ và trách nhiệm nào của chuẩn đầu ra chương trình dạy học.
Từ đó mới có căn cứ khoa học để xây dựng chương trình dạy học: Học phần nào chuyển tải nhiều thành phần của chuẩn đầu ra chương trình thì cho là học phần bắt buộc và gán cho nhiều tín chỉ (không quá 3 hay 4 tín chỉ). Học phần nào chuyển tải ít, cho là học phần tự chọn và ít tín chỉ (1 hoặc 2 tín chỉ). Học phần nào không chuyển tải chuẩn đầu ra, không đưa vào chương trình.
Bước 3, từ mục tiêu cụ thể của học phần, xây dựng nội dung kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ và trách nhiệm mà học phần sẽ dùng để chuyển tải đến người học các thành phần kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ của chuẩn đầu ra chương trình.
Bước 4, căn cứ vào nội dung học phần đã xác định được, xây dựng chuẩn đầu ra học phần. Vì bản chất dạy học ngày nay là dạy nhận thức và tư duy trước một tri thức, nên đối với môn lý thuyết xây dựng chuẩn đầu ra học phần theo thang Bloom rút gọn gồm 3 bậc: Tái hiện (nhớ),Tái tạo (Hiểu và Áp dụng) và Lập luận sáng tạo (phân tích, đánh giá và sáng tạo).
Đối với môn thực hành, xây dựng chuẩn đầu ra theo thang Dave rút gọn gồm 3 bậc là: Chuẩn hóa, Phối hợp và Thành thạo.
Việc xây dựng chuẩn đầu ra học phần do các giảng viên cùng dạy học phần xây dựng theo 2 tiêu chí: Sứ mạng của nhà trường và mục tiêu của chương trình dạy học/đào tạo. Từ 2 tiêu chí này nhóm xây dựng sẽ đồng thuận phân loại nội dung cho các bậc nhận thức hay bậc thực hành đã nêu ở trên để xây dựng chuẩn đầu ra học phần.
Bước 5, từ chuẩn đầu ra học phần xây dựng theo thang Bloom hay thang Dave, xây dựng ngân hàng câu hỏi tự luận bằng cách rút từng nội dung đã phân định trong chuẩn đầu ra học phần làm câu hỏi tự luận.
“Khi ngân hàng câu hỏi đủ lớn (tối thiểu phải có 300 câu trắc nghiệm khách quan cho học phần 2 tín chỉ), thì bản chất ngân hàng là chuẩn kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ và trách nhiệm của học phần, vì về cơ bản nội dung nào của học phần cũng có câu hỏi và đáp án thế nào là đúng.
Ngân hàng câu hỏi là công cụ cá nhân hóa việc học của người học, là phương tiện để xây dựng xã hội học tập và là một trong các giải pháp để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số cho giáo dục đại học”, Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc nhận định.
Xây dựng ngân hàng câu hỏi phải đảm bảo đề thi có độ tin cậy và độ giá trị cao, thực hiện được mục tiêu cuộc thi. (Ảnh: PM) |
Theo đó, ngân hàng câu hỏi đảm bảo 6 chức năng.
Thứ nhất, lập đề thi theo bảng trọng số đã ban hành trong đề cương học phần, đảm bảo đề thi có độ tin cậy và độ giá trị cao, thực hiện được mục tiêu cuộc thi.
Thứ hai, ngân hàng câu hỏi để đổi mới hoạt động dạy học, thực hiện được dạy cách học hiệu quả; đảm bảo hai người dạy cùng học phần cho kết quả tương đương. Như vậy là có thể thay nhau dạy khi một người có việc đột xuất, đảm bảo học chế tín chỉ được thực hiện đúng lịch trình, không bị xáo trộn.
Thứ ba, ngân hàng câu hỏi/chuẩn kiến thức này góp phần tạo nên đội ngũ giảng viên dạy chuẩn được 2 đến 3 loại học phần cùng ngành học, nhờ đó các giảng viên này có năng lực dạy tích hợp kiến thức cho các chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành mà trong thời đại 4.0 này đang nở rộ để đáp ứng nguồn nhân lực thời nay đòi hỏi có kiến thức, kỹ năng rộng.
Thứ tư, ngân hàng câu hỏi là công cụ để triển khai dạy học trực tuyến (Online) hay Phối hợp trực tuyến với trực diện (Blended) đáp ứng thời đại 4.0. Giảm chi phí đi lại, ăn ở (vì học tại nhà, tại nơi làm việc), đáp ứng tùy chọn theo khả năng và điều kiện của từng cá nhân. Đặc biệt là rất có giá trị cho các chương trình bồi dưỡng, cập nhật tri thức cho các cựu sinh viên mà bấy lâu nay không có công nghệ thì khó thực hiện; thực chất là một hoạt động đào tạo phát huy cao độ học chế tín chỉ, tạo nên một xã hội học tập thuận lợi và thực chất hơn.
Thứ năm, để tổ chức thi qua máy tính hay smartphone, đảm bảo chất lượng cuộc thi (chính xác và khách quan), người học có thể thi học phần nhiều lần, bao giờ máy xác nhận đạt chất lượng mới thôi.
Thứ sáu, đối với người học, ngân hàng câu hỏi bản chất là người thầy ảo, là công cụ để người học tự học, để người học biết tự chiếm lĩnh/kiến tạo kiến thức, góp phần giảm phân hóa trình độ trong người học.
Để khai thác được đầy đủ giá trị của ngân hàng câu hỏi trong giáo dục đại học, đặt ra yêu cầu cao đối với giảng viên: Giảng viên phải là người thông thạo quy trình xây dựng các ngân hàng câu hỏi tự luận và trắc nghiệm khách quan; Đồng thời có kỹ năng chuyển đổi số trong giảng dạy và hướng dẫn học cho người học.
Lẽ dĩ nhiên, giảng viên cũng phải được trang bị tốt về các phương tiện kỹ thuật chuyển đổi số để sử dụng linh hoạt ngân hàng câu hỏi trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng của ngành học./.