Dự án nghiên cứu ung thư của học sinh vào chung kết thi KHKT, nhiều băn khoăn

22/01/2022 12:55
Ánh Dương
GDVN- “Nghiên cứu về ứng dụng của công nghệ Nano - Nanorobotics vào điều trị ung thư” là một trong những dự án “khủng” của học sinh chỉ mới 14, 15 tuổi.

Ngày 20/1/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố 45 dự án vào Vòng chung kết Cuộc thi Khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp Thành phố năm học 2021 - 2022.

Theo đó, các dự án vào Vòng chung kết thuộc các lĩnh vực: Khoa học xã hội và hành vi; Hóa sinh; Y sinh và khoa học sức khỏe; Kỹ thuật y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hóa học; Hệ thống nhúng; Kĩ thuật cơ khí; Khoa học vật liệu; Toán học; Vi sinh; Vật lí và thiên văn; Robot và máy thông minh; Hệ thống phần mềm. [1]

Nhiều dự án thiết thực, phù hợp với trình độ học sinh

Theo ý kiến cá nhân người viết, một số dự án lọt vào Vòng chung kết Cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp Thành phố năm nay phù hợp với trình độ học sinh phổ thông, là tín hiệu rất đáng mừng.

Chẳng hạn, về lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có một số dự án đáng quan tâm như: “Sự tác động của truyền thông đến tâm lí và hành động của học sinh trường trung học phổ thông… trong giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021”; “Giải pháp nâng cao hiệu quả học trực tuyến cho học sinh trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Một số dự án nghiên cứu về ung thư vào vòng chung kết cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Ánh Dương)

Một số dự án nghiên cứu về ung thư vào vòng chung kết cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Ánh Dương)

Hay dự án “Lập trình hệ thống trò chơi để học Toán song ngữ trung học phổ thông bằng phần mềm Scratch” (Toán học); “Phần mềm hệ thống nhận biết tin giả”; “Ứng dụng máy học xây dựng phần mềm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông” (Hệ thống phần mềm)…

Tôi cho rằng, những dự án này có tính mới, thiết thực, góp phần giúp học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ những khó khăn khi các em phải giãn cách xã hội, học trực tuyến dài ngày và được tư vấn hướng nghiệp hiệu quả.

Cụ thể, dự án sự tác động của truyền thông đến tâm lí và hành động của học sinh nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên, phụ huynh trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Hội thảo “Vai trò của truyền thông trong tâm lý học đường” diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8/20218, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, báo chí hiện nay quá nhạy cảm với các chuyện tốt, xấu, tình, tiền… nó mang tính giật gân và thu hút người khác. [2]

Vậy nên, dự án nghiên cứu về sự tác động của truyền thông đến tâm lí và hành động của học sinh là thiết thực. Làm sao để truyền thông phải tạo ra sự kết nối giữa nhà trường với gia đình nhằm truyền đạt thông tin và định hướng cho học sinh trong vấn đề tâm lý học đường, tránh những tác động tiêu cực khiến các em hoang mang.

Một số dự án nghiên cứu về ung thư liệu có thành hiện thực?

Bên cạnh nhiều dự án thiết thực, phù hợp với trình độ học sinh, có tính ứng dụng rộng rãi thì vẫn còn một số dự án, theo tôi, là còn đơn giản hoặc quá tầm với học sinh bậc phổ thông, trong đó có những em chỉ ở độ tuổi 14, 15.

Tôi lấy ví dụ, dự án “Xây dựng và nâng cao năng lực tự học bằng phương pháp lập kế hoạch học tập đối với học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”, liệu có đơn giản, mặc dù đề tài thực tế, có tính ứng dụng?

Hoặc hàng loạt dự án “khủng” nghiên cứu về ung thư cũng khiến người lớn phải giật mình như: “Khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa và khả năng kháng tế bào ung thư ruột kết của cao chiết hoa bụp giấm (Hibiscus Sabdariffa l)”;

“Cô lập và thử nghiệm hoạt tính gây độc tế bào ung thư các hợp chất triterpenoid khung lupane từ thân cây Xú hương Bidoup Lasianthus bidoupensis V.S Dang & Naiki”; “Nghiên cứu về ứng dụng của công nghệ Nano - Nanorobotics vào điều trị ung thư” (học sinh cấp 2 thực hiện – tác giả chú thích).

Tôi chuyển câu hỏi “học sinh cấp 3 có đủ sức nghiên cứu khoa học về ung thư không” đến Thạc sĩ L.T.T., tổ trưởng tổ Sinh học một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì thầy trả lời rằng, các em chỉ biết về ung thư qua môn học, còn nghiên cứu về ung thư thì đến Tiến sĩ chuyên ngành cũng thấy khó.

“Riêng học sinh bậc trung học cơ sở không thể nghiên cứu về ung thư vì các em chưa học về đột biến gen. Đề tài nghiên cứu về ung thư cỡ này phải đăng lên tạp chí khoa học quốc tế mới xứng tầm”, Thạc sĩ T. nói thêm.

Liên quan đến đến đề tài nghiên cứu ung thư của học sinh phổ thông đã “trình làng” tại cuộc thi khoa học kĩ thuật nhiều năm qua, bác sĩ chuyên khoa I Võ Tá Sơn, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An chia sẻ thẳng thắn trên Báo Lao động: “Đối với những vấn đề này, thầy cô của các em còn không hiểu, bác sĩ không làm chuyên ngành ung thư cũng không hiểu”.

Một bác sĩ công tác ở Nghệ An cho biết: “Là bác sĩ nhiều năm điều trị bệnh ung thư, tôi nghĩ học sinh phổ thông khó làm được các đề tài như thế. Cần làm rõ có hay không đó sản phẩm của người lớn làm hộ để các em đi thi. Nếu học sinh làm được như thế thì bệnh ung thư ở Việt Nam đã xóa sổ từ lâu.” [3]

Những năm qua, dư luận xôn xao về một số đề tài “khủng” trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật từ địa phương đến cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông. Có lẽ, cũng nên nhìn nhận lại để cuộc thi thực sự là sân chơi khoa học kỹ thuật phù hợp, thực chất hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] //gdtrunghoc.hcm.edu.vn/thong-bao/vong-chung-ket-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-hoc-sinh-trung-hoc-cap-thanh-pho-nam/ct/41000/67939

[2] //cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Vai-tro-cua-truyen-thong-trong-tam-ly-hoc-duong-i488367/

[3] //laodong.vn/ban-doc/nhung-tranh-cai-ve-cuoc-thi-khkt-quoc-gia-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-hoc-sinh-nghien-cuu-ung-thu-bac-si-choang-876005.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương